Trộm cướp, lừa đảo lộng hành giữa cơn sốt giá hàng hóa toàn cầu

Đại dịch COVID-19, giá cả hàng hóa tăng vọt và thiệt hại kinh tế là ba điều kiện tạo nên mảnh đất màu mỡ cho các loại tội phạm hoành hành.

Mảnh đất màu mỡ cho tội phạm

Trong vài tháng qua, sở cảnh sát thành phố Saskatchewan (Canada) phải tiếp nhận rất nhiều vụ trộm gỗ từ các công trường xây dựng, tỷ lệ phạm tội tăng chóng mặt.

Trung sĩ Ternes cho hay: "Vật liệu xây dựng bày hết ra ngoài, như kiểu mời gọi bọn trộm. Một số công trường thậm chí bị tấn công hai, ba, đến bốn lần".

Trộm cướp, lừa đảo lộng hành giữa cơn sốt giá hàng hóa toàn cầu - Ảnh 1.

Công nhân kiểm tra các tấm kim loại đồng vừa ra lò tại một khu mỏ ở Chile. (Ảnh: Getty Images).

Hành vi trộm cắp như thế vốn không mới. Tuy nhiên, việc thị trường hàng hóa tăng nóng, đại dịch COVID-19 bùng phát và ảnh hưởng kinh tế của dịch bệnh đã tạo ra mảnh đất màu mỡ cho bọn tội phạm, theo Bloomberg.

Giá gỗ xẻ tại Mỹ đã chạm mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 5 và đang giao dịch gấp hai lần so với mức giá của một năm trước. Giá đồng tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái và cũng lập đỉnh hồi tháng trước. Cũng trong tháng 5, chỉ số giá lương thực toàn cầu vừa tăng tháng thứ 12 liên tiếp lên mức cao nhất trong gần một thập kỷ.

Ông Jim Yarbrough, thành viên cấp cao của Viện Tiêu chuẩn Anh, cho biết: "Giá hàng hóa trên thị trường chợ đen cũng tăng nóng như trên các sàn giao dịch chính thống. Điều đó sẽ mời gọi bọn tội phạm..."

Ngoài ra, đại dịch COVID-19 cũng tạo cơ hội cho các băng đảng tội phạm. Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và sự thiếu hụt nguồn cung của một số hàng hóa đôi khi buộc doanh nghiệp phải hợp tác với các nhà cung ứng không đảm bảo, bà Kimberly Carey Coffin của công ty giám sát chất lượng Lloyd's Register cho hay.

Trộm cướp, lừa đảo lộng hành giữa cơn sốt giá hàng hóa toàn cầu - Ảnh 2.

Theo Bloomberg, các chuyên gia khó có thể đưa ra số liệu thống kê cụ thể vì các nhà chức trách trên khắp thế giới sử dụng các bộ dữ liệu khác nhau và phần lớn được thu thập từ trước đại dịch COVID-19.

Song, thông qua phỏng vấn cùng các chuyên gia, cơ quan thực thi pháp luật và nạn nhân, Bloomberg đã khái quát được phần nào sự gia tăng đột biến của các hành vi tội phạm khi giá hàng hóa nhảy vọt khiến công chúng đồn thổi về một siêu chu kỳ hàng hóa mới.

Nạn trộm cắp, làm giả hàng hóa nổi cộm 

Tại Chile, giá đồng được người dân, từ banker đến tài xế taxi, rất quan tâm theo dõi vì tầm quan trọng của nó với nền kinh tế. Các băng đảng tội phạm cũng không ngoại lệ, chúng thường nhắm tới các toa tàu chở đồng mới ra lò.

Khi bọn trộm tấn công, cảnh sát sẽ trang bị kĩ càng và ráo riết đuổi bắt bằng xe tuần tra, theo chia sẻ của một sĩ quan cảnh sát ở vùng Antofagasta - khu vực tập trung một số mỏ đồng lớn nhất thế giới.

Truyền thông tại Đức, Anh và Mỹ đưa tin rằng tội phạm đang cố gắng đánh cắp bộ lọc khí trong xe ô tô để lấy các kim loại quý như palladium, bạch kim và rhodium.

Tại Nigeria, tương tự như nhiều quốc gia đang phát triển đang phải mua lương thực với giá cao, một số nông dân than thở rằng bọn trộm đang để mắt tới mùa màng của họ. 

Anh Johnson Akinwunmi, một nông dân trồng cacao và sắn ở bang Ondo, cho biết: "Bọn chúng từng trộm số lượng nhỏ, nhưng kể từ tháng 12 năm ngoái thì chúng ngày càng lộng hành, tỷ lệ phạm tội đang ở mức cao nhất từ trước đến nay".

Trộm cướp, lừa đảo lộng hành giữa cơn sốt giá hàng hóa toàn cầu - Ảnh 3.

