Nổi danh ở nước ngoài nhưng tại sao 7-Eleven lại chậm chạp ở Việt Nam: 10 năm chưa đạt 1/10 kế hoạch mở chuỗi?

Dù đặt mục tiêu mở mới 1.000 cửa hàng trong 10 năm nhưng đã 7 năm trôi qua, 7-Eleven vẫn chưa thể đạt 1/10 kế hoạch.

Khởi nguồn từ đại lý nước đá

7-Eleven được J. C. Thompson thành lập năm 1927 dưới tên gọi Southland Ice, có trụ sở tại Dallas, Texas (Mỹ). Khởi đầu là một đại lý nước đá, 7-Eleven sau đó bán thêm sữa, bánh mì, trứng vào các buổi tối và chủ nhật khi cửa hàng tạp hoá đóng cửa. Khi ấy, ý tưởng kinh doanh mới này đáp ứng đúng nhu cầu khách hàng, là tiền đề cho khái niệm bán lẻ tiện lợi hiện đại.

Năm 1946, thương hiệu 7-Eleven ra đời với việc cửa hàng mở rộng thời gian hoạt động từ 7h sáng đến 11h đêm, xuyên suốt 7 ngày trong tuần. Trải qua nhiều biến chuyển, thương hiệu này trở thành công ty con của Seven & I Holding Co, tập đoàn do tỷ phú người Nhật Masatoshi Ito sáng lập. (Ông Ito đã qua đời ở tuổi 98 vào ngày 13/3 như tin chúng tôi đã đưa trước đó ). 

Theo Business Insider, Seven & I Holdings được xây dựng và phát triển từ một cửa hàng quần áo vào năm 1920. Hiện Seven & I Holdings đang điều hành hơn 83.000 cửa hàng trên khắp thế giới, bao gồm chuỗi cửa hàng 7-Eleven tại 19 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng loạt cửa hàng tiện lợi Speedway tại Mỹ.

Ở Đông Nam Á, 7-Eleven xuất hiện tại nhiều quốc gia như Philippines, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia… và chính thức có mặt tại Việt Nam từ năm 2017 thông qua hình thức nhượng quyền.

7-Eleven là thương hiệu quen thuộc tại nhiều quốc gia. (Ảnh:7-Eleven)

7-Eleven Việt Nam là dự án hợp tác giữa công ty con của 7-Eleven Nhật có văn phòng đặt tại Mỹ và liên doanh CTCP Seven System Vietnam.

Trước khi đặt chân về Việt Nam, 7-Eleven tỏ rõ tham vọng muốn chiếm lĩnh thị trường này khi tuyên bố mở khoảng 1.000 cửa hàng trong 10 năm. Thời điểm đó, thị trường bán lẻ của Việt Nam được dự đoán sẽ có sự cạnh tranh gay gắt, bởi 7-Eleven được mệnh danh là thương hiệu “đáng sợ bậc nhất” lịch sử khi cứ hai tiếng lại xuất hiện một cửa hàng mới trên toàn cầu. Năm 2007, thương hiệu này từng vượt qua McDonald về độ phổ biến.

Thế nhưng đến nay, theo thông tin trên website, 7-Eleven chỉ sở hữu 80 cửa hàng nhượng quyền ở TP HCM – một con số khiêm tốn so với dự định ban đầu, thậm chí còn chưa có cơ sở nào ở Hà Nội. Điều này đặt ra câu hỏi, phải chăng áp lực cạnh tranh đối với 7-Eleven tại Việt Nam là không nhỏ?

Áp lực của 7-Eleven tại Việt Nam

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc phát triển kinh doanh của Kantar Worldpanels trong một hội thảo từng cho biết, các cửa hàng tiện lợi đang gặp khó khăn về chi phí thuê mặt bằng, bởi phần lớn địa điểm phải có diện tích tối thiểu 60m2 (đủ để kê bàn ăn) và gần khu vực chung cư, trường học, bệnh viện, cao ốc văn phòng hay trên tuyến đường có mật độ giao thông lớn.

Trong khi mặt bằng đẹp tại những khu vực trung tâm đã được các đơn vị khác thuê, nên việc tìm được địa điểm với chi phí thuê hợp lý là bài toán khó.

