Reuters: Ngành may mặc Việt Nam không dễ tận dụng cơ hội từ hiệp định EVFTA

Hiệp định EVFTA và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang mang đến nhiều đơn hàng cho doanh nghiệp may mặc Việt Nam, tuy nhiên vướng mắc về nhân công lành nghề và qui định ngặt nghèo về nguồn gốc sản phẩm lại đẩy họ vào "nút thòng lòng" mới.

1

Ảnh: Reuters

Cơ hội lớn từ EVFTA và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đối với ngành may mặc Việt Nam

Đối với ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Công ty Cổ phần Dệt may - Thương mại - Đầu tư Thành Công (TCM) ở TP HCM, hiệp định EVFTA vừa kí kết với Liên minh châu Âu (EU) mang lại cơ hội lớn, song cũng khiến doanh nghiệp may mặc đau đầu vì vấn đề logistics.

Với dự đoán rằng hiệp định EVFTA hứa hẹn sẽ đem đến nhiều đơn đặt hàng hơn, TCM đang lên kế hoạch mở rộng nhanh chóng.

"Hiệp định EVFTA là yếu tố thay đổi cuộc chơi, giúp mở đường cho hàng may mặc Việt Nam chiếm lĩnh thị trường châu Âu", ông Tùng nói.

Các nhà phân tích nhận định, may mặc sẽ là mặt hàng hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA. Hiện tại, hàng may mặc chiếm khoảng 10% khối lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam và chịu mức thuế xấp xỉ 9% từ EU.

Theo dữ liệu từ hải quan, EU đã là thị trường hàng may mặc lớn thứ hai của  Việt Nam sau Mỹ, chiếm 15% tổng khối lượng đồ may mặc xuất khẩu vào năm ngoái.

Một khi hiệp định EVFTA được Nghị viện châu Âu phê chuẩn, thuế quan đối với gần một nửa sản phẩm may mặc sẽ giảm xuống 0%. 

Ông Tùng hi vọng số đơn đặt hàng tại nhà máy chuyên sản xuất đồng phục doanh nghiệp và đồ thể thao của TCM sẽ tăng ít nhất 15%.

Nhờ hàng chục hiệp định thương mại tự do đã kí kết, Việt Nam nổi lên như một mắc xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của ngành sản xuất toàn cầu, theo Reuters.

Tháng 12/2018, tại một diễn đàn doanh nghiệp tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam đã trở thành "một trong những nhà máy lớn nhất thế giới".

Tuy nhiên, năng lực sản xuất này đang bị thử thách bởi nhu cầu ngày càng tăng nhờ EVFTA và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung gây ra.

Tranh chấp thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đã khiến một số doanh nghiệp chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam và các quốc gia lân cận.

Thiếu hụt nhân lực, một nửa vòng thòng lọng đang tròng vào cổ doanh nghiệp may mặc

Tình trạng thiếu hụt nhân lực đã bắt đầu xuất hiện ở ngành may mặc Việt Nam, nơi phần lớn nhà sản xuất thường tập trung vào quá trình cắt may thâm dụng lao động. 

Chính đặc điểm này khiến Việt Nam trở thành địa điểm gia công phổ biến của các công ty thời trang nước ngoài.

Theo công ty tuyển dụng Navigos Search (TP HCM), lương thấp và thời gian làm việc kéo dài khiến việc đáp ứng nhu cầu công nhân ngày càng tăng của các nhà máy mới trở nên khó khăn hơn. Nhu cầu nhân công đã tăng 7% kể từ năm 2018.

"Ngành may mặc luôn thiếu nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân viên cao cấp có kĩ năng chuyên môn", bà Mai Nguyễn, Giám đốc điều hành Navigos, nói với Reuters.

Công ty TCM của ông Trần Như Tùng đã sẵn sàng mở một nhà máy nhuộm mới để bắt kịp số lượng đơn đặt hàng. Vấn đề trên đồng nghĩa với việc TCM phải bắt tay vào nhiệm vụ khó khăn là tìm một kĩ sư hóa học có thể dẫn dắt nhà máy mới.

"Tìm kiếm người vận hành máy nhuộm hoặc máy dệt rất dễ. Chúng tôi có thể đào tạo công nhân cho việc này", ông Tùng nói. "Tuy nhiên, tìm một kĩ sư hóa học có kinh nghiệm và kiến thức tốt về hóa học lẫn nhuộm là rất hiếm".

"Số lượng nhân lực như thế chỉ có thể đếm trên một bàn tay", ông nói thêm.

Qui định nghiêm ngặt về nguồn gốc nguyên liệu, nửa thòng lòng còn lại

Hiệp định EVFTA đặt ra một thách thức khác đối với ngành may mặc Việt Nam: Qui định nghiêm ngặt về xuất xứ nguyên liệu.

Đối với các nhà sản xuất như TCM, điều này bắt buộc hàng may mặc và thành phẩm phải có nguồn gốc Việt Nam hoặc từ một quốc gia mà EU đã kí kết thỏa thuận thương mại tự do để được miễn thuế.

Vấn đề này phát sinh một phần là vì các nhà sản xuất châu Âu đã vận động hành lang mạnh mẽ nhằm né tránh hàng nhập khẩu giá rẻ từ những quốc gia như Trung Quốc.

Tại phiên điều trần năm 2013, nhiều hãng sản xuất hàng may mặc châu Âu bày tỏ lo ngại rằng một hiệp định thương mại tự do với Việt Nam có thể mở đường cho sản phẩm may mặc giá rẻ Trung Quốc tràn vào thị trường châu Âu sau khi chuyển đổi nhãn mác sang hàng Việt Nam.

Trong quá trình EU - Việt Nam đàm phán hiệp định, các hãng sản xuất dệt may của Italy và Liên đoàn Dệt may châu Âu (Euratex) đã hành động để ngăn chặn sản phẩm Trung Quốc, sau khi qua quá trình hoàn thiện tại Việt Nam, xâm nhập vào EU mà không chịu thuế.

Ngoài ra, họ còn nỗ lực trì hoãn quá trình loại bỏ thuế quan trong một thời gian nhất định sau khi kí kết thỏa thuận nhằm ngăn chặn "cơn lũ" hàng dệt may Việt Nam đổ bộ vào thị trường châu Âu.

Hiện tại, gần 70% nguyên liệu thô được sử dụng trong quá trình sản xuất hàng may mặc của Việt Nam có nguồn gốc từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc.

Các công ty may mặc Việt Nam cho biết rất ít doanh nghiệp có đủ khả năng chi trả cho quá trình sản xuất nguyên liệu thô đắt tiền của riêng họ.

"Chúng tôi không có dự định đầu tư vào nhà máy nhuộm. Việc này đòi hỏi nhiều vốn và công nhân có tay nghề để vận hành", chủ một nhà máy nhỏ với khoảng 800 công nhân ở TP HCM cho hay.

"Nhập khẩu nguyên liệu thô thì rẻ, đơn giản và nhanh hơn đối với các công ty nhỏ như chúng tôi", người này nói.

Theo chủ nhà máy trên, công ty của ông đang cân nhắc nhập khẩu nguyên liệu từ Hàn Quốc, thay vì Trung Quốc, vì nước này đã thiết lập quan hệ thương mại tự do với EU.

"Chi phí cao đồng nghĩa với việc chúng tôi thu về ít lợi nhuận hơn, tuy nhiên đó là lựa chọn thay thế tốt nhất chúng tôi có thể nghĩ ra vào thời điểm này".

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/reuters-nganh-may-mac-viet-nam-khong-de-tan-dung-co-hoi-tu-hiep-dinh-evfta-20190726152536964.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/