Thay đổi để khôi phục thị phần tại thị trường Trung Quốc

Có thể nói, bên cạnh dịch bệnh, xuất khẩu khó khăn cũng là tác nhân đặc biệt quan trọng khiến tăng trưởng của khu vực nông nghiệp nước ta tụt dốc trong nửa đầu năm nay. Trong đó, khó khăn trong việc xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc là yếu tố nổi bật.

Thay đổi để khôi phục thị phần tại thị trường Trung Quốc - Ảnh 1.

Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành thị trường nhập khẩu hàng nông sản lớn nhất của Việt Nam. Ảnh: Thành Hoa

Đương nhiên, những khó khăn này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân cộng hưởng lẫn nhau, song nguyên nhân chủ quan giữ vai trò rất quan trọng.

Điểm đen trong bức tranh màu tối

Xét trên tổng thể, với chỉ gần 18,2 tỉ đô la Mỹ, tổng kim ngạch xuất khẩu 13 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam trong nửa đầu năm nay đã giảm hơn 100 triệu đô la, hay 0,7% so với cùng kỳ. 

Trong đó, như các số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, thị trường Trung Quốc chính là tác nhân đặc biệt quan trọng. Sở dĩ như vậy là bởi hai lẽ chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, so với con số 3,69 tỉ đô la, chiếm 24,4% trong “rổ hàng nông sản xuất khẩu” của Việt Nam ra thị trường thế giới trong năm tháng đầu năm 2018, xuất khẩu các mặt hàng này sang thị trường Trung Quốc trong năm tháng đầu năm nay chỉ đạt gần 3,36 tỉ đô la và tỷ trọng này cũng giảm mạnh xuống chỉ còn 22,5%.

Như vậy, trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ra thị trường thế giới nói chung trong năm tháng đầu năm nay chỉ giảm nhẹ 140 triệu đô la hay 0,9% so với cùng kỳ, thì thị trường Trung Quốc đã giảm tới 329 triệu đô la, tương đương 8,9%.

Điều này cũng có nghĩa là, để đạt mức giảm nhẹ đó trong xuất khẩu ra thị trường thế giới nói chung, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này sang các thị trường khác ngoài Trung Quốc đã tăng 189 triệu đô la, tương ứng với tỷ lệ tăng 1,3%.

Điều rất đáng lưu ý là, trong cùng kỳ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang thị trường Mỹ đã tăng mạnh từ 2,77 tỉ lên lên 3,1 tỉ đô la, tức là đã tăng 331 triệu đô la hay 11,9%, đủ bù cho sự suy giảm ở thị trường Trung Quốc.

Thứ hai, giá hàng nông sản “rủ nhau” cùng giảm là tác nhân chủ yếu khiến bức tranh xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam ảm đạm như nói trên, nhưng thị trường Trung Quốc là một trường hợp đặc biệt.

Các kết quả tính toán từ bảy mặt hàng có đủ số liệu thống kê về lượng và giá trị xuất khẩu (bao gồm: gạo, cà phê, hạt điều, cao su, hạt tiêu, sắn và sản phẩm sắn, chè) trong sáu tháng qua cho thấy, kim ngạch xuất chỉ đạt 6,38 tỉ đô la, giảm hơn 990 triệu đô la so với cùng kỳ năm 2018, trong khi nếu quy số lượng ấy về giá cùng kỳ thì đạt gần 7,45 tỉ đô la, tức là tăng gần 74 triệu đô la.

 Như vậy, Việt Nam đã bị thua thiệt về giá tới 1,06 tỉ đô la, tương đương 16,7% kim ngạch xuất khẩu thực tế đã thu được. Thực tế đó còn cho thấy cho dù đã gặp vô vàn khó khăn do giá các mặt hàng đồng loạt giảm, Việt Nam cũng đã nỗ lực đẩy ra thị trường thế giới khối lượng hàng nông sản tương tự như cùng kỳ năm 2018.

Thế nhưng, đối với thị trường Trung Quốc, tình hình lại khác hẳn

Cũng tính theo bảy mặt hàng có đủ số liệu thống kê về lượng và giá trị xuất khẩu như nói ở trên, tổng kim ngạch xuất khẩu trong cùng kỳ đã giảm rất mạnh từ 1,45 tỉ đô la xuống chỉ còn 1,12 tỉ đô la, tức là đã giảm 29,38%. 

Trong khi yếu tố giá giảm chỉ chiếm 44 triệu đô la, tương ứng với 3,93%, thì yếu tố lượng chiếm đến 286 triệu đô la, tương ứng với 25,45%, hay yếu tố lượng giảm lớn gấp 6,5 yếu tố giá giảm.

