Trung Quốc làm sao thực hiện 'lưu thông kép' khi người dân chi tiêu dè sẻn?

Chính phủ Trung Quốc đặt niềm tin vào thị trường nội địa để chèo lái nền kinh tế trong 5 năm tới. Tuy nhiên, người tiêu dùng đang thắt lưng buộc bụng để vượt qua ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 thì sức đâu để kéo cỗ máy tăng trưởng của Trung Quốc tiến về phía trước?

Câu chuyện khởi nghiệp của cựu quản lí Huawei

Jack Wang - cựu quản lí hoạt động của Huawei ở thị trường nước ngoài, đã quyết định nghỉ việc vào năm 2019 sau nhiều năm xa cách với gia đình ở tỉnh Hà Nam.

Wang có kế hoạch phát triển một công ty trực tuyến tại quê nhà Hà Nam, chuyên bán các sản phẩm nông nghiệp địa phương chất lượng cao như mật ong và mè cho người tiêu dùng thành thị chịu chi.

Một năm sau, khi đã "đốt" hết 300.000 nhân dân tệ (tương đương 44.000 USD), Wang nhận ra mình đã mắc sai lầm khi đánh giá nhu cầu và khả năng chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc.

"Tôi đã đánh giá quá cao nhu cầu trong nước", Wang than thở. "Trên thực tế, thị trường nội địa rất cạnh tranh và sức chi tiêu của người dân bình thường không mạnh như tôi tưởng".

Để tiết kiệm tiền, Wang chuyển văn phòng từ một tòa tháp sang trọng ở Trịnh Châu về một tòa nhà cũ ở một quận nông thôn với giá thuê hàng năm chỉ hơn 10.000 nhân dân tệ (khoảng 1.500 USD).

Thậm chí, qua lời giới thiệu của một người bạn, Wang còn bán thêm tất chân xuất khẩu bị tồn kho.

"Kế hoạch không ổn. Tất xuất khẩu có chất lượng tốt, ông chủ công ty đó muốn bán ít nhất từ 5 - 10 nhân dân tệ/đôi. Người dân địa phương thường mua 4 hoặc 5 đôi với giá 10 nhân dân tệ. Không có mấy khách hàng chịu chi trên mức giá này", Wang chia sẻ với South China Morning Post (SCMP).

Dự án kinh doanh bất thành buộc Wang phải giảm bớt các khoản chi tiêu không cần thiết. Wang cho hay chỉ một số ít bạn vè và người thân của anh tăng chi tiêu. Đại dịch COVID-19 làm giảm thu nhập và gây ảnh hưởng đến triển vọng kinh doanh trong lĩnh vực chế tạo và dịch vụ.

Chiến lược 'lưu thông kép' của Trung Quốc khiến nhiều người băn khoăn nhu cầu nội địa đến từ đâu - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: SCMP

Sức mua của người tiêu dùng ì ạch, thị trường nội địa yếu 

Câu chuyện của Wang phản ánh một vấn đề nổi cộm hơn trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới: chi tiêu của người tiêu dùng không mạnh vì chịu ảnh hưởng của mô hình tăng trưởng do nhà nước dẫn đầu.

Sức mua của người tiêu dùng yếu là một vấn đề mà Bắc Kinh phải đối mặt khi soạn thảo kế hoạch kinh tế mới, trong đó tập trung vào thị trường nội địa rộng lớn để giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu.

Vào tháng 5, Chủ tịch Tập Cận Bình đã giới thiệu chiến lược "lưu thông kép" để Trung Quốc tồn tại và phát triển trong một thế giới ngày càng bất ổn và thù địch. Lưu thông kép là chiến lược liên quan đến hai vòng hoạt động kinh tế trong và ngoài nước với trọng tâm là kinh tế Trung Quốc.

Liệu chiến lược này có thành công hay không vẫn là một câu hỏi mở cho các nhà nghiên cứu.

Một báo cáo do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển thuộc Hội đồng Nhà nước Trung Quốc công bố đầu tháng 9 dự đoán GDP bình quân đầu người của Trung Quốc sẽ đạt 14.000 USD vào năm 2024 và qui mô của thị trường Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2025, với ít nhất 560 triệu người tiêu dùng có "thu nhập trung bình".

Tuy nhiên, các chuyên gia nghi ngờ liệu Trung Quốc có thực sự thay đổi động lực tăng trưởng từ đầu tư và xuất khẩu do nhà nước dẫn dắt sang chi tiêu tiêu dùng mà không có quá trình chuyển đổi đau đớn về mô hình tăng trưởng và hệ thống phân phối tài sản.

Cuối tháng trước, ông Michael Pettis - Giáo sư tài chính tại Đại học Bắc Kinh và là một nhà quan sát lâu năm về nền kinh tế Trung Quốc, cho biết chiến lược mới thực chất chỉ là một kế hoạch cũ nhằm tái cân bằng nền kinh tế theo hướng tiêu dùng.

