Thách thức của hai đại gia dầu mỏ Trung Đông giữa chiến sự ngặt nghèo ở Ukraine

Cho đến nay, Arab Saudi và UAE vẫn khá trung lập kể từ khi Nga động binh với Ukraine. Thái độ của hai đại gia dầu mỏ này vô tình đặt bản thân họ lẫn liên minh OPEC+ vào một thử thách khó nhằn.

Hai đại gia dầu mỏ không ngả theo phương Tây

Đầu tháng 3 vừa qua, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã được chào đón nồng nhiệt tại Dubai, UAE. Trước đó không lâu, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng tự mình thực hiện các chuyến thăm tới UAE và Arab Saudi nhằm thuyết phục hai nước tăng sản lượng dầu thô, nhưng kết quả không mấy vui vẻ.

Ông Johnson đóng vai trò như một sứ giả từ phương Tây, sau khi lãnh đạo hai nước vùng Vịnh từ chối tiếp nhận lời kêu gọi từ Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc xây dựng một mặt trận thống nhất nhằm ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến với Nga và kiềm chế đà tăng của giá “vàng đen”.

Thái độ của UAE và Arab Saudi trong chuyến thăm của Thủ tướng Anh cho thấy sự không bằng lòng của hai đại gia dầu mỏ thế giới trước việc phương Tây ít quan tâm, giúp đỡ an ninh của hai nước.

Đặc biệt, sự bất bình của hai quốc gia vùng Vịnh có liên quan một phần tới việc chính quyền ông Biden đã đưa phiến quân Houthi ra khỏi danh sách các nhóm khủng bố toàn cầu của Mỹ.

Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa của Houthi tại thủ đô Abu Dhabi của UAE, và triển vọng khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran cũng khiến hai nhà sản xuất dầu thô không bằng lòng.

 Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman trò chuyện cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị của nhóm G20. (Ảnh: Reuters).

Tuy nhiên, UAE và Arab Saudi không chỉ từ chối tiếp nhận lời kêu gọi của ông Biden, mà hai nước còn đang đánh canh bạc mạo hiểm với chiến sự tại Ukraine. Trong một cuộc bỏ phiếu của Liên Hợp Quốc nhằm lên án hành động của Nga, UAE đã bỏ phiếu trắng.

Thái tử UAE Mohammed bin Zayed còn từng đề cập đến “quyền lợi đảm bảo an ninh quốc gia của Nga” trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Vladimir Putin, theo oilprice.com.

Một số nhà quan sát đồn đoán rằng UAE có thể giúp Nga né tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây, khi mà giới chức Abu Dhabi được cho là đã cam kết với người Nga rằng họ sẽ không thực thi các biện pháp cấm vận, trừ khi được Liên Hợp Quốc ủy nhiệm.

Bên cạnh đó, liên minh OPEC+ do Arab Saudi, UAE và Nga dẫn dắt đang tương đối đoàn kết và phối hợp ăn ý. Sau những thăng trầm của thị trường dầu mỏ trong năm 2020 và những bất ổn trong năm nay, hai quốc gia vùng Vịnh hẳn không muốn từ bỏ mối quan hệ với Nga.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra một cú sốc nguồn cung do thiếu hụt hàng triệu thùng dầu từ Nga mỗi ngày. Điều này có thể sẽ kéo giá dầu lên cao hơn nữa.

Trong khi Arab Saudi chưa bơm dầu hết công suất và chưa cam kết làm như vậy trong thời gian tới, UEA đã hứa hẹn sẽ cung ứng thêm “vàng đen” ra thị trường. Song, lời hứa của Abu Dhabi vẫn chưa thành hiện thực và các thành viên khác của OPEC cũng chưa ai đồng ý.

Quân bài của Mỹ và đồng minh

Hiện tại, Phương Tây đã loại một số ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT và đóng băng kho dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương Nga. Điều này đã khơi lại cuộc tranh luận về vai trò của USD như một đồng tiền dự trữ toàn cầu, đặc biệt là trong giao dịch dầu mỏ ở vùng Vịnh.

Một số chuyên gia lập luận rằng “chúng ta đang chứng kiến sự ra đời của hệ thống Bretton Woods III - một trật tự tiền tệ mới…có khả năng làm suy yếu hệ thống euro - USD vốn có”.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, quan điểm trên vẫn chỉ là thiểu số, trong khi phần đông chuyên gia đều nhận thấy có rất ít lựa chọn có thể thay thế cho đồng bạc xanh trong ngắn hạn và trung hạn.

Sự thiếu tin tưởng của cộng đồng quốc tế vào đồng nhân dân tệ sẽ làm thui chột hy vọng của Bắc Kinh trong việc biến đồng nội tệ thành một đồng tiền dự trữ toàn cầu. Tuy vàng đã được chứng minh là một kho lưu trữ giá trị an toàn, nhưng kim loại quý này không còn được sử dụng như một phương thức thanh toán thông thường.

Trong khi đó, liệu bitcoin - đồng tiền ảo lớn nhất thế giới, có thể vượt qua thái độ chống đối của các cơ quan tài chính và trở thành một tài sản chính thống hay không vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ.

Nhìn chung, đồng USD vẫn sẽ giữ vị trí ưu việt trong giao dịch dầu thô toàn cầu. Dù Arab Saudi đang cân nhắc chấp nhận đồng nhân dân tệ thay vì USD để bán dầu cho Trung Quốc, nước này vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào đồng bạc xanh.

Việc chuyển hàng triệu thùng dầu giao dịch từ USD sang nhân dân tệ mỗi ngày có thể làm ảnh hưởng đến nền kinh tế Arab Saudi vì đồng tiền của quốc gia vùng Vịnh được neo với đồng bạc xanh.

Đến các cố vấn của Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman cũng đã cảnh báo về những thiệt hại kinh tế khó lường có thể xảy ra nếu Riyadh xúc tiến kế hoạch dùng đồng nhân dân tệ để bán dầu.

Dù có khuynh hướng tách rời phương Tây là vậy, Arab Saudi và UAE vẫn cần phải cân nhắc thiệt hơn khi chọn giữa Mỹ cùng đồng minh và Nga. Sự lệ thuộc vào hệ thống đồng USD của hai nước Trung Đông này có thể cản bước họ trong tương lai.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/thach-thuc-cua-hai-dai-gia-dau-mo-trung-dong-giua-chien-su-ngat-ngheo-o-ukraine-2022412235445491.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/