Thừa nhận khó khăn này, ông Vũ Thanh Tú, Giám đốc Công ty Seven System Vietnam (đối tác nhận nhượng quyền chuỗi 7-Eleven) cũng cho biết: “Một trong những khó khăn lớn nhất của bán lẻ tại Việt Nam là tìm địa điểm bán hàng. Là nhân vật mới, chúng tôi cũng thấy rất khó để tìm địa điểm ưng ý. Chúng tôi muốn tìm nơi đủ rộng, đủ đông dân, có nơi để đồ ăn và không gian cho thực khách để khách hàng được thoải mái nhất”.

Ngoài khó khăn về mặt bằng, thực tế cho thấy, 7-Eleven đang phải cạnh tranh với nhiều ông lớn khi hàng loạt doanh nghiệp đang đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực siêu thị mini cửa hàng tiện lợi, có thể kể đến sự bùng nổ tốc độ mở mới của hệ thống cửa hàng tiện lợi Winmart+, Circle K hay Ministop

Đơn cử, chỉ tính riêng chuỗi cửa hàng WinMart+, trong năm 2022 đã có 777 cơ sở được mở mới. Dự kiến trong năm 2023, CTCP Thương mại Dịch vụ Tổng hợp WinCommerce (Đơn vị chủ quản hệ thống bán lẻ WinMart/WinMart+) sẽ tiếp tục mở mới hơn 1.500 điểm bán, đưa quy mô toàn chuỗi chạm mốc 5.000 siêu thị và cửa hàng, có mặt tại 63 tỉnh thành.

Ở khía cạnh khác, dù có lịch sử lâu đời trên thế giới nhưng 7-Eleven lại sinh sau đẻ muộn ở Việt nam. Nhất là khi Circle K, chuỗi cửa hàng tiện lợi có cách thức hoạt động tương tự đã có mặt tại thị trường này từ năm 2008, đến nay sở hữu hơn 400 cơ sở tại các thành phố lớn, nhờ đó chiếm được lợi thế hơn cả.

Ông Jason MoyGiám đốc điều hành Công ty Boston Consulting Group Singapore, cho biết ngành bán lẻ thế giới và Việt Nam đang thay đổi rất nhanh. Muốn thắng trong cuộc đua này, các đơn vị phải năng động và hiểu về người tiêu dùngxây dựng hệ thống mua sắm đa kênh nhằm nâng cao trải nghiệm và tạo sự khác biệt.

Do đó, nếu chưa thể cạnh tranh về lịch sử hình thành và số lượng chuỗi với các đơn vị khác, 7-Eleven phải tạo được sự khác biệt trong sản phẩm và tiện ích.

Tuy nhiên, nếu một trong những đối thủ của 7-Eleven là chuỗi cửa hàng WIN (thuộc WinCommerce) được đánh giá đáp ứng khá đủ nhu cầu khách hàng, khi xây dựng hệ sinh thái khép kín từ nhu yếu phẩm (WinMart+), tài chính (Techcombank), dược phẩm (Dr.Win), chuỗi F&B (Phúc Long) đến viễn thông (Reddi) thì 7-Eleven chỉ dừng ở việc cung cấp tiện ích cơ bản như khu vực ăn uống, wifi hay thanh toán qua thẻ... Dĩ nhiên, điều này chưa thể giúp 7-Eleven tạo sự khác biệt trên thị trường.

Thời điểm mới ra mắt, 7-Eleven thiết kế riêng cho thị trường Việt Nam danh mục hơn 100 món ăn và được làm mới mỗi ngày. Chuỗi cửa hàng 24 giờ này cũng kỳ vọng có thể trở thành điểm hẹn ẩm thực mới cho giới trẻ và là địa điểm cung cấp bữa trưa công sở với các món ăn phù hợp với văn hóa ẩm thực của người Việt.

Nhưng theo đánh giá của nhiều khách hàng, việc thực đơn của 7-Eleven chỉ dừng ở các sản phẩm phổ thông như trà, cà phê hòa tan, mì gói, nước giải khát, đồ gia dụng… có xuất xứ chủ yếu từ Việt Nam đã khiến giới trẻ, vốn háo hức chờ đợi hàng ngoại giá nội, đang dần thất vọng.

Rõ ràng, việc thua kém đối thủ về những yếu tố trên chính là hạn chế 7-Eleven cần khắc phục, nếu muốn đạt được kế hoạch của mình.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/noi-danh-o-nuoc-ngoai-nhung-tai-sao-7-eleven-lai-cham-chap-o-thi-truong-viet-nam-10-nam-van-chua-dat-110-ke-hoach-mo-chuoi-2023316143318872.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/