Mỹ đang tự đẩy ngành bán dẫn vào khủng hoảng bằng đạo luật CHIPS và các lệnh cấm vận

Do bản chất chu kỳ và quyết định của chính phủ Mỹ, ngành công nghiệp bán dẫn của nước này đang rơi vào khủng hoảng khi thừa nguồn cung, mất đi khách hàng lớn và chịu sự cạnh tranh từ các đối tác.

Tổng thống Biden tham dự lễ động thổ nhà máy chip Intel ngày 9/9 tại bang Ohio, Mỹ. (Ảnh: Joshua Roberts/Reuters).

Nền móng cho giấc mơ Mỹ

Theo Economist, Intel đang xây dựng hai nhà máy “đúc” chip tại bang Ohio, Mỹ với chi phí ước tính 20 tỷ USD.

Vào tháng 3/2022, Tổng thống Joe Biden đã gọi mảnh đất nơi nhà máy tương lai của Intel được xây dựng là “cánh đồng của những giấc mơ” trong Thông điệp Liên bang của mình. Ông nhấn mạnh: “trên mảnh đất này, tương lai của nước Mỹ sẽ được xây lên”.

Vào mùa xuân năm 2022, việc đặt kỳ vọng vào ngành công nghiệp chip bán dẫn của Mỹ là điều dễ hiểu. Cuộc khủng hoảng thiếu hụt chip do đại dịch COVID đã chứng minh tầm quan trọng của các linh kiện bán dẫn tới cuộc sống hiện đại.

Nhu cầu cho tất cả các loại thiết bị bán dẫn đều đã từng tăng mạnh. Các nhà đầu tư cũng tự tin vào chip hơn những cổ phiếu công nghệ khác đang lao dốc cùng thị trường chung.

Đạo luật CHIPS đã được Quốc hội Mỹ thông qua, đảm bảo khoản trợ cấp trị giá 52 tỷ USD cho ngành công nghiệp chip bán dẫn nội địa. Đạo luật này nhằm giúp Mỹ ít phụ thuộc hơn vào các “xưởng đúc” ở nước ngoài và hỗ trợ những dự án như nhà máy của Intel ở Ohio.

Nửa năm sau, giấc mơ Mỹ lại đang biến thành cơn ác mộng. Nhu cầu về linh kiện bán dẫn có vẻ đang sụt giảm nhanh như tốc độ tăng trưởng trong thời đại dịch COVID. Vào cuối tháng 9/2022, Micron, một nhà sản xuất chip nhớ tại Idaho đã báo cáo về mức sụt giảm đơn hàng theo quý lên tới 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một tuần sau, một doanh nghiệp thiết kế chip tại California là AMD cũng đã hạ triển vọng bán hàng cho quý III xuống 16%. Chỉ vài ngày sau, Bloomberg cho biết Intel đang có kế hoạch sa thải hàng nghìn nhân viên sau một loạt báo cáo kết quả kinh doanh sa sút. Các tin xấu từ Intel nhiều khả năng sẽ tiếp tục khi công ty này đưa ra báo cáo quý III vào ngày 27/10.

Kể từ tháng 7, 30 doanh nghiệp chip hàng đầu của Mỹ đã hạ triển vọng doanh thu quý III từ 99 tỷ USD xuống còn 88 tỷ USD. Từ đầu năm tới nay, hơn 1.500 tỷ USD đã bị xóa sổ khỏi vốn hóa của các doanh nghiệp bán dẫn niêm yết tại Mỹ.

Từ đầu năm 2022, 1.500 tỷ USD đã bị bốc hơi khỏi vốn hóa của các doanh nghiệp bán dẫn niêm yết tại Mỹ. Chỉ số PHLX theo dõi vốn hóa của các doanh nghiệp bán dẫn trên sàn chứng khoán Mỹ. 

Tăng cung, chặn cầu

Ngành công nghiệp chip có tính chu kỳ: năng lực sản xuất được mở rộng để đáp ứng nhu cầu tăng cao sẽ cần tới vài năm để đi vào hoạt động, đến lúc đó, nhu cầu đã không còn nóng nữa.

