Loạt cổ phiếu ngân hàng bị bán tháo, Credit Suisse rớt 60% sau thông tin UBS thâu tóm

Thông tin về thương vụ UBS mua lại Credit Suisse cuối ngày 19/3 đã không đủ sức trấn an tâm lý nhà đầu tư trong phiên đầu tuần 20/3. Hàng loạt chỉ số chứng khoán tại châu Á, bao gồm Việt Nam, đóng cửa trong sắc đỏ.

Cổ phiếu của nhiều ngân hàng Việt Nam sa sút trong phiên 20/3. (Ảnh tư liệu: Đức Quyền).

Kết phiên giao dịch 20/3, chỉ số Hang Seng của thị trường chứng khoán Hong Kong rớt 2,65%, chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc đại lục giảm 0,48%. Các chỉ số Nikkei của Nhật Bản và Kospi của Hàn Quốc mất lần lượt 1,42% và 0,69%.

Tại Việt Nam, chỉ số VN-Index và HNX-Index giảm tương ứng 2,11% và 1,39%. Toàn bộ 27 mã cổ phiếu ngành ngân hàng không có thành viên nào tăng giá, chỉ có 4 mã đi ngang và 23 mã sa sút. Cổ phiếu TPB của TPBank giảm mạnh nhất khi mất 5,3%. Hôm nay 20/3 cũng là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức tiền mặt 2.500 đồng/cp của TPB.

Cổ phiếu VCB của Vietcombank giảm mạnh thứ hai toàn ngành khi mất 4,2% trong ngày giao dịch không hưởng quyền tham dự đại hội cổ đông thường niên 2023. EIB của Eximbank sụt 4,1%, HDB của HDBank, CTG của VietinBank và STB của Sacombank cùng giảm trên 3%.

Ở thị trường nước ngoài, cổ phiếu UBS – ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ - có lúc giảm khoảng 10% trong buổi sáng 20/3 (theo giờ địa phương) sau khi công bố thương vụ mua lại Credit Suisse với giá 3 tỷ CHF (tương đương 3,24 tỷ USD). Cổ phiếu của Credit Suisse – ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sỹ - lao dốc tới 61%.

Chỉ số cổ phiếu ngân hàng của châu Âu giảm gần 2%, các tên tuổi khác như Deutsche Bank, Barclays và ING cùng mất trên 4%.

Ông Colm Kelleher, Chủ tịch Hội đồng quản trị UBS (bên phải) và ông Axel Lehmann, Chủ tịch Credit Suisse cùng tham dự buổi họp báo tối 19/3/2023 tại thành phố Bern, Thụy Sỹ, để công bố thương vụ sáp nhập giữa hai ngân hàng. (Ảnh: Reuters).

Cổ đông UBS và Credit Suisse đều không hào hứng

Chủ tịch UBS Colm Kelleher đánh giá thương vụ thâu tóm vừa được công bố là “hấp dẫn với cổ đông UBS và là một cuộc giải cứu khẩn cấp với cổ đông Credit Suisse”. Phản ứng tức thời sau khi thông tin được công bố cho thấy cổ đông của cả hai nhà băng đều không cảm thấy lạc quan.

Mức giá 3 tỷ CHF mà UBS đưa ra thấp hơn 60% so với vốn hóa của Credit Suisse tại phiên giao dịch cuối tuần trước, đồng thời chỉ bằng một phần rất nhỏ so với giá trị vốn chủ sở hữu 45 tỷ CHF trên bảng cân đối kế toán cuối năm 2022. Cổ đông Credit Suisse không hào hứng với thương vụ này có thể vì cho rằng mức giá quá rẻ.

Chính phủ Thụy Sỹ sẽ chi tối đa 9 tỷ CHF để bù lỗ cho UBS, ngân hàng trung ương nước này sẽ cho UBS vay tối đa 100 tỷ CHF (tức 108 tỷ USD) để hỗ trợ hoàn tất thương vụ mua lại. Ngoài ra, Thụy Sỹ cũng tạo một ngoại lệ trong luật chống độc quyền để cho phép UBS giữ lại mảng kinh doanh của Credit Suisse ở trong nước.

Một ngoại lệ khác được tạo ra để UBS và Credit Suisse có thể thống nhất thương vụ mà không cần đợi 6 tuần để xin ý kiến cổ đông như quy định thông thường của luật.

Theo Bloomberg, nhiều nhà phân tích cho rằng chỉ riêng mảng hoạt động tại Thụy Sỹ của Credit Suisse đã có trị giá gấp ba lần mức 3 tỷ CHF mà UBS trả cho cả tập đoàn vì mảng này tạo ra lợi nhuận lớn.

Tháng 2 vừa qua, nhà phân tích Kian Abouhossein của ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JPMorgan Chase định giá mảng quản lý tài sản của Credit Suisse ở khoảng 1,4 tỷ CHF (tức 1,5 tỷ USD), và mảng quản lý của cải khoảng 10 tỷ CHF (gần 11 tỷ USD).

Ngược lại, mảng ngân hàng đầu tư của Credit Suisse lại thua lỗ nặng nề, ngân hàng này cũng thường xuyên vướng vào các vụ bê bối và phải trả hàng chục tỷ USD tiền phạt trong 10 năm qua. Nếu UBS thâu tóm Credit Suisse, UBS sẽ phải đứng ra chịu trách nhiệm cho các hành vi của Credit Suisse trong quá khứ. Vì vậy, không ít cổ đông UBS tỏ ra thận trọng với giao dịch này.

Từ 2008 đến 2022, UBS Group có ba năm thua lỗ, Credit Suisse báo lỗ 6 năm.

Thương vụ UBS thâu tóm Credit Suisse được đàm phán một cách rất gấp rút trong hai ngày cuối tuần và sau đó vội vàng công bố vào tối 19/3 (theo giờ Thụy Sỹ) trước khi thị trường châu Á mở cửa nhằm tránh việc nhà đầu tư hoảng loạn bán tháo.

Các cơ quan quản lý của Thụy Sỹ đã tham gia trực tiếp vào quá trình đàm phán từ đầu đến cuối. Tổng thống Thụy Sỹ, Bộ trưởng Tài chính, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương và Chủ tịch Cơ quan Quản lý Thị trường Tài chính (Finma) đều tham gia buổi họp báo công bố thỏa thuận giữa hai ngân hàng lớn nhất đất nước, cùng với lãnh đạo của UBS và Credit Suisse.

Các bên hiện mới chỉ thống nhất sơ bộ một số điều khoản, quá trình sáp nhập dự kiến cần đến cuối năm 2023 để hoàn tất.

(Ảnh: UBS; Minh họa: Song Ngọc).

Tổng Giám đốc UBS Ralph Hamers cảnh báo cán bộ nhân viên của mình không được nói chuyện công việc với người của Credit Suisse: “Hãy nhớ rằng, trước khi thương vụ này hoàn tất, Credit Suisse vẫn là đối thủ cạnh tranh của UBS”.

Trong thông báo gửi tới nhân viên tối 19/3, CEO Ralph Hamers còn viết: “Chúng ta không được thảo luận vấn đề công việc với nhân viên của họ hoặc thực hiện bất cứ hành động nào có thể được coi là tiến đến hợp nhất kinh doanh”. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/loat-co-phieu-ngan-hang-bi-ban-thao-credit-suisse-rot-60-sau-thong-tin-ubs-thau-tom-2023320174131343.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/