Thực tế này bắt nguồn từ việc Trung Quốc trong năm tháng đầu năm nay giảm mua 621.000 tấn gạo của Việt Nam, tương ứng với tỷ lệ giảm “khủng” tới 73,6%, cũng như giảm mua rất mạnh 215.000 tấn sắn, tương ứng với 18,6%, cho nên mức tăng không nhiều ở các mặt hàng khác không thể bù lại được.

Thứ ba, nếu nhìn xa hơn, có thể thấy dấu hiệu về việc suy giảm nhập khẩu của thị trường Trung Quốc đã xuất hiện từ trước đó. Đó là tỷ trọng của thị trường này trong “rổ hàng nông sản xuất khẩu” của Việt Nam tăng dần và đạt đỉnh 25,5% vào tháng 5-2017 và tháng 5-2018 chững lại ở mức 24,4%, còn cả năm 2018 chỉ đạt 23,3%.

Như vậy, có thể nói, trong bức tranh xuất khẩu hàng nông sản không sáng sủa của nước ta ra thị trường thế giới nói chung trong nửa đầu năm nay, thị trường Trung Quốc là tác nhân chủ yếu.

 Đến lượt nó, thị trường này lại chịu sự tác động bởi bốn yếu tố: những diễn biến của thị trường thế giới, cuộc chiến thương mại với Mỹ, điều chỉnh chính sách nhập khẩu và cán cân cung - cầu của chính thị trường này.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một thực tế khác. Đó là, theo số liệu thống kê của Trung Quốc, tổng kim ngạch nhập khẩu riêng nhóm hàng lương thực, thực phẩm của nước này trong năm tháng đầu năm nay vẫn đạt hơn 60 tỉ đô la, tăng hơn 3 tỉ so với cùng kỳ năm 2018.

Lợi thế bên cạnh người nhập khẩu khổng lồ

Kể từ sau khi vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia nhập khẩu hàng nông sản lớn nhất thế giới đến nay, theo số liệu thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), bình quân mỗi năm (2011-2017) Trung Quốc nhập khẩu 163 tỉ đô la hàng nông sản.

Vấn đề cốt lõi đặt ra là cái thời "có gì bán nấy và có sao mua vậy ở chợ trời biên giới" đã qua, chúng ta phải thay đổi cung cách tổ chức sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường này theo "thông lệ" quốc tế. Bởi lẽ, những thay đổi về chính sách quản lý đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc cũng chẳng khác gì so với chính sách mà Mỹ cũng như các nước châu Âu đã áp dụng đối với nông sản Việt Nam từ bấy lâu nay.

Trung Quốc cũng đã vượt qua Mỹ để trở thành thị trường nhập khẩu hàng nông sản lớn nhất của Việt Nam. Tính theo 13 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ yếu theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, bình quân mỗi năm nước này nhập khẩu 6,3 tỉ đô la, chiếm 21,1% “rổ hàng nông sản xuất khẩu” của Việt Nam, nhưng cũng chỉ chiếm 3,9% “rổ hàng nông sản nhập khẩu” khổng lồ từ thị trường thế giới.

Còn trong tương lai, theo dự báo của cả Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO) và Bộ Nông nghiệp Mỹ, Trung Quốc sẽ không ngừng tăng nhập khẩu nông sản từ thị trường thế giới.

Rất rõ ràng, do “núi liền núi, sông liền sông”, khoảng cách và thời gian vận chuyển ngắn, chi phí vận chuyển và bảo quản thấp, Việt Nam có lợi thế hơn bất cứ đối thủ cạnh tranh nào ở thị trường này. 

Vì vậy, việc khôi phục và tiếp tục gia tăng thị phần tại Trung Quốc đối với chúng ta có thể là điều kiện tiên quyết để duy trì nhịp độ tăng trưởng của nông nghiệp trong những năm tới.

Vấn đề cốt lõi đặt ra là cái thời “có gì bán nấy và có sao mua vậy ở chợ trời biên giới” đã qua, chúng ta phải thay đổi cung cách tổ chức sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường này theo “thông lệ” quốc tế. 

Bởi lẽ, những thay đổi về chính sách quản lý đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc cũng chẳng khác gì so với chính sách mà Mỹ cũng như các nước châu Âu đã áp dụng đối với nông sản Việt Nam từ bấy lâu nay.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/thay-doi-de-khoi-phuc-thi-phan-tai-thi-truong-trung-quoc-20190714160432095.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/