Quan chức Fed chia rẽ trong cuộc họp tháng 7, nhưng thống nhất không phát tín hiệu sẽ hạ thêm lãi suất

Theo biên bản cuộc họp chính sách tháng 7, có sự chia sẽ sâu sắc giữa các quan chức Fed về việc có nên cắt giảm lãi suất hay không, tuy nhiên họ lại thống nhất trong việc không phát tín hiệu sẽ hạ thêm lãi suất.

LYNXNPEF7K1VB_L

Chủ tịch Fed Jerome Powell (Ảnh: Reuters)

Biên bản cuộc họp chính sách tháng 7 vừa công bố rạng sáng ngày 22/8 (giờ Việt Nam) cho thấy quyết định hạ lãi suất chuẩn xuống 25 điểm cơ bản của Fed thu hút nhiều ý kiến phản đối hơn so với tỉ lệ phiếu bầu 8-2 của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) mà cơ quan này công bố sau khi cuộc họp kết thúc ngày 31/7.

Một vài thành viên tham dự cuộc họp ủng hộ động thái hạ lãi suất 50 điểm cơ bản nhằm giúp nâng lạm phát lên mức mục tiêu của Fed và ngăn chặn ảnh hưởng của căng thẳng thương mại toàn cầu.

Mặc dù vậy, một lượng đông đảo quan chức hơn ủng hộ không thay đổi chính sách tiền tệ.

Chiều sâu của cuộc tranh luận này làm gia tăng khả năng Chủ tịch Jerome Powell sẽ phát đi tín hiệu Fed không tiếp tục hạ lãi suất thông qua bài phát biểu vào ngày 23/8 tới tại cuộc họp chính sách thường niên ở Jackson Hole, Wyoming.

Điều đó cũng cho thấy Fed không sẵn sàng đưa thêm vài đợt hạ lãi suất mạnh tay hơn mà Tổng thống Trump  yêu cầu, theo Reuters.

"Tôi nghĩ thứ khiến tôi ngạc nhiên chính là tình trạng chia rẽ trong nội bộ Fed", bà Mary Ann Hurley, Phó Chủ tịch phụ trách mảng giao dịch thu nhập cố định tại D.A. Davidson (Seatle), cho hay.

"Chúng ta hiện đang rơi vào trường hợp chưa thể phán đoán chính xác được. Rõ ràng, Fed đang thực sự cân nhắc về bước đi của họ", bà Hurley nói.

Tình trạng chia rẽ trong biên bản cuộc họp tháng 7 cho thấy nội bộ ngân hàng trung ương Mỹ có thể tồn tại nhiều bất đồng hơn nếu tất cả thành viên tham dự đều có quyền bỏ phiếu. Mặc dù hội đồng thống đốc là cử tri thường trực, chỉ 5 trong số 12 Chủ tịch Fed khu vực có thể tham gia bỏ phiếu tại mỗi cuộc họp.

Đồng thời, biên bản này cũng cho thấy mối lo ngại sâu sắc giữa các nhà hoạch định chính sách đối với suy thoái kinh tế toàn cầu, căng thẳng thương mại và lạm phát ì ạch.

Kể từ cuộc họp tháng 7, Fed phải chịu áp lực ngày càng lớn trong việc cắt giảm lãi suất cho vay. Tổng thống Trump, người được xem là "cánh chim đầu đàn" gây căng thẳng cho Fed, cũng vừa gọi điện yêu cầu Fed hạ lãi suất chuẩn vào hôm 21/8.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách của Fed đã nhất trí tại cuộc họp tháng 7 rằng họ không muốn tạo ấn tượng rằng Fed đang lên kế hoạch nới lỏng chính sách hơn nữa.

"Các thành phần tham dự nhìn chung ủng hộ hướng tiếp cận mà trong đó chính sách tiền tệ nên xuất phát từ dữ liệu kinh tế mới. Điều đó cũng giảm khả năng về một con đường chính sách đã định sẵn", theo biên bản cuộc họp chính tháng 7.

"Fed rõ ràng muốn vận hành theo cách linh hoạt. Họ đương nhiên lo lắng về một số căng thẳng trên thế giới, bất kể là về thương mại, Brexit hay một vài trong số những diễn biến quốc tế đó", ông Willie Belwiche, chiến lược gia đầu tư tại Baird (Milwaukee), nhận định.

Các bình luận vào hôm 21/8 của Tổng thống Trump, người nhiều lần chỉ trích chính sách của Fed, được đưa ra khi ông tìm cách giảm bớt lo ngại rằng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ đè nặng nền kinh tế Mỹ và có khả năng gây ra suy thoái trước cuộc bầu cử năm 2020.

Vốn không nắm giữ phiếu bầu trong ủy ban FOMC năm nay nhưng có tham dự thảo luận chính sách, vào ngày 21/8, Chủ tịch Fed khu vực Minneapols Neel Kasshkari  đã thúc giục NHTW Mỹ sử dụng "các cam kết về chính sách trong tương lai" để thúc đẩy kinh tế Mỹ.

Trong thuật ngữ của ngân hàng trung ương, các cam kết về chính sách tiền tệ trong tương lai nói trên còn được biết đến với cái tên "định hướng thị trường tiền tệ" (forward guidance).

Tại cuộc họp tháng 7, Fed còn nghiên cứu về các thay đổi tiềm năng trong hướng tiếp cận chính sách của cơ quan này. Một số nhà hoạch định chính sách cho biết Fed đã có thể sử dụng giao dịch mua trái phiếu tích cực hơn để chống lại cuộc suy thoái 2007- 2009.

Tuy nhiên, các quan chức này cũng cho hay giao dịch mua trái phiếu và định hướng thị trường tiền tệ có thể không đủ mạnh để loại bỏ rủi ro chính sách sẽ bị cản trở trong tương lai khi lãi suất chuẩn của Fed tiến gần về mức 0.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/quan-chuc-fed-chia-re-trong-cuoc-hop-thang-7-nhung-thong-nhat-khong-phat-tin-hieu-se-ha-them-lai-suat-20190822151612613.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/