Ứng dụng gọi xe: Làm thì dễ nhưng sống được thì quá khó

Số vốn góp đăng kí để kinh doanh gọi xe công nghệ không quá cao và kĩ sư Việt cũng đã có thể làm ứng dụng, nhưng rõ ràng, để tồn tại được trước sức cạnh tranh quyết liệt của những tay chơi sẵn sàng đốt hàng nghìn tỉ là quá khó.

Khi các ông lớn vẫn thua lỗ đều

Theo báo cáo ngành của ABI Research cuối năm 2019, hiện có 3 thế lực lớn trên thị trường gọi xe công nghệ Việt là Grab, Be và GoViet (nay là Gojek Việt Nam). Trong số đó, Grab là hãng có thị phần lớn nhất với việc chiếm quá bán trong "miếng bánh" gọi xe công nghệ.

Tuy nhiên đi kèm với việc sở hữu thị phần lớn, thì các hãng gọi xe công nghệ trên hiện đều đang lỗ, dù hầu hết đều đang có lợi nhuận gộp dương (lãi trên mỗi đơn hàng), trừ GoViet.

Theo thông tin chúng tôi được biết, ở năm tài chính gần nhất GoViet chỉ đạt doanh thu thuần 22,5 tỉ đồng, nhưng lợi nhuận gộp là âm 992 triệu đồng. Lỗ sau thuế của công ty là 1.682 tỉ đồng.

Việc doanh thu thuần chỉ đạt 22,5 tỉ đồng cho thấy GoViet trong năm 2019 không thật sự tập trung vào mảng kinh doanh gọi xe. Thay vào đó, ứng dụng gốc Indonesia lại đưa ra các chương trình khuyến mại cho dịch vụ giao đồ ăn. Tài xế chạy giao đồ ăn cũng được khuyến khích bằng các chương trình tích điểm phần nào có lợi hơn.

Trong khi đó, doanh thu thuần của Be cùng kì đạt 456 tỉ đồng (Be không có dịch vụ giao đồ ăn) và ghi nhận mức lợi nhuận gộp 391 tỉ đồng. Tuy nhiên sau khi trừ đi các chi phí, Be vẫn lỗ sau thuế hơn 1.500 tỉ đồng.

Ứng dụng gọi xe lớn nhất thị trường Việt Nam là Grab tạo ra doanh thu thuần 456 tỉ đồng trong năm 2019, mức lỗ sau thuế là 1.502,4 tỉ đồng.

Cần bao nhiêu vốn để kinh doanh gọi xe công nghệ? 

Việc làm ứng dụng xe gọi xe công nghệ hiện vẫn chưa có lãi. Tuy nhiên ngoài 3 cái tên lớn kể trên, thì các ứng dụng gọi xe với thị phần nhỏ hơn cũng rất nhiều: FastGo, ZuumViet, VATO, GV...

Nhìn vào số vốn đăng kí của những công ty chủ quản, có thể thấy rào cản tham gia thị trường gọi xe công nghệ không quá cao. FastGo, ứng dụng gọi xe Việt duy nhất vươn ra thị trường nước ngoài, có số vốn đăng kí chỉ là 3,2 tỉ đồng.

Mặc dù nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ hệ sinh thái của NextTech, nhưng trong năm tài chính trọn vẹn đầu tiên kinh doanh (2019), doanh thu FastGo là 10,1 tỉ đồng và lỗ sau thuế 31 tỉ đồng.

Trong khi đó, một ứng dụng được giới thiệu nhận được sự hỗ trợ của Google là GV, cũng có vốn đăng kí không cao. Theo thông tin từ Cổng đăng kí doanh nghiệp quốc gia, vốn điều lệ của GV là 8 tỉ đồng, dù đại diện công ty tuyên bố sẵn sàng "đốt" 6.000 tỉ đồng trong năm đầu tiên cho các chương trình khuyến mại.