Tại Mỹ, chu kỳ này đang được chính phủ đẩy nhanh. Đạo luật CHIPS được thông qua vào tháng 8 đã kích thích phía cung của ngành công nghiệp bán dẫn. 

Cùng lúc, chính quyền Tổng thống Biden tăng cường nỗ lực để ngăn không cho chip và công cụ sản xuất chip của Washington tới được Trung Quốc, làm giảm nhu cầu với sản phẩm từ Mỹ tại thị trường bán dẫn lớn nhất thế giới. Sự kết hợp giữa cung nhiều hơn và cầu ít đi đang gây rắc rối cho ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ.

Và nếu chính sách của Mỹ khiến Bắc Kinh tăng cường nỗ lực để “kiên quyết giành chiến thắng về những công nghệ cốt lõi quan trọng” như lời Chủ tịch Tập Cận Bình trong bài phát biểu hôm 16/10, thì nhiều đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ trong ngành bán dẫn có thể xuất hiện tại Trung Quốc.

Pha giảm của chu kỳ được cảm thấy rõ rệt nhất ở hàng tiêu dùng, máy tính và điện thoại, chiếm gần một nửa trong 600 tỷ USD chip bán dẫn bán ra mỗi năm. Người mua đang lo ngại về lạm phát và mua ít sản phẩm công nghệ hơn.

Công ty nghiên cứu Gartner dự báo doanh số điện thoại thông minh sẽ giảm 6%, còn máy tính là 10% trong năm nay. Hồi tháng 2, Intel từng nói với các nhà đầu tư rằng nhu cầu máy tính cá nhân được kỳ vọng sẽ tăng đều trong 5 năm tới. Hiện công ty này đã phải xem xét lại triển vọng. 

Cổ phiếu ba hãng Intel, AMD và Nvidia đã tụt xuống dưới mức đầu tháng 1/2021.

Nhiều nhà phân tích cho rằng những lĩnh vực khác cũng sẽ sụt giảm. Tâm lý mua tích trữ trong cuộc khủng hoảng thiếu chip bán dẫn vào năm ngoái đã khiến nhiều doanh nghiệp ô tô và nhà sản xuất máy móc thừa linh kiện bán dẫn trong kho.

New Street Research ước tính vào giữa tháng 4 và 6, nguồn dự trữ chip bán dẫn so với doanh số của các công ty công nghiệp đã cao hơn 40% so với mức đỉnh. 

Tương tự như vậy, hàng tồn kho của các nhà sản xuất máy tính và xe hơi cũng đã đầy. Intel và Micron đổ lỗi cho kết quả yếu kém gần đây một phần là do hàng tồn kho cao.

Nguồn cung dư thừa và nhu cầu tăng vọt đang ảnh hưởng đến giá cả. Theo công ty nghiên cứu Future Horizons, giá thành của chip nhớ đã giảm 40% trong năm qua. Giá chip logic, có chức năng xử lý dữ liệu và ít được bán rộng rãi hơn chip nhớ, đã giảm 3%.

Đến một lúc nào đó, người mua cũng sẽ dùng hết hàng tồn kho. Nhưng sau khi dùng hết, người mua có thể sẽ không quay lại nhiều như trước kia. Vào tháng 8, Hewlett Packard (HP) và Dell, hai nhà sản xuất phần cứng lớn, đã ám chỉ rằng nhu cầu từ khách hàng doanh nghiệp đang giảm bớt.

Doanh số máy tính bảng và điện thoại thông minh đã bắt đầu đi ngang như trước đại dịch và xu hướng này có thể tiếp tục trong những năm tới. Các nhà sản xuất điện thoại thông minh không thể nhồi thêm quá nhiều chip nhớ vào điện thoại của mình.

Thiệt hại từ lệnh cấm xuất khẩu

Phản ứng của các nhà sản xuất chip là đặt cược vào những thị trường phát triển nhanh. AMD, Intel và Nvidia đang tranh giành miếng bánh điện toán đám mây, trong khi Qualcomm đa dạng hóa sang ngành sản xuất ô tô.

