Ông Trump lại vướng vòng lao lý mới sau phiên tòa luận tội

Dù đã thoát cuộc luận tội lần hai, ông Trump vẫn còn vướng nguy cơ lao lý khi mà Nhà Trắng đã phát đi tín hiệu ủng hộ thành lập ủy ban đặc biệt để điều tra vụ bạo loạn tại Điện Capitol và hàng loạt cuộc điều tra khác cũng đang chĩa mùi dùi về phía cựu Tổng thống Mỹ.

Đề xuất lập ủy ban điều tra đặc biệt

Hôm 15/2, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho hay bà sẽ nhanh chóng thành lập một ủy ban để "tìm hiểu sự thật" xoay quanh chuỗi sự kiện hỗn loạn và chết người hôm 6/1/2021. Cơ quan mới được cho là tương đồng với Ủy ban 11/9 mà Washington lập với mục đích điều tra vụ khủng bố kinh hoàng năm 2001.

Tuyên bố mới nhất của Chủ tịch Hạ viện có điểm tương đồng với các bình luận của bà trong quá khứ, nhưng điểm khác biệt là nó được đưa ra ngay sau khi Thượng viện bỏ phiếu trắng án cho cựu Tổng thống Donald Trump.

Đến ngày 16/2, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Tổng thống Joe Biden sẽ ký thông qua dự luật thành lập ủy ban điều tra mới nếu văn bản này được gửi đến bàn làm việc của ông.

"Tất nhiên thành lập ủy ban điều tra là quyết định của Quốc hội, song Tổng thống Joe Biden sẽ ủng hộ ý tưởng này. Ông Biden sẽ tán thành mong muốn làm sáng tỏ các sự kiện diễn ra trong ngày 6/1 để đảm bảo vụ việc tương tự không lặp lại", bà Psaki nhấn mạnh.

Ngoài ra, bà Psaki cho biết, Nhà Trắng sẽ cùng hợp tác với Quốc hội để cùng phân tích cuộc bạo loạn tại Điện Capitol và thực hiện các biện pháp phòng ngừa cho tương lai.

Theo Politico, nhiều nhà lập pháp thuộc lưỡng đảng Mỹ đã bày tỏ thái độ quan ngại về các biện pháp an ninh được áp dụng ngay trước vụ tấn công Điện Capitol. Trong tâm trí họ, vụ việc vẫn còn mới như in. Suốt vài tuần sau vụ bạo động, họ theo dõi khá sát sao phản ứng của các cơ quan thực thi pháp luật nhằm kiểm soát lại tình hình.

Ủy ban 11/9 - thành lập sau vụ tấn công khủng bố năm 2001 - đã dành hai năm để điều tra. Quá trình điều tra kéo theo hàng chục phiên điều trần công khai và kết thúc bằng bản báo cáo dài hơn 500 trang mô tả chi tiết các sự kiện diễn ra trong ngày 11/9, nguyên nhân và khuyến nghị hành động.

Ở diễn biến khác, dù đã thoát cuộc luận tội lần thứ hai, cựu Tổng thống Trump vẫn còn phải đối mặt với nhiều vụ án dân sự và hình sự nghiêm trọng khác. Ít nhất một trong số các cuộc điều tra này có thể khiến ông Trump phải ngồi tù nếu bị tòa kết tội.

Nếu quả thực ông Trump phải đi tù, đó sẽ là một sự kiện chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ vì trước nay chưa từng có cựu tổng thống nào bị buộc tội, chứ chưa bàn đến việc bị bỏ tù.

CNBC dẫn lời ông Joseph Tacopina - một luật sự bào chữa tội phạm hàng đầu ở thành phố New York, cho hay: "Cựu Tổng thống Mỹ đang vướng vào rất nhiều rủi ro pháp lý. Nếu là ông Trump, tôi sẽ thấy rất bất an".

Cựu Tổng thống Trump chưa thoát vòng lao lý - Ảnh 2.

Cựu Tổng thống Trump tham dự một buổi lễ tại Nhà Trắng, ngày 7/12/2020. (Ảnh: AFP).

Tìm cho đủ phiếu bầu

Cuộc điều tra mới nhất liên quan ông Trump vừa bắt đầu vào tuần trước tại bang Georgia. Công tố viên Fani Willis của quận Fulton là người dẫn dắt cuộc điều tra. Nội dung điều tra tập trung vào cuộc điện thoại đầu ngày 2/1 giữa cựu Tổng thống Trump và Tổng thư ký bang Georgia Brad Raffensperger.

Trong cuộc gọi, ông Trump đã gây áp lực buộc ông Raffensperger phải "tìm" đủ 11.780 phiếu bầu để giúp ông lật ngược thất bại bầu cử tại bang Georgia.

Khi đoạn ghi âm cuộc điện thoại bị lộ, các chuyên gia pháp lý nhận định ông Trump có thể đã vi phạm ít nhất ba luật hình sự về bầu cử liên bang: âm mưu gian lận bầu cử, xúi giục gian lận bầu cử, và cố ý can thiệp vào việc thực thi nhiệm vụ bầu cử. Các tội nặng nhẹ này có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù.

Bà Willis dự định vào tháng tới sẽ yêu cầu bồi thẩm đoàn đưa ra trát đòi hầu tòa đối với các nhân vật liên quan đến vụ việc, CNBC đưa tin.

Trong nhiều tháng liền, ông Trump liên tục khẳng định có gian lận bầu cử tràn lan. Hàng nghìn người ủng hộ tin tưởng các cáo buộc vô căn cứ của cựu Tổng thống Mỹ đã tấn công Điện Capitol vào đầu tháng 1.

