Phương Tây rủ thêm nhiều nước cùng áp giá trần lên dầu Nga, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn lặng thinh

Các quốc gia G7 vẫn chưa sẵn sàng áp giá trần với dầu thô của Nga do chưa tập hợp đủ người mua để gây sức ép lên chính quyền Điện Kremlin. Vì chưa rõ ai sẽ tham gia thỏa thuận áp giá trần nên mức giá cụ thể cũng chưa được xác định.

Cơ sở sản xuất dầu thô của Nga. (Ảnh: TASS).

Cần nhiều nước cùng tham gia

Hai tháng trước, các nước G7 đã đồng ý trên nguyên tắc việc giới hạn giá bán dầu thô của Nga. Hiện nay, G7 vẫn đang cố kêu gọi thêm các nước cùng tham gia trước khi bước vào giai đoạn thảo luận chi tiết hơn, CNBC dẫn lời một số quan chức Mỹ và châu Âu cho hay.

“Liên minh cần phải được mở rộng, đây là giai đoạn ngoại giao mà các nhà thương thuyết đang bắt đầu làm việc”, một quan chức châu Âu giấu tên nói.

7 nền kinh tế phát triển lớn gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Mỹ và Anh đã ra lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga vào nước mình. Hiện nay, 7 nước này đang bàn cách cấm hoạt động bảo hiểm và vận tải dầu của Nga đến các quốc gia khác nếu như dầu được bán trên mức giá trần mà G7 đặt ra.

G7 muốn hạn chế nguồn thu của Moscow từ nhiên liệu hóa thạch, đồng thời giữ cho dầu Nga tiếp tục tham gia thị trường để tránh gián đoạn nguồn cung.

Các nước nhập khẩu dầu Nga nhiều nhất bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ đến nay vẫn chưa trả lời có tham gia vào liên minh áp dụng giá trần với dầu Nga hay không. Quyết định tham gia hay đứng ngoài của các quốc gia này sẽ có tác động lớn với thế mặc cả của phương Tây đối với Nga.

“Hiện chưa rõ liên minh gồm có những ai nên việc bàn bạc mức giá cụ thể là quá sớm”, một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ trả lời hãng tin CNBC.

Nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo ngành tài chính các nước sẽ có nhiều dịp gặp nhau trong hai tháng tới, bao gồm tại Đại hội đồng Liên Hợp quốc ở New York, các cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) ở Washington, cũng như các hội nghị thượng đỉnh đa phương ở nhiều nơi khác. Những sự kiện này có thể sẽ là dịp để đại diện các nước thảo luận các chi tiết về kế hoạch giới hạn giá dầu Nga.

Các nhà đàm phán kỳ vọng nhóm các quốc gia G20, hay đúng hơn là G19 nếu không kể Nga, sẽ có thể đi đến một quyết định trước cuộc họp thượng đỉnh tại Bali, Indonesia vào giữa tháng 11.

Một quan chức châu Âu nói: “Hy vọng là trước [cuộc họp tại Bali vào giữa tháng 11], các nước G20 sẽ có thể trả lời rõ về khả năng tham gia áp giá trần”. Trước khi đó, các bên sẽ không thể thảo luận về những vấn đề chi tiết liên quan tới việc giao dịch dầu thô và các sản phẩm tinh chế của Nga.

 Nga là nước sản xuất dầu lớn thứ 3 thế giới trong năm 2021, đồng thời dẫn đầu về sản lượng xuất khẩu.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết Mỹ không nhất thiết cần Trung Quốc hay Ấn Độ phải tham gia để chính sách giá trần phát huy tác dụng.

“Chúng ta đang thấy sáng kiến giá trần mang lại hiệu quả vì nhiều quốc gia đang mua dầu thô của Nga với mức chiết khấu rất sâu”, bà Yellen phát biểu trên kênh MSNBC sau cuộc họp G7 ngày 2/9.

Biểu đồ bên dưới cho thấy dầu của Nga phải chịu mức chiết khấu khoảng 20 USD/thùng so với dầu tiêu chuẩn quốc tế. Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden kỳ vọng mức giá trần sẽ được áp dụng trước khi kết thúc năm 2022.

Vì các lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga đang phải bán dầu với giá thấp hơn dầu chuẩn quốc tế khoảng 20 USD/thùng.

Ông Vyacheslav Volodin, Chủ tịch Hạ viện Nga, ngày 9/9 viết trên tài khoản Telegram của mình: “Chính sách áp giá trần lên dầu thô và khí đốt của Nga cho thấy các nước G7 thừa nhận sự không hiệu quả của các lệnh cấm vận trước đây đã áp đặt lên Nga. Washington và Brussels phải từ bỏ toàn bộ lệnh cấm với nguồn tài nguyên năng lượng của Nga”.

“Thị trường toàn cầu không chỉ có 7 quốc gia G7. Hơn 80% dân số thế giới không ủng hộ các lệnh trừng phát chống lại Nga”, Chủ tịch Hạ viện Nga tuyên bố.

Hướng dẫn của chính phủ Mỹ

Hôm 9/9, Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ đã công bố một bản hướng dẫn sơ lược về cách thức tuân thủ quy định về trần giá dầu Nga trong tương lai.

Hướng dẫn này yêu cầu các doanh nghiệp tư nhân tìm cách để xác minh được rằng dầu của Nga đang được bán với giá bằng hoặc thấp hơn mức trần mà G7 đã đặt ra. Đối tượng của bản hướng dẫn này là các doanh nghiệp bảo hiểm và tập đoàn tài chính đóng vai trò không thể thiếu trong giao dịch năng lượng quốc tế.

 

Theo Bloomberg, giá trần với dầu thô dự kiến sẽ được áp dụng chậm nhất vào 5/12/2021, và với các sản phẩm từ dầu là vào ngày 5/2/2022, khớp với thời gian áp dụng lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) đối với các dịch vụ liên quan tới dầu và sản phẩm tinh chế được vận chuyển bằng đường biển.

Hoạt động kiểm soát “sẽ dựa vào quá trình lưu trữ sổ sách và chứng thực để đảm bảo mỗi bên trong chuỗi cung ứng dầu thô của Nga bằng đường biển có thể chứng minh hoặc xác nhận rằng dầu thô được mua với giá bằng hoặc thấp hơn mức trần”, OFAC cho biết. Cụ thể hơn:

+ Các bên thường xuyên được tiếp cận trực tiếp tới những thông tin về giá trong quá trình kinh doanh thông thường, chẳng hạn như các nhà môi giới hàng hóa và công ty lọc dầu, phải lưu trữ và chia sẻ những tài liệu cho thấy dầu bằng đường biển của Nga đã được mua với giá bằng hoặc thấp hơn mức trần.

+ Những doanh nghiệp không thể tiếp cận trực tiếp thông tin về giá nên yêu cầu được biết thông tin này. Nếu không thể nắm được thông tin giá cả, các doanh nghiệp “nên yêu cầu khách hàng cam kết bằng văn bản rằng sẽ không mua dầu bằng đường biển của Nga với giá cao hơn mức trần”.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/phuong-tay-ru-them-nhieu-nuoc-cung-ap-gia-tran-len-dau-nga-trung-quoc-va-an-do-van-lang-thinh-2022910155823252.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/