Làm ứng dụng gọi xe: Rào cản thấp, nhưng tính cạnh tranh cao - Ảnh 1.

Ứng dụng GV tuyên bố "đốt" 6.000 tỉ trong năm đầu tiên. Ảnh: GV

Hiện ZuumViet, ứng dụng gọi xe chọn lựa màu áo tím, vẫn chưa cập nhật đầy đủ kết quả kinh doanh trong năm 2019. Tuy nhiên theo thông tin của chúng tôi, đăng kí vốn góp chủ sở hữu của ZuumViet cũng chỉ là 11,5 tỉ đồng.

Công ty Cổ phần thương mại điện tử Vận Thông (đơn vị sở hữu ứng dụng VATO) có lẽ là công ty kinh doanh mảng gọi xe có số vốn góp đăng kí lớn nhất lên dến 54 tỉ đồng. Tuy nhiên tình hình kinh doanh trong năm 2019 của công ty không ổn khi lợi nhuận gộp đang ở mức âm 54,3 tỉ đồng.

Cuộc chơi "đốt tiền" chưa có hồi kết

Có thể thấy rào cản gia nhập thị trường gọi xe không cao, cả về vốn lẫn công nghệ. Hiện tại, một số kĩ sư tại Việt Nam đã phát triển được những nền tảng kết nối trong mảng gọi xe (bằng chứng là đã dần xuất hiện những ứng dụng gốc Việt, hoặc do chính kĩ sư Việt nghiên cứu như ứng dụng viApp mới ra mắt gần đây).

Tuy nhiên, để gây dựng được một thương hiệu đủ sức cạnh tranh lại không hề đơn giản. Grab Việt Nam nhận được sự hậu thuẫn từ Singapore, và cũng đã phải đổ rất nhiều tiền và thậm chí là cổ phần (trong vụ thâu tóm Uber) mới chiếm lĩnh được phần lớn thị trường Việt. 

Tương tự, dù lỗ sâu nhưng GoViet với nền tảng được hỗ trợ từ Gojek mới có đủ nguồn lực để tiếp tục duy trì hoạt động. Trong khi đó, Be vốn là một ứng dụng gốc Việt nhưng cũng nhận được hỗ trợ rất nhiều trong thời gian đầu từ VP Bank với tư cách là đối tác chiến lược. 

Làm ứng dụng gọi xe: Rào cản thấp, nhưng tính cạnh tranh cao - Ảnh 2.

Rào cản gia nhập thị trường gọi xe công nghệ không cao. Ảnh: Techbike.

Tuy nhiên, không phải ứng dụng ngoại nào cũng có thể tạo được chỗ đứng vững chắc tại Việt Nam. TADA là một ví dụ tương tự. Với mô hình không chiết khấu, TADA đã bắt đầu kinh doanh tại Việt Nam vào cuối năm 2018, đầu năm 2019. Tuy nhiên tới hiện tại, dù công ty mẹ gọi vốn liên tiếp, TADA Việt Nam vẫn chưa thật sự bật lên, trong khi giá cước cũng không rẻ hơn so với các đối thủ cạnh tranh.

Đến hiện tại, vẫn chưa có dấu hiệu gì cho thấy một ứng dụng gọi xe nào đó sẽ tạo ra lợi nhuận. Uber, mô hình gọi xe công nghệ đầu tiên trên thế giới hiện tại đang ngập trong thua lỗ dù ban lãnh đạo tuyên bố sẽ có lãi trong vòng vài năm tới.

Theo dự báo của các nhà phân tích, thị trường sẽ sớm đào thải những cái tên không đủ sức cạnh tranh và không thể huy động vốn để đua đường dài cùng những ông lớn. Chỉ khi đó, cuộc chơi đốt tiền mới dừng lại. 

Vấn đề được quan tâm là hãng gọi xe nào sẽ rời cuộc chơi đầu tiên? 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ung-dung-goi-xe-lam-thi-de-nhung-song-duoc-thi-qua-kho-20200922115108111.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/