Tham vọng với mảng dịch vụ tài chính của Grab tại Đông Nam Á ngày càng lộ rõ

Thương vụ đầu tư và hợp tác chiến lược mới đây với nhà băng lớn nhất Nhật Bản MUFG là một dấu hiệu nữa cho thấy Grab rất nghiêm túc với mảng dịch vụ tài chính.

Khoản đầu tư chiến lược 706 triệu USD của Mitsubishi UFJ Financial Group (Nhật Bản) vào Grab sẽ giúp "ông lớn" gọi xe Singapore hiện thực hoá được mục tiêu trở thành một cái tên đáng chú ý trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) trong khu vực.

Thông qua hợp tác với nhà băng Nhật Bản, Grab có thể tiếp cận hàng triệu người ở Đông Nam Á vốn chưa được ngân hàng phục vụ đầy đủ, theo Nikkei.

Tham vọng ở mảng dịch vụ tài chính của Grab tại Đông Nam Á ngày càng lộ rõ - Ảnh 1.

Grab ngày càng cho thấy rõ tham vọng của mình trong mảng dịch vụ tài chính. (Ảnh: eCommerceIQ)

Hai bên công bố khoản đầu tư trong bối cảnh giới truyền thông đưa tin về việc Grab và Go-Jek có thể đang thảo luận sáp nhập. Dù vậy, mở rộng trong lĩnh vực tài chính vẫn luôn là một cột trụ quan trọng trong tương lai của Grab. 

Grab tin tưởng tài chính sẽ là mảng dịch vụ giúp hãng này sinh nhiều lợi nhuận hơn. Trong chiến lược "siêu ứng dụng", Grab coi dịch vụ tài chính là một sự "phát triển một cách tự nhiên" bởi công ty có thể tận dụng lượng người dùng sẵn có rất lớn.

Ngoài dịch vụ thanh toán di động GrabPay mà Grab ra mắt vào năm 2016, Grab đang lên kế hoạch mở rộng sang lĩnh vực bảo hiểm trên di động, cho vay và quản lí tài sản.

"Hợp tác với Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG) cho phép chúng tôi cùng nhau tạo ra các dịch vụ tài chính sáng tạo, ví dụ như thanh toán và tài chính vi mô, để đáp ứng nhu cầu của người dùng Đông Nam Á", ông Reuben Lai, người đứng đầu mảng tài chính của Grab, nhấn mạnh.

Trong khi đó, Grab đang nỗ lực xin cấp phép hoạt động ngân hàng ở Đông Nam Á, bắt đầu từ Singapore, để mở ra thêm nhiều cơ hội hơn ở mảng tài chính dịch vụ.

"Với việc chờ cấp phép ngân hàng số của Grab ở Singapore, có thêm MUFG trong vai trò đối tác chiến lược sẽ giúp Grab giải quyết nhiều thách thức trong việc có thể ra mắt một ngân hàng số riêng", ông Zennon Kapron, gám đốc công ty nghiên cứu tài chính Kapronasia (Singapore), nhận định.

"Dù Grab có nhiều chuyên gia về kĩ thuật, ngân hàng là một lĩnh vực kinh doanh phức tạp khi nói về vận hành và tuân thủ, song MUFG có hàng thập kỉ kinh nghiệm", ông nhấn mạnh thêm.

Với Grab, khoản đầu tư 706 triệu USD là một yếu tố then chốt trong mở rộng dịch vụ tài chính. Nikkei nói khoản đầu tư có thể được Grab sử dụng cho các hoạt động marketing, xây chiến dịch cho dịch vụ tài chính, đồng thời đẩy mạnh phát triển các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo hay máy học trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, Grab cũng gọi vốn thành công 150 triệu USD từ TIS, một nhà cung cấp giải pháp công nghệ thông tin Nhật Bản. TIS có thể hỗ trợ Grab trong việc xây dựng hạ tầng thanh toán điện tử ở Đông Nam Á.

Hiện tại, Grab đã cung cấp dịch vụ cho vay và bảo hiểm ở một số thị trường mà họ hoạt động.

Năm 2018, Grab trở thành đối tác kinh doanh và thanh toán của Kasikornbank (Thái Lan) sau khi nhận khoản đầu tư 50 triệu USD. Cùng năm, Grab hợp tác với Credit Saison để cung cấp vốn vay cho các tài xế.

Quá trình lấn sân sang lĩnh vực dịch vụ tài chính của Grab đang diễn ra nhanh hơn trong vòng vài tháng trở lại đây.

Một thời gian ngắn sau khi nộp hồ sơ cấp phép ngân hàng số ở Singapore vào tháng 12, Grab cung cấp giải pháp bảo hiểm đi lại trên smartphone cùng đối tác Chubb. Grab cũng thâu tóm startup tư vấn tự động Bento Investment để rục rịch triển khai dịch vụ quản lí tài sản.

Grab khẳng định ứng dụng của hãng đã được tài về hơn 160 triệu lần và hãng đang có 9 triệu đối tác, bao gồm cả tài xế và nhà hàng ở Đông Nam Á. Grab không ngần ngại thừa nhận mục tiêu lớn của hãng là nhóm người dùng chưa được hoặc ít được ngân hàng phục vụ tại khu vực này.

Dù vậy, mảng dịch vụ tài chính cũng có rất nhiều đối thủ lớn. 21 doanh nghiệp đang cạnh tranh để giành 5 giấy phép ngân hàng điện tử mà ngân hàng trung ương Singapore có thể phát hành. Grab là một trong 7 ứng viên xin cấp phép giấy phép ngân hàng toàn diện, cho phép phục vụ cả hai đối tượng khách hàng bán lẻ và khách hàng phi bán lẻ.

Công ty đánh giá tín nhiệm S&P Global nói vào trung tuần tháng 2 rằng Grab và SEA Ltd. có thể là hai cái tên đang dẫn đầu cuộc đua. Nếu thành công, Grab có thể sẽ bắt đầu cung cấp dịch vụ ngân hàng từ giữa năm 2021.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/tham-vong-voi-mang-dich-vu-tai-chinh-cua-grab-tai-dong-nam-a-ngay-cang-lo-ro-20200227130646983.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/