Mối nguy biểu tình và đại dịch bủa vây Quốc hội Mỹ trước ngày kiểm phiếu bầu tổng thống

Vừa quay trở về Washington sau kỳ nghỉ năm mới, các nhà lập pháp Mỹ đã phải vật lộn với hiểm nguy chưa từng thấy: nguy cơ bùng phát bạo lực dữ dội từ các cuộc biểu tình ủng hộ ông Trump và đại dịch chết người COVID-19.

Mối nguy biểu tình và đại dịch bủa vây Quốc hội Mỹ trước ngày chứng nhận bầu cử tổng thống - Ảnh 1.

Các thành viên của Hạ viện rời đi sau phiên họp đầu tiên của Quốc hội Mỹ khóa 117 vào ngày 3/1. (Ảnh: Tasos Katopodis/AP).

Washington chuẩn bị điều động Vệ binh Quốc gia để đối phó biểu tình

Quốc hội Mỹ và các quan chức Washington đang chuẩn bị đối phó với các cuộc đụng độ trên đường phố vào ngày 6/1, ngày mà các nhà lập pháp họp để xác nhận người chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống. 

Tổng thống Trump đã khuyến khích những người hâm mộ nhiệt thành nhất tham gia vào cuộc biểu tình "điên cuồng" với hy vọng Quốc hội sẽ khuất phục trước sức ép và giữ ông ở lại Nhà Trắng.

Theo Politico, một số người ủng hộ Trump thậm chí còn ví 6/1 với Cách mạng Mỹ và kêu gọi nhau mang súng.

Viễn cảnh về bạo lực càng trở nên rõ nét khi một số thành viên Đảng Dân chủ, đặc biệt là những người da màu ngày càng nhận được nhiều đe dọa trong suốt các cuộc biểu tình năm 2020.

Hạ nghị sĩ Karen Bass bày tỏ lo lắng: "Tôi không định có mặt ở bất cứ con đường nào ở Washintong vào ngày 6/1. Tôi rất lo ngại về bạo lực. Tôi nói điều này vì tôi là người Mỹ gốc Phi… chứ không phải với tư cách nhà lập pháp".

Ông Trump đã tuyên bố sẽ tham gia biểu tình cùng với các nhóm cực hữu. Vài đồng minh trung thành nhất của ông cũng sẽ phát biểu tại cuộc vận động "ngăn cuộc bầu cử bị đánh cắp khỏi Trump" hôm 6/1.

Sự kết hợp đáng sợ giữa COVID-19 và những lời đe dọa lật đổ cuộc bầu cử của ông Trump đã khiến cho Điện Capitol bị bao trùm bởi bầu không khí căng thẳng nghẹt thở. Những năm trước, cuộc họp Quốc hội đầu năm là dịp đáng mừng để chào đón thành viên mới. Giờ đây các nhà lập pháp chỉ hy vọng tránh được thảm họa.

Hạ nghị sĩ Dean Phillips cho biết: "Tất cả chúng tôi gần như đều chỉ tập trung vào việc sống sót qua ngày 6/1 và 20/1".

Ông Phillips nói thêm rằng một số nghị sĩ Đảng Cộng hòa cũng rất mong chờ ngày 20/1 trôi qua thật nhanh để thoát khỏi "những đe dọa và áp lực" hòng buộc họ ủng hộ ông Trump.

Nỗi lo của các nghị sĩ hoàn toàn không bị thổi phồng. Hôm 4/1, bộ phận an ninh của Hạ viện kêu gọi các nhà lập pháp di chuyển bằng mạng lưới đường hầm dưới lòng đất thay vì đường phố công cộng.

Thành viên của Quốc hội cũng được khuyến nghị đến Điện Capitol vào 9 giờ sáng, sớm hơn 4 tiếng trước cuộc họp 1 giờ chiều "và ở lại khuôn viên suốt cả ngày" để tránh các cuộc biểu tình. 

