Techcombank và nước đi tận dụng vốn giá rẻ để tạo nên con số lợi nhuận khủng hơn 17.000 tỷ đồng

Là ngân hàng tiên phong trong việc huy động CASA hay gần đây nhất là kêu gọi được khoản vay hợp vốn 800 triệu USD lãi suất chưa tới 2%, Techcombank đang cho thấy khả năng tận dụng nguồn vốn giá rẻ hiệu quả của mình.

Techcombank và câu chuyện tối ưu nguồn vốn giá rẻ - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Techcombank).

Hiện tại, VPBank, Techcombank hay MB là những cái tên đứng đầu toàn ngành xét về biên lãi ròng (NIM). Nếu như NIM của VPBank, MB cao nhờ đánh vào phân khúc tài chính tiêu dùng, khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, thì Techcombank lại tối ưu NIM bằng cách tận dụng tối đa nguồn vốn rẻ và tập trung vào phân khúc bất động sản.

Vay vốn giá rẻ từ nước ngoài 

Mới đây nhất, Techcombank đã thành công huy động khoản vay hợp vốn nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay với trị giá lên tới 800 triệu USD, tương đương hơn 18.500 tỷ đồng. Lãi suất của khoản vay tín chấp này được tính bằng lãi suất LIBOR công biên độ, tức chỉ khoảng 1,6 - 1,9%/năm, rất thấp so với lãi suất tiền gửi VND của ngân hàng.

Đây cũng là lần thứ hai Techcombank tiếp cận thị trường cho vay hợp vốn quốc tế sau khi  thành công với khoản vay hợp vốn đầu tiên trị giá 500 triệu USD vào năm ngoái.

Nếu xét trên tình hình hoạt động của Techcombank trước đó, có thể thấy việc tiệp cận khoản vay này là nước đi hợp lý của ngân hàng nhằm tối ưu NIM, tạo động lực thúc đẩy lợi nhuận tốt hơn, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như vừa qua. 

Trước hết, với đặc điểm phân khúc khách hàng chủ yếu là vay bất động sản, Techcombank có tỷ lệ dự nợ trung dài hạn trên tổng dư nợ cho vay cao hơn so với mặt bằng các ngân hàng khác, chưa bao gồm các khoản trái phiếu doanh nghiệp.

Techcombank và những nước đi tạo nên biên lợi nhuận cao nhất ngành - Ảnh 2.

Techcombank và những nước đi tạo nên biên lợi nhuận cao nhất ngành - Ảnh 3.

Tỷ trọng cho vay các nhóm ngành của Techcombank. (Nguồn: Báo cáo của Techcombank).

Trong khi đó, mặt bằng lãi suất huy động của Techcombank lại nhằm trong nhóm thấp nhất trong các ngân hàng tư nhân, chỉ nhỉnh hơn các ngân hàng quốc doanh. Chính vì điều này, nguồn vốn trung dài hạn của Techcombank lại không quá dồi dào, chủ yếu đến từ việc phát hành giấy tờ có giá.

Ngược lại, với chiến lược "zero fee" để huy động tiền gửi không kỳ hạn (CASA) nhiều năm nay, nguồn vốn giá rẻ ngắn hạn lại là điểm mạnh của ngân hàng này. Tính tới 30/9/2021, tỷ lệ CASA của Techcombank là gần 50% (bao gồm cả tiền gửi ký quỹ), cao nhất trong những ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý III tới nay. Trong vài năm trở lại, tỷ lệ này cũng luôn được duy trì ở mức trên 40%.

Từ những yếu tố trên, một mặt, đã giúp chi phí vốn của Techcombank thấp nhất thị trường, chỉ ở mức 2,3%, trong khi bình quân nhóm ngân hàng lớn khác là 3,8% tính đến cuối quý II. Qua đó, ngân hàng có lợi thế hơn khi cho vay, tối ưu được NIM.

Techcombank và những nước đi tạo nên biên lợi nhuận cao nhất ngành - Ảnh 4.

NIM của Techcombank vẫn tiếp tục tăng trong năm 2021. (Nguồn: Báo cáo của Techcombank).

Mặt khác, điều này cũng khiến ngân hàng cần bổ sung nguồn vốn trung dài hạn để  đảm bảo các tỷ lệ an toàn tài chính, phát triển phân khúc khách hàng vay mua nhà vốn là những khoản vay trong trung dài hạn.

Trong vài năm trở lại, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của Techcombank luôn ở mức cao so với toàn ngành. Tại thời điểm cuối quý II/2021, tỷ lệ này của ngân hàng mẹ là 39,1%, sát với ngưỡng quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Cũng phải nói thêm rằng, không giống với các nhà băng khác, Techcombank không lựa chọn việc phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ để bổ sung nguồn vốn trung dài hạn. Trong vài năm nay, ngân hàng đều không có kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Như vậy, có thể thấy khoản vay hợp vốn 800 triệu USD như là một giải pháp giúp ngân hàng giãn tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn mà không làm tăng chi phí vốn, giúp ngân hàng tối ưu được NIM, kể cả khi phải hạ lãi suất để hỗ trợ cho các khách hàng chịu ảnh hưởng vì dịch.

Cuộc đua CASA khốc liệt

Cùng với việc tiếp cận vốn vay giá rẻ nước ngoài, Techcombank cũng phải đối mặt với một cuộc cạnh tranh khốc liệt trong CASA với các ngân hàng. 

Trước những tác động của dịch bệnh COVID-19, người dân có xu hướng rút tiền gửi tiết kiệm để chuyển sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán và bất động sản. Điều này khiến tăng trưởng tiền gửi khách hàng sụt giảm không chỉ tại Techcombank mà còn ở các nhà băng khác. 

Trong cuộc chiến này, các ngân hàng có tỷ lệ CASA cao như Techcombank lại dường như thất thế hơn khi bị ràng buộc bởi các tỷ lệ thanh khoản và buộc phải tăng chi phí để giữ nguồn vốn này như việc ra mắt sản phẩm trên.

Trong 9 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng nền kinh tế đạt 7,17%, trong khi tăng trưởng huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 4,28%, thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng cũng như mức huy động cùng kỳ năm 2020 là 7,48%.

Điều này cũng lý giải phần nào xu hướng các ngân hàng ồ ạt phát hành trái phiếu từ đầu năm đến nay để đáp ứng nhu cầu vay vốn.

Ngân hàng cũng tung ra một số sản phẩm mới như các loại chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao 3,6%/năm cho kỳ hạn 3 tháng.  

Khi cần bán lại trước hạn, khách hàng có thể bán lại một phần hoặc toàn phần bất cứ lúc nào với lợi nhuận hằng ngày là 2,5%/năm.

Có thể thấy, đây cũng là một nước đi của Techcombank trong cuộc chiến về CASA, khi các ngân hàng khác ồ ạt triển khai các chiến dịch "zero fee".

Mặt khác, điều này cũng cho thấy việc tiếp cận được khoản vay hợp vốn 800 triệu USD không chỉ giúp ngân hàng đáp ứng nhu cầu vốn trung dài hạn mà còn giúp Techcombank có dư địa tiếp tục cạnh tranh với các nhà băng khác.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/techcombank-va-nhung-nuoc-di-tao-nen-bien-loi-nhuan-cao-nhat-nganh-20211026171052099.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/