Ông Pettis nhận định, chiến lược lưu thông kép đòi hỏi Trung Quốc phải phân phối của cải từ nhà nước sang cho các hộ gia đình và quá trình chuyển đổi này không dễ thực hiện.

Anh Xu Fa, quản lí một cửa hàng vàng bạc đá quí ở thành phố Quảng Châu, cho biết chi tiêu của người tiêu dùng tại các cửa hàng của chuỗi này trên toàn quốc đã giảm đáng kể trong năm nay.

"Nhu cầu vàng bạc trong quí II đã phục hồi từ mức thấp của quí I, đặc biệt là với các sản phẩm vàng do giá vàng tăng cao. Tuy nhiên, doanh số của các sản phẩm khác như kim cương lại khá ảm đạm", anh Xu cho hay.

Xu nói công ty của anh đã chọn hạ giá sản phẩm mạnh tay để giảm lượng hàng tồn kho và tạo ra đủ dòng tiền để công ty vận hành.

"Các mặt hàng có giá 9.000 nhân dân tệ vào năm ngoái nay được bán với giá khoảng 5.000 nhân dân tệ. Không chỉ chúng tôi, tất cả các cửa hàng bán lẻ trong các trung tâm thương mại trên toàn quốc đều làm thế", SCMP dẫn lời anh Xu chia sẻ.

Trong khi anh Xu cảm thấy khó khăn khi bán hàng xa xỉ vì người tiêu dùng thành thị đang thắt lưng buộc bụng thì anh Luo Zhaoliu - chuyên sản xuất chao ở một ngôi làng nông thôn ở tỉnh Giang Tây, cũng lo lắng về việc kinh doanh.

Trong 8 tháng đầu năm ngoái, Luo cho biết anh bán được 160.000 hũ chao (thực phẩm làm từ đậu nành), giá 12 nhân dân tệ/hũ. Tuy nhiên trong cùng kì năm nay, cơ sở của Luo chỉ bán được 100.000 hũ.

"Có ít nhất 4.000 nhà máy sản xuất chao và tương ớt trên khắp Trung Quốc trong năm nay. Sự cạnh tranh là rất khốc liệt", anh Luo nói.

Doanh số bán hàng tại các tỉnh nội địa của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng trong năm nay. Theo SCMP, đây là dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng nghèo khó tại thị trường tỉ dân đang giảm mạnh chi tiêu.

Do đó, anh Luo phải cố gắng bán chao thành các khẩu phần nhỏ hơn với giá 1 nhân dân tệ/phần thay vì 12 nhân dân tệ/hũ lớn như trước.

Không đủ sức kéo cỗ máy sản xuất khổng lồ

Số liệu chính thức cho thấy trong 7 tháng đầu năm nay, doanh số bán lẻ hàng hóa của Trung Quốc - thường dùng làm thước đo cho tổng chi tiêu hàng hóa và dịch vụ của người tiêu dùng, đã giảm khoảng 10% so với cùng kì năm ngoái.

Tuy nhiên, mức sụt giảm thật trong chi tiêu của người tiêu dùng có thể còn mạnh hơn vì số liệu bán lẻ thường bao gồm luôn chi tiêu của chính phủ tại các cửa hàng và nhà hàng.

Dân Trung Quốc dè sẻn, thị trường nội địa lấy đâu sức theo 'lưu thông kép' - Ảnh 2.

Bên dưới sức mua yếu của Trung Quốc là hệ thống phân phối tài sản nghiêng về nhà nước và những người giàu có thay vì các hộ gia đình trung lưu, dẫn đến khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng.

Tháng trước, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết 600 triệu trong tổng 1,4 tỉ dân của Trung Quốc đang sống với mức thu nhập hàng tháng chỉ 1.000 nhân dân tệ.

Năm ngoái, ông Cao Dewang - Chủ tịch Fuyao (một trong các hãng sản xuất thủy tinh lớn nhất thế giới), cũng đưa ra quan điểm tương tự. Ông Cao nổi tiếng trên thế giới sau khi xuất hiện trong bộ phim tài liệu American Factory và nói rằng 900 triệu đến 1 tỉ dân Trung Quốc "không có sức mạnh tiêu dùng".

Nếu nhu cầu nội địa không đủ mạnh, Trung Quốc sẽ phải dựa vào nhu cầu từ nước ngoài để duy trì hoạt động của các nhà máy trong nước.

Gần đây, tờ Securities Times dẫn lời ông Teng Tai - người đứng đầu một viện chính sách tư nhân ở Bắc Kinh cho hay Trung Quốc không thể chỉ dựa vào thị trường nội địa để duy trì cỗ máy sản xuất khổng lồ.

"Trung Quốc sản xuất 10 tỉ chiếc mũ, 10 tỉ đôi giày, 30 tỉ quần áo và 200 triệu máy tính bảng và máy tính xách tay mỗi năm. Trung Quốc không thể nào tiêu thụ hết ở thị trường nội địa", ông Teng cho hay.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/trung-quoc-lam-sao-thuc-hien-luu-thong-kep-khi-nguoi-dan-chi-tieu-de-sen-20200907232300133.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/