Thời tiết châu Á sẽ quyết định châu Âu có đủ năng lượng trong mùa đông hay không

Việc châu Âu có đủ năng lượng cho mùa đông lạnh giá sắp tới hay không phụ thuộc lớn vào thời tiết tại châu Á, khi ba nhà nhập khẩu năng lượng lớn ở phương Đông có thể tăng cường thu mua khí đốt và than nếu như nhiệt độ giảm sâu.

Theo Bloomberg, châu Âu đang cố gắng thoát khỏi sự lệ thuộc vào năng lượng của Nga đồng thời chạy đua để kiếm đủ khí đốt và than. Nỗ lực của châu lục già nhằm giữ ấm cho mùa đông phụ thuộc lớn vào ba quốc gia ở phía bên kia thế giới: Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Các quốc gia châu Á này thuộc nhóm những nhà nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG) và than lớn nhất thế giới. Cả ba cũng đều có nhu cầu sưởi ấm cao đúng vào mùa đông tại châu Âu.

Vẫn còn quá sớm để các nhà khí tượng đưa ra dự đoán về thời tiết mùa đông. Tuy nhiên, bất cứ dự báo cho thấy nhiệt độ sẽ giảm mạnh tại một trong ba quốc gia trên có thể tạo ra một cuộc tranh giành về năng lượng.

Châu Á đến nay đã giảm nhập khẩu LNG trong năm 2022, tuy nhiên mùa đông lạnh có thể đảo ngược xu hướng này.

Cạnh tranh về nhiên liệu trên thị trường quốc tế đã tăng lên kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự, khiến cho dòng chảy thương mại bị đảo lộn, đẩy giá than và LNG lên mức kỷ lục. Tại châu Âu, tình hình nguồn cung sẽ còn khó khăn hơn.

Kể từ tuần sau, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ bắt đầu thực hiện lệnh cấm hoàn toàn với hoạt động nhập khẩu than từ Nga, trong khi Gazprom đã cắt giảm dòng khí đốt tới châu Âu. Trước khi xung đột nổ ra, Nga là nhà cung ứng khí đốt lớn nhất của châu Âu, chiếm khoảng 40% nhu cầu.

Tùy thuộc thời tiết

Ông Abhishek Rohatgi, một nhà phân tích tại BloombergNEF cho biết: “Thời tiết là một yếu tố thất thường, đặc biệt với Nhật Bản và Hàn Quốc”. 

"Một mùa đông lạnh hơn bình thường có thể đẩy giá năng lượng tăng vọt nếu nguồn cung của Nga tới châu Âu vẫn ở mức thấp, và sẽ rất khó khăn để tìm kiếm những đơn hàng giao ngay”, ông nói.

Các quốc gia châu Âu đang chạy đua để chuẩn bị cho mùa đông bằng cách giảm tiêu thụ khí đốt và tăng cường nhập khẩu LNG nhằm lấp đầy các khó chứa, cũng như khởi động lại những nhà máy nhiệt điện than cũ kĩ.

Châu lục già vẫn đang được châu Á giúp đỡ: Trung Quốc đã giảm nhập khẩu than và LNG sau khi tăng cường sản lượng nội địa. Nền kinh tế của đất nước tỷ dân cũng đang chậm lại do các đợt phong tỏa COVID.

Sản lượng điện tái tạo của Trung Quốc tăng vọt trong nửa đầu năm 2022.

Cả ba quốc gia châu Á đều đã sản xuất được nhiều điện hơn từ những nguồn năng lượng tái tạo. Nhật Bản và Hàn Quốc đã lập kỷ lục về điện mặt trời vào tháng 5, trong khi Trung Quốc đốt ít than hơn trong nửa đầu 2022, nhờ vào nguồn thủy điện tăng mạnh.

Tuy nhiên, việc châu Âu tăng cường thu mua đã đẩy giá than và LNG giao ngay lên mức kỷ lục. Các quốc gia đang phát triển như Bangladesh hay Pakistan đang phải chịu cảnh mất điện hàng ngày bởi không thể chi trả cho những lô hàng khí đốt đắt đỏ.

Khi mùa đông tới, cuộc cạnh tranh năng lượng có thể sẽ khắc nghiệt hơn. Một khi Nhật Bản và Hàn Quốc bắt đầu dự trữ khí đốt, lượng mua trên thị trường LNG giao ngay từ hai nước này có thể tăng lên, theo BloombergNEF.

Hiện tại, kho dự trữ than của Nhật Bản đang ở mức rất thấp, và cả hai sẽ cần phải tăng cường thu mua nhiên liệu vào cuối năm.

Nhà phân tích Ali Asghar của BloombergNEF cho biết: “Nhu cầu cao về than, đặc biệt là những loại than tốt mà Nhật Bản, Hàn Quốc sử dụng đang cao nhưng hầu hết đã có ký hợp đồng”.

“Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ tranh giành với châu Âu để có những lô hàng giao ngay”, ông nói thêm.

Trung Quốc đang ở vị trí thoải mái hơn. Sản lượng than kỷ lục kết hợp với nhu cầu năng lượng hạn chế khiến cho kho dự trữ đang ở mức cao nhất trong lịch sử tại thời điểm giữa năm.

Và dù Nga giảm dòng khí đốt tới châu Âu, nhưng cũng đồng thời tăng nguồn cung qua đường ống mới khánh thành tới phía đông Trung Quốc, giúp cho nguồn dự trữ của Bắc Kinh luôn dồi dào, kể cả khi nhập khẩu LNG giảm.

“Nếu mùa đông năm nay lạnh, Nhật Bản và Hàn Quốc nhiều khả năng sẽ cần tìm đến những lô hàng giao ngay, và phải tranh giành với người mua tại châu Âu”, ông Xizhou Zhou, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành, Điện năng và Năng lượng tái tạo toàn cầu tại S&P Global Commodity Insights cho biết. “Trong khi đó, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tìm đến nguồn than nội địa”.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/thoi-tiet-chau-a-se-quyet-dinh-chau-au-co-du-nang-luong-trong-mua-dong-hay-khong-202285114234618.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/