Không để đại dịch tấn công đàn heo ở TP HCM

Đến thời điểm này, TP HCM chưa phát hiện đàn heo mắc bệnh dịch tả heo châu Phi.

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn về triển khai những biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dịch tả heo châu Phi trên địa bàn sáng nay (14/5), Lãnh đạo TP HCM bày tỏ quyết tâm không để đại dịch nguy hiểm này tấn công đàn heo hiện có của thành phố.

Không để đại dịch tấn công đàn heo ở TP HCM - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng TP HCM giám sát dịch tả heo châu Phi tại một chợ đầu mối ở TP HCM. Ảnh: SGGP.

Đến thời điểm này, TP HCM chưa phát hiện đàn heo mắc bệnh dịch tả heo châu Phi. Tuy tổng đàn heo nuôi không lớn nhưng lại là nơi sử dụng thịt heo với khối lượng rất cao. Trong đó, với 11 cơ sở giết mổ heo, bình quân hàng đêm mổ tới 6.500 - 7.000 con và còn tiếp nhận khoảng 2.300 - 2.500 con heo giết mổ từ các tỉnh khác đến như: Long An, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai.....nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh là rất lớn.

Khi có thông tin tỉnh Đồng NaiBình Phước xảy ra bệnh Dịch tả heo Châu Phi, TP HCM đã chỉ đạo các ngành chức năng thành lập 3 chốt kiểm dịch tạm thời tại 3 khu vực là cửa ngõ ra, vào thành phố để kiểm soát, ngặn chặn khi có dấu hiệu dịch bệnh.

Đồng thời không cấp giấy kiểm dịch đối với sản phẩm thịt heo từ các cơ sở giết mổ thuộc vùng dịch và tăng cường kiểm tra đối với các cơ sở giết mổ tại các xã thuộc vùng uy hiếp, giám sát xuất xứ, nguồn gốc thịt heo về thành phố tiêu thụ.

Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP HCM cho biết: "Để theo dõi, giám sát nguồn heo đưa về TP HCM, chúng tôi thống nhất giám sát chặt chẽ nguồn heo về TP HCM phải xuất phát từ vùng không có dịch. Trên giấy chứng nhận kiểm dịch phải thể hiện nguồn gốc, bao gồm: Tên chủ hộ - nguồn gốc 3 cấp: xã, huyện, tỉnh. Thống nhất tuyến đường đưa heo về thành phố chỉ đi qua 2 tuyến là Quốc lộ 1A và 1K, qua đó trình kiểm dịch tại các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông".

Bên cạnh việc chỉ đạo tăng tần suất hoạt động 24/24 giờ của Đoàn kiểm tra liên ngành để giám sát nguồn heo và sản phẩm thịt heo vào thành phố, UBND TP HCM đã yêu cầu Sở Công thương làm việc với các doanh nghiệp về khả năng cung ứng, dự trữ nguồn thịt heo đảm bảo cân đối cung cầu cho thị trường; với hơn 106 tấn thịt /ngày.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM cho biết: "Về công tác dự trữ cấp đông, hiện nay, công ty Vissan là đơn vị cung ứng thịt heo chủ lực của TP đã đăng ký việc cấp đông thịt heo. Như vậy, có thể trong vòng 45 ngày sẽ cấp đông khoảng 3.600 tấn để đưa ra thị trường trong thời điểm có dịch. Trong quá trình có biến động lớn thì cũng sẽ chuẩn bị nguồn hàng nhập khẩu tăng cường thêm".

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, TP HCM tuy chăn nuôi không nhiều, nhưng khi xảy ra dịch bệnh ở các tỉnh lân cận, UBND TP đã chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh khá bài bản.

Ông Dương nói: "Số lượng làm về nông nghiệp và chăn nuôi của TP HCM không lớn, nhưng đây là địa phương tiêu thụ thịt heo nhiều nhất của cả nước, vì vậy, thành phố có rất nhiều kinh nghiệm trong phòng chống đối với việc chăn nuôi, đặc biệt là trong vấn đề giết mổ gia súc, gia cầm và lưu thông. Do đó, những kinh nghiệm của TP HCM đúc kết để chúng ta có thể làm tốt được công tác phòng, chống dịch tả heo Châu Phi ở các tỉnh phía Nam".

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM cho biết, đường lây lan bệnh dịch tả heo Châu Phi hết sức phức tạp, bằng nhiều hình thức. Khi bệnh dịch tả heo Châu Phi phát hiện tại Việt Nam, TP HCM đã đưa ra 3 phương án phòng, chống và cũng tập trung tuyên truyền nhiều chỉ đạo của Trung ương đến người dân, người chăn nuôi. Thành phố sẽ tiếp tục quán triệt để phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi hết sức quyết liệt, không chủ quan lơ là gây nguy hiểm đến đàn heo của thành phố.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/khong-de-dai-dich-tan-cong-dan-heo-o-tp-hcm-20190514212319934.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/