Thị trường thép chững lại, giá nguyên liệu biến động … Hòa Phát còn đối mặt với những rủi ro nào?

Hòa Phát là doanh nghiệp đầu ngành sản xuất thép cả về thị phần, doanh thu và lợi nhuận. Dù vậy, tập đoàn này cũng đang phải đối mặt với không ít rủi ro từ việc thị trường thép nói chung chậm lại, giá nguyên liệu đầu vào biến động bất thường, và các khó khăn từ đại dự án tại Dung Quất.

HPG self (3)

Một cửa hàng bán thép xây dựng Hòa Phát tại Hà Nội. Ảnh: Song Ngọc.

Tăng trưởng thị trường thép 'hạ nhiệt'

Trong 6 tháng đầu năm 2019, sản lượng tiêu thụ nội địa thép xây dựng đạt 4,61 triệu tấn, tăng trưởng 7% so với cùng kì năm ngoái. 

Về thị trường thép ống, trong 6 tháng đầu năm 2019, thị trường Việt Nam đã tiêu thụ khoảng 1,06 triệu tấn, chỉ tăng trưởng 1,4% so với cùng kì năm 2018.

Theo nhận định của CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), tốc độ tăng trưởng chậm lại ở cả hai mảng thép xây dựng và thép ống phần nhiều đến từ sự chậm lại của thị trường bất động sản.

tang truong thep

Tốc độ tăng trưởng thị trường thép xây dựng và thép ống có xu hướng chững lại. Nguồn: CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

Sự chững lại của thị trường thép còn thể hiện qua con số tồn kho. Theo thống kê của FiinPro, tính đến cuối tháng 7 này lượng thép tồn kho là 1,28 triệu tấn, tăng 17,4% so với cùng kì năm ngoái. 

Riêng với CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG), giá trị hàng tồn kho cuối tháng 6/2019 là khoảng 15.400 tỉ đồng, tăng khoảng 9% so với ngày đầu năm và tăng 19,4% so với cùng kì 2018.

ton kho thep

Tồn kho ngành thép 7 tháng đầu năm 2019 tăng đáng kể so với năm ngoái. Nguồn: FiinPro.

Giá nguyên liệu đầu vào biến động mạnh

Theo KBSV, trong thời gian gần đây, giá các nguyên liệu đầu vào sản xuất thép biến động rất mạnh, đặc biệt là giá quặng sắt. Có lúc, giá quặng 62%Fe đã tăng lên đến 120 USD/tấn, tăng 66% so với thời điểm đầu năm. Các nguyên nhân bao gồm: 

Thứ nhất, ảnh hưởng từ vụ vỡ đập ở Brazil của nhà sản xuất quặng lớn nhất thế giới Vale.

Thứ hai, trận lốc xoáy ở Veronica, Australia làm ảnh hưởng đến các nhà sản xuất quặng của quốc gia này; và 

Thứ ba, nhu cầu quặng sắt tăng đến từ các nhà máy sản xuất thép Trung Quốc.

Đến tháng 8/2019, giá quặng sắt đã giảm về mức 90 USD/tấn sau khi hoạt động khai thác quặng ở Brazil và Australia đã khôi phục được một phần. Tuy nhiên, dự báo giá quặng sắt vẫn sẽ ở mức cao 90-95 USD/tấn trong thời gian tới do hoạt động khai thác quặng ở Brazil chưa thể khôi phục hoàn toàn trong ngắn hạn.

Theo KBSV, Hòa Phát đã tự chủ được một phần nguồn quặng sắt đầu vào trong nước thông qua công ty con là CTCP khoáng sản An Thông. Tuy nhiên, nguồn cung này mới chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu hiện tại. Với phần còn lại, Hòa Phát cũng phải nhập khẩu hàng tháng từ các nhà cung cấp lớn trên thế giới ở Brazil, Australia, Nam Phi…

Tại đại hội cổ đông thường niên 2019, chủ tịch Trần Đình Long cũng chia sẻ giá nguyên vật liệu tăng cao gây ra cho Hòa Phát nhiều khó khăn

"Sau vụ vỡ đập Vale ở Brazil, giá quặng sắt tăng từ khoảng 63-65 USD lên 85-90 USD/tấn. Để sản xuất 1 tấn thép, Hòa Phát cần 1,6 tấn quặng, đây là lí do chủ yếu khiến cho lợi nhuận sụt giảm", vị chủ tịch nói ngày 29/3 năm nay.

Hòa Phát mua quặng một phần theo hình thức hợp đồng tương lai ở các thời điểm trước đó, một phần theo hình thức mua bán giao ngay, vì thế các ảnh hưởng lớn nhất từ việc giá quặng tăng giai đoạn vừa qua đến kết quả kinh doanh nhiều khả năng sẽ đến vào các quí tiếp theo trong năm 2019.

Một nguyên liệu khác cũng ảnh hưởng rất nhiều đến chi phí sản xuất thép là than mỡ luyện cốc. Trong các diễn biến gần đây thì giá than mỡ luyện cốc lại đang có chiều hướng giảm. Loại nguyên liệu này Hòa Phát cũng phải nhập khẩu từ các nhà cung cấp lớn ở nước ngoài, KBSV cho hay.

gia than quang thep

Diễn biến giá quặng sắt và giá than mỡ luyện cốc. Nguồn: KBSV.

Nhóm phân tích của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng giá quặng cao có thể ảnh hưởng tới các nhà máy thép đặt tại Việt Nam, đặc biệt là các nhà máy chưa thực hiện hoạt động phòng ngừa rủi ro (hedging).

