Những nhà đầu tư thành công phải làm việc 'trâu bò' tới mức nào?

Khi mới tham gia thị trường chứng khoán, nhiều người cho rằng đầu tư khá dễ dàng khi chỉ có hai loại quyết định là mua và bán. Tuy nhiên thực tế không đơn giản như vậy và những nhà đầu tư thành công nhất thường phải làm việc cật lực tới mức "đổ mồ hôi, sôi nước mắt".

Marty Schwartz nghiên cứu thị trường hàng đêm

Marty Schwartz là một nhà đầu tư cực kỳ thành. Từ tài khoản ban đầu trị giá 40.000 USD, ông đã biến thành tài khoản trị giá 20 triệu USD trong khi không có tháng nào bị lỗ trên 3%.

Hai tháng ông bị lỗ mạnh nhất với tỷ lệ 2% và 3% là những tháng mà hai người con của ông ra đời và ông không thể tập trung vào hoạt động giao dịch. Ông cũng tham gia 10 cuộc thi giao dịch chứng khoán. 9 trong tổng số 10 cuộc thi này có thời hạn 4 tháng và Marty Schwartz đạt suất sinh lợi trung bình 210%/4 tháng. Trong cuộc thi duy nhất có thời hạn 1 năm, ông đạt tỉ lệ sinh lợi 781%.

Những nhà đầu tư thành công phải làm việc trâu bò tới mức nào? - Ảnh 1.

Marty Schwartz.

Một lần, sau một ngày làm việc dài, Marty Schwartz trả lời phỏng vấn một tác giả muốn viết sách về ông. Cuộc phỏng vấn kết thúc, Marty Schwartz rõ ràng đã rất mệt mỏi nhưng ông không hề có ý định đi nghỉ ngơi. Trái lại, ông tiếp tục nghiên cứu diễn biến thị trường. Ông nói: "Tôi cho rằng mình luôn phải chuẩn bị kĩ càng hơn các đối thủ trên thị trường. Và tôi chuẩn bị bằng cách nghiên cứu kĩ tình hình hàng đêm."

Rất nhiều nhà đầu tư thành công khác cũng là những người "tham công tiếc việc" không kém gì Marty Schwartz.

David Shaw đi nghỉ vẫn phải làm việc vài giờ mỗi ngày

David Shaw là nhà sáng lập của D.E.Shaw, một trong những công ty đầu tư đầu tư theo phương pháp định lượng thành công nhất trên thế giới. Năm 2018, ông có thu nhập khổng lồ 590 triệu USD với giá trị tài sản ròng lên tới trên 5,3 tỉ USD.

Shaw tập hợp những nhà toán học, vật lý học và chuyên gia máy tính hàng đầu nước Mỹ để phát triển nên nhiều mô hình giao dịch tự động cho phép quĩ của ông liên tục thu được lợi nhuận từ thị trường bằng cách tận dụng sự khác biệt trong giá các loại chứng khoán khác nhau.

Toàn bộ chiến lược giao dịch này hết sức phức tạp, liên quan tới hàng ngàn công cụ tài chính bao gồm cổ phiếu, quyền chọn, chứng quyền, trái phiếu chuyển đổi, … trên khắp các thị trường lớn trên thế giới.

Nhiều người sẽ nghĩ rằng quản lí hoạt động giao dịch khổng lồ này, cộng thêm điều hành và giám sát hoạt động nghiên cứu của những nhà khoa học định lượng xuất chúng là quá nhiều việc đối với một người. Tuy nhiên, rõ ràng khối lượng công việc này vẫn chưa đủ đối với David Shaw.

Những nhà đầu tư thành công phải làm việc trâu bò tới mức nào? - Ảnh 2.

David Shaw. Ảnh: Financial Times.

Trong những năm qua, công ty của Shaw đã phát triển và bán đi nhiều công ty con, bao gồm Juno Online Services, một công ty công nghệ tài chính được bán cho Merrill Lynch, một công ty môi giới trực tuyến, một công ty tạo lập thị trường và nhiều công ty khác.

Ngoài ra, Shaw còn tham gia tích cực vào lĩnh vực hóa sinh điện toán (computational biochemistry), cập nhật thông tin về các nghiên cứu và đầu tư vốn vào một số doanh nghiệp liên quan.

Về sau Shaw giao lại quyền quản lí D.E. Shaw cho một nhóm lãnh đạo để ông có thể dành toàn bộ thời gian và tâm huyết cho việc nghiên cứu và phát triển lĩnh vực hóa sinh điện toán.

Ngoài những niềm đam mê trên, Shaw còn từng là thành viên Ủy ban cố vấn về Khoa học và Công nghệ của Tổng thống Bill Clinton và làm Trưởng ban Công nghệ Giáo dục của Ủy ban này.

Thật khó mà tưởng tượng một người có thể làm được chừng đó việc.

Khi được hỏi ông có thường đi nghỉ mát không, ông trả lời: "Không nhiều. Khi tôi đi nghỉ mát, tôi vẫn cần phải làm việc vài giờ một ngày để giữ đầu óc tỉnh táo, nếu không chắc tôi phát điên mất".

