Thương chiến Mỹ - Trung: Cuộc đua thỏ và rùa thời hiện đại?

Trong truyện ngụ ngôn của Aesop, con rùa giành chiến thắng bởi con thỏ nằm ngủ dưới gốc cây sau khi chạy vọt lên phía trước. Sự bền bỉ, kiên trì đã giành chiến thắng trước sự kiêu căng, tự phụ. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ngày nay có những điểm tương đồng nào với câu chuyện này?

Thương chiến Mỹ - Trung: Cuộc đua thỏ và rùa thời hiện đại? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: bloomberg/Getty Image.

Bloomberg đưa tin, tháng 3/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra tuyên bố nổi tiếng trên Twitter: "Các cuộc chiến tranh thương mại rất có lợi và dễ dàng để giành chiến thắng".

Từ đó đến nay, chính sách của nước Mỹ đối với Trung Quốc đã liên tục thay đổi trong khi Tổng thống Trump chuyển lập trường từ khiêu khích sang hòa hoãn.

Vào tháng 7, ông Trump nặng lời chỉ trích Trung Quốc khi các nhà đàm phán chuẩn bị nối lại thương lượng tại Thượng Hải. 

Khi cuộc đàm phán chưa mang lại kết quả mong đợi, ông Trump bất chấp lời can ngăn của các cố vấn cấp cao và tuyên bố kế hoạch áp thuế lên 300 tỉ USD hàng Trung Quốc.

Phía Trung Quốc lại tỏ ra thận trọng hơn rất nhiều. Ngay cả một vị lãnh đạo quốc gia đầy quyền lực như ông Tập Cận Bình cũng phải thấy "choáng" vì tốc độ ra quyết định của Washington.

4 ngày sau khi ông Trump đe dọa áp thuế, Trung Quốc mới thả cho tỷ giá NDT vượt quá ngưỡng tâm lí quan trọng 7 đổi 1 USD. 

Chỉ vài giờ sau diễn biến tỷ giá này, ông Trump chỉ trích Trung Quốc thao túng tiền tệ (tất nhiên là vẫn bằng tài khoản Twitter) và vài giờ sau đó nữa, Bộ Tài chính Mỹ đã chính thức liệt Trung Quốc vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ.

Theo Bloomberg, sự thận trọng có nhiều lợi ích, các quyết định có chủ đích hơn và giảm thiểu khả năng mắc vào chiếc bẫy do chính mình đặt ra.

Ví dụ điển hình nhất là việc ông Trump lại đăng tweet hối thúc Cục dự trữ liên bang (Fed) cắt giảm lãi suất, phá giá USD để ứng phó với đồng nhân dân tệ mất giá. Hệ quả là đồng USD tiếp tục tăng giá vì nhà đầu tư chạy khỏi các công cụ đầu tư rủi ro để tìm kiếm sự an toàn của USD.

Tuy vậy, thận trọng quá mức cũng gây ra nhiều vấn đề.

Nhìn cách Trung Quốc giải quyết các thách thức kinh tế trong nước, nhiều người nghi ngờ không biết khi nào con rùa này mới đuổi kịp con thỏ. Ví dụ điển hình nhất là việc chính phủ xử lí khủng hoảng tại các ngân hàng địa phương.

Tháng 5 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) giành quyền kiểm soát Ngân hàng Baoshang tại Nội Mông vì rủi ro tín dụng "nghiêm trọng" – đánh dấu thương vụ thâu tóm ngân hàng đầu tiên trong 20 năm.

Để tránh tư tưởng rủi ro đạo đức (moral hazard), PBoC tuyên bố chỉ các nghĩa vụ nợ liên ngân hàng trị giá 50 triệu nhân dân tệ (7 triệu USD) sẽ được bảo vệ hoàn toàn.

Tuyên bố này sau đó đã khiến cho thị trường liên ngân hàng và tín dụng ngầm một phen náo loạn. Về sau PBoC phải bảo đảm gần như toàn bộ các khoản vay ngắn hạn của Baoshang.

Cách tiếp cận ban đầu của Bắc Kinh là khá có lí vì các ngân hàng phải xem xét rủi ro tín dụng của nhau khi cho vay chứ không thể "nhắm mắt đưa tiền". Tuy vậy, áp lực về sau quá lớn và chính phủ phải thay đổi quan điểm.

Hai tháng sau, các cơ quan quản lí dùng cách tiếp cận khác để xử lí một ngân hàng yếu kém nữa là Bank of Jinzhou. Tổ chức tín dụng địa phương này đã dùng các khoản vay liên ngân hàng ngắn hạn để tài trợ cho các sản phẩm tín dụng ngầm (shadow credit).

Thay vì trực tiếp mua lại toàn bộ ngân hàng này, chính phủ Trung Quốc lại kêu gọi "đội tuyển quốc gia" tới ứng cứu. "Đội tuyển" này bao gồm các doanh nghiệp lớn thuộc sở hữu nhà nước như Ngân hàng Công thương (ICBC) hay công ty quản lí nợ xấu China Cinda.

Chi phí cho vụ giải cứu không hề rẻ và các nhà đầu tư cũng không lấy gì làm vui mừng khi ngân hàng lớn nhất thế giới ICBC bị ép buộc vào phi vụ này. Giá cổ phiếu 4 ngân hàng quốc doanh lớn nhất Trung Quốc (big4) cùng giảm xuống đáy lịch sử sau vụ giải cứu.

Lần thứ ba có thể cũng không mấy sáng sủa hơn. Tuần trước, hãng tin 21st Century Business Herald cho biết Central Huijin Investment sẽ mua lại Hengfeng Bank – một ngân hàng ở khu vực Đông Bắc tỉnh Quảng Đông.

Central Huijin Investment là một thành viên của quĩ tài sản quốc gia Trung Quốc và là cổ đông lớn của 4 ngân hàng quốc doanh tại nước này. 

Biện pháp mua lại Hengfeng Bank sẽ đưa rủi ro về bảng cân đối kế toán của chính quyền trung ương Trung Quốc, thể hiện một sự cam kết rất lớn khi Trung Quốc có tới hơn 4.000 ngân hàng địa phương.

Theo ước tính của UBS Group, ngành ngân hàng Trung Quốc có tiềm năng thiếu vốn khoảng 2.400 tỉ nhân dân tệ (340 tỉ USD).

Trong cả ba trường hợp nói trên, các quan chức Trung Quốc hành xử như những chú rùa nhút nhát, khẽ thò đầu ra xem xét tình thế bên ngoài rồi vội vã rụt vào mai khi có dấu hiệu nguy hiểm đầu tiên. Vài tháng sau, chú rùa lại thò cổ ra ngoài khám phá một lần nữa với một gương mặt hoàn toàn mới.

Ý nghĩa của câu chuyện này là gì? Chú thỏ Mỹ đang nhảy nhót tứ tung, tỏ ra là mình không biết vạch đích ở đâu và không biết khi nào thì chiến thắng. 

Chú rùa Trung Quốc thì đang bò lê chậm chạp tới mức có thể nó sẽ không bao giờ cán đích.

Ít nhất thì câu chuyện ngụ ngôn của Aesop có một người chiến thắng. Còn cuộc chiến thương mại hiện nay thì nhiều khả năng là sẽ kéo dài vô tận mà vẫn bất phân thắng bại.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/thuong-chien-my-trung-cuoc-dua-tho-va-rua-thoi-hien-dai-20190812151646341.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/