Dù bỏ phiếu trắng án cho ông Trump tại phiên tòa luận tội hồi cuối tuần trước, Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell vẫn hàm ý cựu Tổng thống Mỹ phải chịu trách nhiệm cho vụ bạo loạn.

Hôm 16/2, Hiệp hội Quốc gia vì Sự tiến bộ của Người da màu (NAACP) và Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ Bennie Thompson đã đệ đơn kiện lên tòa án liên bang Washington, khẳng định ông Trump, luật sư riêng Rudy Giuliani và hai nhóm cánh hữu cực đoan (Oath Keepers và Proud Boys) đã âm mưu kích động bạo loạn tại Tòa nhà Quốc hội.

Cuộc điều tra nghiêm trọng nhất

Cáo buộc hình sự nghiêm trọng nhất mà cựu Tổng thống Mỹ dính dáng đến không phải là vụ bạo loạn ở Điện Capitol hay gian lận bầu cử ở Georgia mà có thể là vụ án mà văn phòng công tố viên quận Manhattan (bang New York) thụ lý trong vài năm qua.

Ban đầu, cuộc điều tra của công tố viên Cyrus Vance chủ yếu tập trung vào một vấn đề rất nhỏ: Liệu công ty Trump Organization có hạch toán đầy đủ vào sổ sách tài chính các khoản chi cho hai người phụ nữ tuyên bố có quan hệ ngoài luồng với ông Trump hay không.

Nếu Trump Organization không liệt kê các khoản chi vào sổ sách, cùng lắm công ty của gia đình ông Trump chỉ phải nộp phạt dân sự một khoản nhỏ. Song, hồ sơ tại tòa án và tin tức báo chí cho thấy, cuộc điều tra của ông Vance đã dần mở rộng phạm vi.

Tháng 8 năm ngoái, một hồ sơ mà ông Vance đệ lên tòa chỉ ra rằng cuộc điều tra có thể liên quan đến "hành vi gian lận ngân hàng và bảo hiểm của Trump Organization cũng như các nhân viên công ty".

Một tháng sau, hồ sơ khác của ông Vance gợi ý cuộc điều tra cũng có thể mở rộng sang các vi phạm thuế tiềm tàng của ông Trump. Đầu năm 2019, ông Michael Cohen - cựu luật sư đang chịu án tù của ông Trump, làm chứng trước Quốc hội rằng ông Trump đã can thiệp vào giá trị các bất động sản của gia đình cho mục đích gian lận thuế và bảo hiểm.

Các hồ sơ của công tố viên Cyrus Vance dường như có đề cập đến lời khai của ông Cohen. Một hồ sơ còn lưu ý rõ về loạt bài viết của New York Times, trong đó cáo buộc ông Trump từng gian lận thuế trong thập niên 1990.

Không lâu trước Giáng sinh năm ngoái, các điều tra viên cấp dưới của ông Vance còn yêu cầu truy cập hồ sơ của ba thị trấn ở quận Westchester, bang New York để phục vụ điều tra. Các hồ sơ này liên quan đến khu nghỉ dưỡng Seven Springs Estate rộng hơn 86 ha của ông Trump.

Tuần trước, Wall Street Journal đưa tin văn phòng của ông Vance đang nhắm đến các khoản vay của ông Trump liên quan đến tòa nhà Trump Tower và ba bất động sản khác ở quận Manhattan.

Ngoài ra, ông Vance còn đang chờ các bản khai thuế và hồ sơ tài chính khác mà ông Trump luôn tìm cách giấu kín kể từ khi nhậm chức tổng thống đến nay. Nếu Tòa án Tối cao bác kháng cáo của ông Trump, văn phòng của công tố viên Vance sẽ nhanh chóng nhận được hồ sơ mà họ cần.

Trong khi ông Vance chờ phán quyết của Tòa án Tối cao, Tổng chưởng lý bang New York Letitia James đang tiến hành một cuộc điều tra dân sự dính dáng đến ông Trump và công ty gia đình. Trọng tâm cuộc điều tra của bà James có phần trùng lặp với cáo buộc hình sự mà công tố viên quận Manhattan Cyrus Vance đang nghiên cứu.

Theo CNBC, cuộc điều tra của bà James diễn ra từ năm 2019, nhưng chỉ được biết đến rộng rãi vào tháng 8 năm ngoái khi con trai thứ hai của ông Trump là Eric từ chối cung cấp lời khai trước tòa.

Văn phòng của bà James cho biết nữ tổng chưởng lý này đang điều tra liệu ông Trump có cố tính định giá sai lệch một số bất động sản, bao gồm khu nghỉ dưỡng Seven Springs Estate và các bất động sản ở Manhattan, Chicago và Los Angeles để được khấu trừ thuế hay không.

Ban đầu, Eric Trump đồng ý trả lời các câu hỏi của các điều tra viên cấp dưới của bà James, song sau đó lại từ chối. Eric Trump đã cố gắng trì hoãn cuộc trao đổi đến sau cuộc bầu cử tổng thống.

Bà James phải yêu cầu một thẩm phán buộc Eric Trump phải cho lời khai. Thẩm phán ra phán quyết vào tháng 9 và Eric Trump phải ra tòa cho lời khai vào đầu tháng 10.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ong-trump-lai-vuong-vong-lao-ly-moi-sau-phien-toa-luan-toi-20210217153039303.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/