John Bender làm việc 20/24

John Bender là một người giao dịch quyền chọn xuất sắc, ông từng quản lí tiền cho quĩ Quantum Fund của George Soros cũng như giao dịch cho chính quĩ của ông.

Tính đến năm 1999, quĩ của ông có tỉ lệ lợi nhuận trung bình 33%/năm trong đó năm thua lỗ lớn nhất cũng chỉ 6%. Sang năm sau – năm hoạt động cuối cùng của quĩ, tỉ lệ lợi nhuận đạt mức đáng kinh ngạc 269% nhờ những giao dịch quyền chọn mà Bender thực hiện với kì vọng thị trường đạt đỉnh.

Năm 2000, Bender đóng quĩ vì ông mắc bệnh phình mạch máu não. Ông dành cả thập kỉ sau đó mua lại những khu rừng mưa khổng lồ và thành lập một khu bảo tồn động vật hoang dã tại Costa Rica. Đáng tiếc là Bender sau đó bị bệnh rối loạn lưỡng cực (bipolar disorder) và tự sát vào năm 2010.

Khi còn đang giao dịch, Bender là một trong những người tham gia thị trường quyền chọn tích cực nhất. Sau đó ông thức khuya để giao dịch thị trường quyền chọn Châu Âu và thường ông kéo dài ngày làm việc của mình sang phiên giao dịch trên thị trường Mỹ. Một ngày giao dịch bình thường của ông có thể kéo dài 20 tiếng.

Chúng tôi kể ra ví dụ này không phải để khuyên mọi người nên sử dụng thời gian của mình như thế nào mà để dẫn chứng về mức độ làm việc chăm chỉ của một số "thầy phù thủy" trên thị trường. 

Nghịch lý của đầu tư: Tưởng dễ mà không dễ

Tại sao lại có nhiều người tham gia đầu tư đến vậy? Là vì đầu tư có vẻ là một cách dễ dàng để kiếm nhiều tiền.

Tuy nhiên thực tế là những người cực kì thành công trong đầu tư là những người làm việc hết sức chăm chỉ, vất vả. Sự khác biệt giữa suy nghĩ và thực tế này tạo ra một nghịch lý khó giải thích.

Thử lấy một ví dụ về ngành y học: Không có một người đầu óc bình thường nào lại nghĩ rằng mình có thể mua một cuốn sách với tên gọi "Kỹ thuật phẫu thuật tim", đọc ngấu nghiến trong ngày cuối tuần rồi đầu tuần sau bước vào bệnh viện tự tin tuyên bố mình có thể thực hiện một ca phẫu thuật tim.

Ấy vậy nhưng nhiều nhà đầu tư lại làm đúng như kịch bản trên, tức là họ bước vào hiệu sách, mua một cuốn có tên đại loại như "Cách kiếm 1 triệu USD trên thị trường chứng khoán", đọc ngấu nghiến trong vài ngày rồi bắt đầu giao dịch với tâm thế tự tin nghĩ rằng mình có thể đánh bại cả thị trường.

Hai kịch bản trong y học và trên thị trường chứng khoán khá tương tự nhau, nhưng kịch bản về phẫu thuật tim bị cho là điên rồ, trong khi kịch bản đầu tư chứng khoán lại được cho là bình thường.

Sở dĩ có sự phân biệt này là bởi trong đầu tư, một tay chơi hoàn toàn nghiệp dư, hoàn toàn không hiểu gì về đầu tư cũng có xác suất thành công khoảng 50% trong giai đoạn đầu tiên. Đó là bởi chỉ có hai việc một nhà đầu tư có thể làm trong đầu tư: mua hoặc bán. Và vì vậy, xác suất nhà đầu tư đưa ra ngẫu nhiên một quyết định đúng là khoảng 50%, ít nhất là trong giai đoạn đầu tiên.

Đầu tư có lẽ là lĩnh vực duy nhất có hiện tượng này. Nếu một người không được đào tạo bài bản về y học thì xác suất người này thực hiện thành công một ca phẫu thuật tim là 0%. Nếu một người chưa từng chơi piano thì xác suất để người này trình diễn thành công một bản concerto là 0%. Trong hầu hết các lĩnh vực, xác suất thành công dù là trong ngắn hạn hay lần đầu tiên đều là 0%.

Chính khả năng thành công trong giai đoạn đầu dù chưa biết gì đã khiến nhiều người bị lừa và nghĩ rằng đầu tư thật dễ.

[Phần 2] Phù thủy thị trường: Kiên trì rồi cái gì cũng được[Phần 2] Phù thủy thị trường: Kiên trì rồi cái gì cũng được [Phần 1] Phù thủy thị trường: Phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật, ai hơn ai kém?[Phần 1] Phù thủy thị trường: Phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật, ai hơn ai kém? ‘Tôi chưa bán tức là tôi chưa lỗ’ – sai lầm nguy hiểm trong tâm lý đầu tư‘Tôi chưa bán tức là tôi chưa lỗ’ – sai lầm nguy hiểm trong tâm lý đầu tư

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nhung-nha-dau-tu-thanh-cong-phai-lam-viec-trau-bo-toi-muc-nao-20190327231911952.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/