Vắng khách vì COVID-19, các nhà hàng, tiệm cafe biến thành cửa hàng thực phẩm để chống chọi nghịch cảnh

Việc bán thực phẩm trực tuyến để người mua tới tận nơi để lấy sản phẩm giúp các chủ nhà hàng, quán cafe không phải trả tiền để thuê công ty giao hàng. Doanh thu của nhiều nhà hàng, tiệm cafe bùng nổ từ khi họ bán thực phẩm.

Khoảng một tháng trước, Anthony Strong mở một phòng chuyên phục vụ các bữa ăn theo phong cách gia đình trong nhà hàng Prairie của anh ở thành phố San Francisco (Mỹ). Anh đóng nhà hàng trong 4 ngày để trang trí, bày biện phòng đó và rât hào hứng khi công bố nó với thực khách.

"Quả thực nó là một kiệt tác đáng trầm trồ, nhưng nó chỉ tỏa sáng đúng một tuần", Strong kể với CNN.

Ngay sau khi Strong khai trương phòng ăn mới, thành phố San Francisco bắt đầu thực thi mệnh lệnh giãn cách xã hội để ngăn sự lây lan của dịch viêm phổi cấp COVID-19

Chính quyền yêu cầu các nhà hàng giới hạn hoạt động, không phục vụ khách tại nhà hàng. Strong hiểu rằng mô hình ẩm thực mới của anh - chia sẻ bữa ăn với người lạ - chưa phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Vì thế, anh quyết định bán thực phẩm và nguyên liệu mà anh mua với khối lượng lớn cho khách hàng. Về thực tế, với cách thức ấy, Strong dã biến nhà hàng thành một cửa hàng thực phẩm, và đó là ý tưởng hiệu quả.

"Nhìn những người vốn là thực khách tới nhà hàng mua thực phẩm là cảm giác rất vui", anh thổ lộ.

Restaurants are transforming into grocery stores because of coronavirus - Ảnh 1.

Quán cà phê Tucker Silk Mill ở thành phố Easton, bang Pennsylvania, Mỹ trỏ thành một cửa hàng thực phẩm. Ảnh: CNN

Strong không phải là chủ nhà hàng duy nhất bán thực phẩm cho thực khách. Trên khắp nước Mỹ, hàng loạt quán cà phê và nhà hàng đang xoay sở đủ cách để duy trì hoạt động kinh doanh. Các nhà hàng nỗ lực giữ những vị khách không thể tới tận nơi để thưởng thức món ra qui định về giãn cách xã hội, theo CNN.

Giao món tới nhà là một cách, song nó lại đắt. Nếu hợp tác với những dịch vụ giao món như GrubHub, nhà hàng phải trả một khoản phí cho họ khiến lợi nhuận giảm.

Bán thực phẩm là một cách để không phải trả phí cho bên khác. Các chủ nhà hàng bán những món mà họ thường sử dụng để chế biến món. Biến nhà hàng thành cửa hàng thực phẩm là một cách để giảm tải cho các siêu thị - nơi mật độ người mua trở nên quá lớn khiến cả siêu thị lẫn người mua đều cảm thấy lo ngại.

Nhiều nhà hàng phải thuê công ty giao hàng. Nhưng đối với Strong, không thuê dịch vụ giao hàng thực sự là yếu tố quan trọng. Anh không muốn dựa vào dịch vụ của bên khác, và không coi đó là lựa chọn hay. Vì thế, anh bán thực phẩm ngay tại nhà hàng.

Quán cà phê Tucker Silk Mill ở thành phố Easton, bang Pennsylvania luôn là nơi để mọi người tụ tập. 

"Chúng tôi không giao cà phê tới tận nhà cho khách. THay vào đó, chúng tôi bán thực phẩm trực tuyến và khách tới quán cà phê để lấy hàng", Jason Hoy, chủ quán cà phê, kể.

"Mô hình hiện tại cho phép tôi kiểm soát hoàn toàn mọi khâu. Điều thú vị là từ khi bán thực phẩm, doanh thu của quán tăng vọt", Hoy tiết lộ.

Nhiều chủ quán cà phê, nhà hàng khác lập cửa hàng tạp hóa ngay trong quán để tận dụng không gian rộng rãi. Marc Glosserman sở hữu vài nhà hàng thịt nướng ở thành phố New York và Washington. Mặt bằng của nhà hàng rất rộng nên Marc đặt thêm những kệ tạp hóa bên trong. 

"Khi khách hàng tới lấy thịt nướng, họ cũng có thể tranh thủ mua thêm vài sản phẩm thiết yếu như khoai tây hay giấy vệ sinh", Marc bình luận.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/vang-khach-vi-covid-19-cac-nha-hang-tiem-cafe-bien-thanh-cua-hang-thuc-pham-de-chong-choi-nghich-canh-20200410100944017.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/