Thị trưởng Washington Muriel Bowser cảnh báo người dân tránh khu vực trung tâm vào ngày 5 và 6/1, đồng thời nhắc nhở về luật kiểm soát súng nghiêm ngặt. Một số nhà lập pháp cũng đang cân nhắc không về nhà riêng trong khoảng thời gian này. Thậm chí Washington đã phải chuẩn bị sẵn sàng Lực lượng Vệ binh Quốc gia để giúp đối phó với các cuộc biểu tình.

Cuối tuần qua, Hạ nghị sĩ Louie Gohmert còn đổ thêm dầu vào lửa khi nói với đài Newsmax rằng nếu đơn kiện nhằm lật lại kết quả bầu cử của ông bị bác bỏ "thì đồng nghĩa với việc tòa án phán rằng bạn cần phải xuống đường và bạo lực như các cuộc biểu tình Black Lives Matter".

Trong khi đó, các nhà lập pháp đang trở lại Điện Capitol để bắt đầu làm nhiệm vụ của khóa Quốc hội thứ 117 trong lúc hiểm nguy đại dịch rình rập khắp nước Mỹ.

Cuộc họp Quốc hội biến thành sự kiện siêu lây nhiễm?

Buổi tuyên thệ nhậm chức của Quốc hội Mỹ ngày 3/1 trở nên lộn xộn khi hàng trăm nghị sĩ tràn vào phòng họp chung và hoàn toàn phớt lờ các cảnh báo về sức khỏe.

Trong lúc hàng nghìn người Mỹ chết vì COVID-19 mỗi ngày, sự lo lắng đang tăng lên trong Hạ viện khi một số ít thành viên từ chối đeo khẩu trang trong phòng họp. Gần một tuần trước, Hạ nghị sĩ đắc cử của Đảng Cộng hòa Luke Letlow đã qua đời vì COVID-19.

"Việc một số người không đeo khẩu trang rất rủi ro và nguy hiểm, tôi mong lãnh đạo Hạ viện nhanh chóng giải quyết việc này. Tôi thực sự tức điên lên trước tình trạng hiện nay", Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ Anthony Brown nói.

Một số thành viên Quốc hội cũng giận dữ khi các nhà lập pháp có khả năng mắc COVID-19 cũng được tham dự lễ nhậm chức, miễn là kết quả xét nghiệm gần đây của họ âm tính. Một ngày sau, Hạ nghị sĩ Kay Granger thông báo bà dương tính với COVID-19.

Các nhà lập pháp sẽ một lần nữa phải đối mặt với mối đe dọa về một sự kiện siêu lây nhiễm trong buổi họp chung của Quốc hội ngày 6/1.

Hàng trăm nghị sĩ có thể sẽ phải ngồi cùng phòng với nhau trong suốt nhiều giờ nếu Đảng Cộng hòa phản đối chiến thắng của ông Biden tại một loạt bang chiến địa.

Buổi họp 6/1 sẽ là màn biểu diễn công khai hiếm hoi về sự rạn nứt ngày càng lớn của Đảng Cộng hòa đối với các thách thức kết quả bầu cử của ông Trump. Nỗ lực lật kèo của ông Trump cùng cuộc gọi ép Tổng Thư ký bang Georgia "tìm" thêm hơn chục nghìn phiếu bầu đã khiến bất đồng nội bộ của Đảng Cộng hòa dâng cao.

Hạ nghị sĩ Thomas Massie là một trong những thành viên Đảng Cộng hòa hiếm hoi công khai chống lại nỗ lực phản bác kết quả bầu cử của tổng thống. Ông đang phải đối mặt với áp lực vô cùng lớn sau khi thông báo lập trường của mình.

Ông Massie cho biết rất nhiều người trong khu phố của ông có kế hoạch đến Washington để biểu tình vào ngày 6/1. Ông mỉa mai: "Có lẽ không đến các cuộc biểu tình sẽ tốt cho tôi hơn".

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/moi-nguy-bieu-tinh-va-dai-dich-bua-vay-quoc-hoi-my-truoc-ngay-kiem-phieu-bau-tong-thong-20210105162535445.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/