Với mức quặng sắt 66 USD/tấn, một lò cao thông thường sản xuất 1 tấn thép với chi phí 349 USD, trong đó quặng sắt chiếm khoảng 30% (không bao gồm chi phí vận chuyển). Theo đó, VDSC ước tính giá quặng tăng 25% sẽ dẫn đến chi phí sản xuất tăng 7,4%.

chi phi thep

Chi phí sản xuất thép của lò cao và lò hồ quang điện. Nguồn: Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)

Có thể thấy mặc dù giá nguyên liệu đầu vào chính tăng mạnh, các lò cao (BOF – loại Hòa Phát đang sử dụng) vẫn có lợi thế về chi phí so với các lò hồ quang điện (EAF).

Thách thức từ đại dự án Dung Quất

Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất là một siêu dự án với tổng vốn đầu tư lên tới gần 3 tỉ USD. Khối lượng công việc dự án rất lớn. 

Chủ tịch Trần Đình Long từng cho biết tại Dung Quất, ngoài xây nhà máy thép Hòa Phát phải làm rất nhiều việc như xây cảng biển, nạo vét lòng biển, xây nhà máy điện, làm đường giao thông trong dự án, …

Theo kế hoạch ban đầu, dự án cần hoàn thành giai đoạn 1 vào tháng 2/2019 và giai đoạn 2 vào tháng 10/2019. Tuy nhiên đến nay dự án đã bị chậm tiến độ. 

Chủ tịch Trần Đình Long từng lên tiếng trấn an nhà đầu tư rằng Dung Quất là một dự án rất lớn, và việc nhanh hay chậm tiến độ một vài tháng là bình thường, không quá đáng ngại.

Ngoài ra dự án cũng bị đội vốn do Hòa Phát muốn đầu tư nhiều hơn cho hệ thống môi trường, hệ thống cảng biển của dự án.

Dự án Dung Quất có tổng vốn đầu tư ước tính ban đầu 52.000 tỉ đồng, trong đó đầu tư tài sản cố định là 40.000 tỉ đồng , vốn lưu động 12.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, chia sẻ tại Đại hội cổ đông thường niên ngày 29/3 năm nay, Chủ tịch Trần Đình Long cho biết trong quá trình đầu tư, chi cho tài cố định được điều chỉnh lên thành 50.000 tỉ đồng, chi cho vốn lưu động 15.000 tỉ đồng, tức tổng cộng tăng thêm khoảng 13.000 tỉ đồng.

Theo KBSV, việc dự án Dung Quất Hòa Phát chậm tiến độ sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp rất nhiều do Hòa Phát vẫn phải trả nợ gốc và lãi vay trong khi dòng tiền thu về từ hoạt động kinh doanh bị chậm trễ. 

Ngoài ra, khi thời gian chậm trễ kéo dài thì chi phí lãi vay sẽ được hạch toán vốn hóa vào khoản mục tài sản cố định và làm tăng chi phí khấu hao khi tài sản cố định được hoàn thiện.

Giá trị vay ngắn hạn và vay dài hạn tại ngày cuối tháng 6 của Hòa Phát lần lượt là 14.012 tỉ đồng và 20.526 tỉ đồng. Tổng giá trị vay là 34.538 tỉ đồng, chiếm gần 71% nợ phải trả và 37% tổng nguồn vốn.

Tổng giá trị các khoản vay dài hạn tại ngày 30/6 là 20.526 tỉ đồng, trong đó các ngân hàng cho vay 19.905 tỉ đồng, cá nhân cho vay 600 tỉ đồng và quĩ bảo vệ môi trường cho vay 21,5 tỉ đồng.

Các khoản vay dài hạn bằng VND chịu lãi suất từ 2,6% đến 11% một năm. Khoản vay dài hạn bằng USD chịu lãi suất Libor + biên độ 2,05% mỗi năm.

Các tài sản được Hòa Phát sử dụng làm tài sản bảo đảm tại ngày 30/6 là tiền và tương đương tiền (3 tỉ đồng), chi phí trả trước dài hạn (30 tỉ đồng), tài sản cố định hữu hình (3.232 tỉ đồng), hàng tồn kho (3.515 tỉ đồng), công trình xây dựng cơ bản dở dang (40.237 tỉ đồng).

Theo tính toán của công ty, mỗi thay đổi 100 điểm cơ bản (1 điểm %) của lãi suất sẽ làm tăng hoặc giảm 22,4 tỉ đồng lợi nhuận kế toán trước thuế hợp nhất, giả sử các biến số khác như tỷ giá hối đoái không thay đổi.

Một rủi ro khác là mặc dù đội ngũ ban lãnh đạo của Hòa Phát đã có kinh nghiệm lâu năm trong việc vận hành Khu liên hiệp Gang thép Hải Dương, tuy nhiên, dự án Dung Quất Hòa Phát với công suất 4 triệu tấn thép/năm - gấp đôi Hải Dương - sẽ có sự khác biệt lớn.

Cùng với đó, theo ước tính của KBSV, khu Liên Hiệp gang thép Dung Quất Hòa Phát sẽ phải tuyển mới gần 10.000 công nhân viên. Để toàn bộ 10.000 công nhân viên này thành thạo trong công việc và phối hợp nhịp nhàng với nhau cũng là một thách thức không nhỏ đối với đội ngũ lãnh đạo của Hòa Phát.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/thi-truong-thep-chung-lai-gia-nguyen-lieu-bien-dong-hoa-phat-con-doi-mat-voi-nhung-rui-ro-nao-20190917085205908.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/