Vào tháng 9, Qualcomm cho biết đã có được đơn hàng trị giá 30 tỷ USD từ các hãng ô tô. Trong khi đó, Intel đang mở rộng sang lĩnh vực bán dẫn cho thiết bị mạng và các thiết bị “internet vạn vật” (IOT). Intel cũng đang quay lại lĩnh vực “đúc chip”, với mong muốn giành được thị  phần từ gã khổng lồ TSMC.

Những nỗ lực này lại đang vướng vào tranh chấp địa chính trị. Giống như Trung Quốc hay châu Âu, Mỹ muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào các nhà sản xuất chip nước ngoài, đặc biệt là TSMC của Đài Loan, doanh nghiệp chiếm 90% thị phần chip cao cấp toàn cầu (tiến trình 7-5 nm).

Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và đảo Đài Loan cũng đáp trả bằng những kế hoạch trợ cấp ngành sản xuất trong nước, với tổng ngân sách lên tới 85 tỷ USD trong 3 năm tới. Những khoản đầu tư này sẽ đồng nghĩa với nguồn cung tăng lên.

Đồng thời, triển vọng nhu cầu chip bán dẫn đang tối dần, nhất là đối với các công ty Mỹ do Washington thắt chặt kiểm soát xuất khẩu sang Trung Quốc.

Nhiều công ty Mỹ coi gã khổng lồ châu Á là thị trường lớn nhất. Năm ngoái, Trung Quốc đã nhập khẩu 400 tỷ USD linh kiện bán dẫn. Intel kiếm được 21 tỷ USD từ thị trường Trung Quốc, trong tổng số 79 tỷ USD tổng doanh thu.

Trung Quốc đã trở thành thị trường quan trọng nhất của Intel trong vài năm qua.

Nvidia cho biết trong một lệnh hạn chế trước đó nhằm vào những chip sử dụng trong trung tâm dữ liệu cho khách hàng ở Trung Quốc và Nga sẽ khiến doanh số trong quý III của hãng giảm 400 triệu USD, tương đương 6% tổng doanh thu.

Những hạn chế mới nhất nhắm vào siêu máy tính và trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc đặc biệt khiến các doanh nghiệp chế tạo công cụ sản xuất chip quan tâm.

Ba trong số 5 công ty lớn nhất thế giới Applied Materials, KLA và Lam Research là của Mỹ. Thị phần của bộ ba này tại Trung Quốc đã tăng nhanh trong vài năm qua, lên khoảng 1/3 tổng doanh số.

Ông Toshiya Hari của Goldman Sachs, nói rằng các biện pháp kiểm soát có khả năng khiến các nhà sản xuất công cụ thiệt hại 6 tỷ USD, hoặc 9% doanh thu dự kiến trong năm 2022.

Sau khi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới của Mỹ được công bố, Applied Materials đã giảm 4% doanh thu kỳ vọng trong quý IV, xuống còn 6,4 tỷ USD. Giá cổ phiếu của doanh nghiệp này đã đi xuống 13% trong hai tuần. Cổ phiếu của KLA và Lam Research đã mất tới 1/5.

 

Các nhà sản xuất chip của Mỹ hiện lo sợ rằng Trung Quốc có thể trả đũa, hạn chế hơn nữa khả năng tiếp cận thị trường rộng lớn này.

Bắc Kinh cũng tăng cường nỗ lực để nuôi dưỡng các doanh nghiệp trong nước như SMIC (chip logic) và YMTC (chip nhớ) cũng như những công ty chế tạo công cụ sản xuất.

Một ngày nào đó Trung Quốc có thể thách thức vị thế của Mỹ. Kết quả là ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ bị suy giảm, với ít ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu hơn và thừa năng lực sản xuất. Tương lai của nước Mỹ đang được xây dựng trên một nền tảng lung lay.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/my-dang-tu-day-nganh-ban-dan-vao-khung-hoang-bang-dao-luat-chips-va-cac-lenh-cam-van-20221018113536708.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/