Nhiều doanh nghiệp báo lãi quý III tăng bằng lần bất chấp làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư

Quý III vừa kết thúc, một số công ty đã công bố báo cáo tài chính quý với nhiều điểm sáng tích cực. Trong đó nhiều công ty thép, phân bón, xây dựng, dệt may công bố lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ thậm chí tăng hai, ba lần bất chấp làn sóng dịch lần thứ tư.

ưr - Ảnh 1.

Đồ họa: Alex Chu.

Quý III vừa qua có thể nói là giai đoạn khó khăn nhất của doanh nghiệp Việt khi phải chịu nhiều tác động nặng nề từ làn sóng COVID-19 lần 4. Việc kinh doanh bị đình trệ trong khi vẫn phải gánh hàng loạt các chi phí đặc biệt chi phí "3 tại chỗ" ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp.

Bất chấp khó khăn chung của thị trường, nhiều doanh nghiệp vẫn "vượt bão" và ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ.

Quý vừa qua, nếu không tính tới nhóm ngân hàng, chứng khoán, thì ngành thép và phân bón tiếp tục là điểm sáng của thị trường. 

Hiện mới có một số doanh nghiệp thép công bố báo cáo tài chính quý III, trong đó CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (Mã: TLH) có lãi sau thuế gấp 8 lần con số cùng kỳ lên hơn 105 tỷ đồng. Nhờ vậy doanh nghiệp đã vượt 72% kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm sau 9 tháng.

Hai ông lớn trong ngành là Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) và Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) dù chưa công bố kết quả quý, nhưng vẫn được dự báo có lợi nhuận tăng trưởng ba chữ số, lần lượt tăng 131% và 110% so với cùng kỳ.

COVID-19 càng quét, nhiều doanh nghiệp vẫn báo lãi quý III tăng bằng lần - Ảnh 2.

Giá vật liệu xây dựng tăng cùng việc giãn cách xã hội ở nhiều tỉnh thành phía Nam và Hà Nội khiến nhiều dự án bị đình trệ tác động không nhỏ tới nhiều doanh nghiệp xây dựng. Tuy nhiên, hai doanh nghiệp xây dựng đầu tiên công bố báo cáo tài chính lại ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng thậm chí đột biến so với cùng kỳ.

Công ty chuyên về mảng xây dựng của Tập đoàn Sunshine là CTCP Xây dựng SCG (Mã: SCG báo lãi sau thuế quý III gấp đôi cùng kỳ, đạt 22 tỷ đồng.

Doanh thu thuần của Xây dựng SCG tăng 132% so với cùng kỳ năm ngoái lên 559 tỷ. Trong quý, bên cạnh doanh thu từ hợp đồng xây dựng, công ty này còn có thêm doanh thu thiết kế gần 95 tỷ đồng.

Tương tự, CTCP Tracodi (Mã: TCD), công ty thành viên thuộc Bamboo Capital chuyên về mảng xây dựng cũng có kết quả lợi nhuận đột biến với 87 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng gấp 3,3 lần cùng kỳ.

Trong ngành dệt may, da dày, theo đại diện Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS), là hai ngành thâm dụng lao động nhất trong các ngành.

Giãn cách xã hội, tâm lý lo sợ nhiễm bệnh cùng đời sống khó khăn, khiến hàng triệu lao động ở các tỉnh phía Nam... đã lũ lượt về quê. Thiếu nhân công, kèm các chi phí phát sinh gây áp lực lên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.

Trong khi bức tranh ngành có nhiều mảng tối thì vẫn tồn tại các điểm sáng song hành. Quý III, Sợi Thế Kỷ (Mã: STK) dự kiến sẽ đạt doanh thu thuần 408 tỷ đồng, tăng 25%. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 60 tỷ đồng, tăng 199%. 

Doanh nghiệp cho biết, mặc dù sản lượng tiêu thụ bị ảnh hưởng tại thị trường nội địa do gián đoạn sản xuất và logistics do ảnh hưởng của làn sóng COVID-19, tuy nhiên giá bán bình quân của sợi vẫn tăng 5% so với quý trước do công ty ưu tiên năng lực sản xuất sợi chất lượng cao hơn.

Còn với CTCP Damsan (Mã: ADS), doanh nghiệp ngành may có trụ sở chính tại Thái Bình - địa phương ít chịu giãn cách xã hội của COVID-19 nên lợi nhuận vẫn tăng 90% so với cùng kỳ.

Với ngành cao su, bức tranh kinh doanh trong trong quý của các doanh nghiệp dần hé lộ với những điểm sáng nhờ "vàng trắng" tăng giá.

Trong đó, CTCP Cao su Tân Biên (Mã: RTB) và CTCP Cao su Bà Rịa (Mã: BRR) cùng báo lợi nhuận tăng lần lượt tăng gấp hơn hai lần so với cùng kỳ.

Lợi nhuận nhóm phân bón tiếp tục bùng nổ

Tính tới tháng 9, giá tất cả các loại phân bón đều đã tăng rất mạnh kể từ đáy hồi tháng 5/2020. Trong đó, giá phân DAP tăng 125%, giá phân Urea tăng 121%, giá phân lân tăng 130%.

Theo đó, nhiều doanh nghiệp phân bón trong họ Vinachem (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) ghi nhận tăng trưởng từ hai tới ba chữ số như Phân bón Bình Điền (Mã: BFC) tăng 41,5%, CTCP Phân bón Miền Nam (Mã: SFG) tăng 318,8%. 

Ngoài ra CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Mã: LAS) và CTCP DAP - Vinachem (Mã: DDV) cũng có mức tăng trưởng lợi nhuận tương ứng là 186% và 226%.

Bộ phận Phân tích Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) nhận định xu hướng tăng giá kéo dài của giá phân bón từ giữa năm 2020 đến nay là yếu tố chính giúp các doanh nghiệp phân bón có được kết quả kinh doanh khả quan trong thời gian qua.

Theo nhóm phân tích, nguyên nhân khiến giá phân bón tăng cao đến từ sự tăng giá của nguyên vật liệu đầu vào như than, khí tự nhiên, lưu huỳnh... và sự sụt giảm của nguồn cung trên thế giới dẫn đến không kịp đáp ứng nhu cầu phục hồi quá nhanh để tái thiết nền kinh tế.

Bên cạnh đó, mới đây Trung Quốc đã có những chính sách hạn chế xuất khẩu phân bón nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa, trong bối cảnh Trung Quốc chiếm khoảng 40 - 50% lượng phân bón nhập khẩu vào Việt Nam, điều này đã làm cho giá phân bón cả quốc tế lẫn trong nước tăng cao.

Những yếu tố này tiếp tục là cơ sở để Agriseco Research đưa ra dự báo rằng giá phân bón có thể sẽ chững lại đà tăng nóng nhưng tiếp tục duy trì ở mức cao trong phần còn lại của năm 2021 và 2022.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp họ Vinachem khác cũng ghi nhận bứt phá quý III như lợi nhuận Hóa chất Việt Trì (Mã: HVT) tăng 105,9%, Cao su Đà Nẵng (Mã: DRC) tăng 31,5%.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nhieu-doanh-nghiep-bao-lai-quy-iii-tang-bang-lan-bat-chap-lan-song-dich-covid-19-lan-thu-tu-20211014120433744.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/