Một container chở toàn đá lát lởm chởm, phun sơn đỏ để giả mạo kim loại đồng. Công ty thương mại hàng hóa Thụy Sĩ Mercuria Energy Group là nạn nhân của vụ việc. (Ảnh: KYB Law Firm).

Hơn nữa, trên thế giới còn đang có vấn nạn làm giả thực phẩm. Thực phẩm sẽ bị pha tạp chất hoặc thay thế bằng hàng kém chất lượng hơn hoặc giả mạo nguồn gốc. Tại Malaysia, một số tội phạm đang đóng gói lại dầu ăn đã qua sử dụng để giả mạo thành dầu cọ, một mặt hàng chủ lực ngày càng đắt đỏ ở đất nước Đông Nam Á.

Tại Ấn Độ, ít nhất 500 người đã bị ngộ độc vào tháng 4 năm nay sau khi ăn phải bột kiều mạch bị làm giả. Cảnh sát địa phương cho biết ngày càng có nhiều đối tượng thay thế các gia vị như nghệ và bột ớt bằng các chất rẻ hơn và thường là rất độc hại cho cơ thể người như bột gạo và thuốc nhuộm anilin.

Ông Amarendra Panda, trợ lý cảnh sát trưởng ở thành phố Cuttack (bang Odisha, miền đông Ấn Độ), cho biết gần đây cảnh sát đã đột kích khoảng 20 cơ sở và tịch thu số hàng giả trị giá hàng triệu rupee (tương đương hàng chục nghìn USD).

"Động cơ của chúng là kiếm được lợi nhuận khổng lồ mà không phải bỏ ra quá nhiều tiền", ông Panda nhấn mạnh.

Thậm chí các công ty dày dạn kinh nghiệm cũng có thể bị lừa. Mùa hè năm ngoái, công ty thương mại Thụy Sĩ Mercuria Energy Group đã bỏ ra 36 triệu USD để mua hàng nghìn tấn đồng từ một nhà cung ứng Thổ Nhĩ Kỳ. Song cuối cùng, tất cả những gì họ nhận được là đá lát lởm chởm, phun sơn đỏ để giả mạo màu của đồng.

Doanh nghiệp, nông dân yếu ớt chống trả

Theo Bloomberg, nhiều chủ doanh nghiệp và nông dân đang tự tăng cường bảo an cho hàng hóa của họ.

Ông Olusegun Olaniyi, một nông dân ở bang Osun (tây nam Nigeria) đang thuê người bảo vệ sắn, ngô, và các loại cây trồng khác của gia đình. Olaniyi nói, bọn trộm thường đến vào buổi đêm hoặc tầm chiều khi công nhân nghỉ ngơi.

Kể từ tháng 2 năm nay, công ty xây dựng Akash Homes ở thành phố Edmonton (Canada) liên tục bị trộm gỗ, tổng thiệt hại lên tới 100.000 CAD (tương đương gần 83.000 USD).

Phó Chủ tịch Hersh Gupta cho biết, Akash Homes đã lắp đặt camera an ninh tại nhiều công trình và liên kết cùng các nhà thầu ở các lô đất gần đó để thuê bảo an tuần tra qua đêm và vào cuối tuần.

Giải quyết vấn nạn làm giả thực phẩm lại nan giải hơn. Ước tính, ngành công nghiệp thực phẩm có thể bị thiệt hại tới 40 tỷ USD mỗi năm vì phải thu hồi sản phẩm, xử lý vấn đề pháp lý,... Do tính chất phức tạp của chuỗi cung ứng thực phẩm, sản phẩm thường được trao đổi nhiều lần, từ nước này qua nước khác, trước khi lên được kệ siêu thị.

Theo công ty dữ liệu Food Forensics (Anh), so với cùng kỳ năm trước, số vụ án làm giả thực phẩm đã tăng 38% trong quý IV năm ngoái.

"Chúng tôi đang bận rộn hơn bao giờ hết, có rất nhiều vụ lừa đảo liên quan đến các sản phẩm cá, cà chua, gạo và các mặt hàng dễ bị làm giả", ông Rick Sanderson, Giám đốc Phát triển Kinh doanh của Food Forensics chia sẻ thêm.

Đại dịch COVID-19 càng khiến những nỗ lực trấn áp tội phạm trở nên khó khăn hơn. Lực lượng cảnh sát được điều hướng cho các nhiệm vụ khác, thanh tra chính phủ hoặc thanh tra thực phẩm không thể đến thăm nhà máy ở các nước như Ấn Độ và việc lấy mẫu xét nghiệm rất vất vả.

Ngoài ra, các chợ trực tuyến và nền tảng giao hàng cũng tạo cơ hội để tội phạm hoặc gian thương bán hàng hóa bất hợp pháp, bà Kimberly Carey Coffin tại Lloyd's Register nói thêm.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/trom-cuop-lua-dao-long-hanh-giua-con-sot-gia-hang-hoa-toan-cau-20210618184523378.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/