Khổ vì chiến tranh thương mại, 'ông lớn' ngành sản xuất thiết bị điện tử Pegatron tính đường giảm phụ thuộc vào Apple

Bị ảnh hưởng bởi doanh số iPhone sụt giảm và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Pegatron (nhà sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn thứ hai thế giới) đang tìm cách đa dạng hóa hạng mục kinh doanh chính của hãng thay vì phụ thuộc quá nhiều vào Apple như hiện nay.

1

Chủ tịch Tung Tzu-hsien mô phòng kính AR trước báo giới vào hồi tháng 5. (Ảnh: Nikkei Asian Review)

Từ sản xuất linh kiện theo hợp đồng, các hãng công nghệ Đài Loan dần chuyển mình

Để thể hiện khả năng đổi mới của riêng mình, hãng công nghệ Đài Loan Pegatron vào tháng 5 đã tiết lộ một loạt sản phẩm, gồm kính thực tế tăng cường (AR), robot, máy tính để bàn có thể chịu được cú rơi từ độ cao khoảng 180 cm và máy tính xách tay màn hình kép có thể tháo rời bàn phím.

Theo Nikkei Asian Review, Chủ tịch Tung Tzu-hsien đã mô phỏng kính AR (được gọi là AiR) cho báo giới, theo đó cho biết đây là sản phẩm kính AR nhẹ nhất thế giới với chỉ 136 gram. Kính AR hiển thị một lớp thông tin kĩ thuật số lên trên chế độ xem thông thường. Pegatron cho biết kính AR có rất nhiều công dụng, chẳng hạn như dùng cho hoạt động y tế và làm việc tại nhà máy.

Nhiều nhà sản xuất hợp đồng Đài Loan khởi đầu là các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) hoặc nhà sản xuất thiết kế gốc (ODM) trước khi phát triển thành hình thức hiện tại. OEM thường sản xuất phụ tùng theo thông số kĩ thuật của các hãng nổi tiếng, trong khi ODM có thể thiết kế phụ tùng.

Ngày nay, các nhà sản xuất hợp đồng của Đài Loan có thể xử lí toàn bộ qui trình, từ khái niệm hóa và thiết kế đến mua sắm linh kiện và sản xuất. "Họ có thể tạo ra những sản phẩm hoàn toàn mới, khách hàng chỉ cần dán logo vào và gọi đó là thành phẩm của riêng họ", giám đốc tại một nhà sản xuất hợp đồng lớn tại Đài Loan cho hay.

Pegatron được thành lập năm 2007 sau khi Asustek Computer (thường được gọi là Asus) tách bộ phận sản xuất của công ty này. Mặc dù là công ty lớn cuối cùng tham gia vào lĩnh vực sản xuất hợp đồng ở Đài Loan, Pegatron phát triển nhanh chóng nhờ khả năng thiết kế tuyệt vời và bí quyết công nghệ vượt trội.

1

Doanh số và lợi nhuận ròng của Pegatron. Nguồn: Nikkei/Pegatron.

Apple đã yêu cầu Pegatron giúp đỡ trong việc sản xuất điện thoại thông minh để giảm bớt sự phụ thuộc vào Foxconn. Kết quả là, Pegatron đã trở thành nhà sản xuất hợp đồng lớn thứ hai của Apple.

Khi iPhone 6s được tung ra thị trường vào năm 2015, doanh số của Pegatron đã tăng 19% so với một năm trước lên 1,2 nghìn tỉ Đài tệ (39 tỉ USD), trong khi lợi nhuận ròng tăng 60% so với cùng năm trước lên mức cao ngất ngưởng 23,8 tỉ Đài tệ.

Tuy nhiên, kể từ đó, kết quả của Pegatron dần dần kém sắc, do doanh số iPhone sụt giảm và chi phí lao động ở Trung Quốc (cơ sở sản xuất chính của công ty) tăng lên. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng khiến hoạt động tại đại lục của Pegatron phức tạp hơn, khiến hãng buộc phải di dời khâu sản xuất.

Các nhà sản xuất hợp đồng của Đài Loan chủ yếu phụ thuộc vào hoạt động chế tạo máy tính để bàn ở Trung Quốc. Tuy nhiên, họ đang khám phá những cơ hội khác trên sân nhà của mình, trong đó có Quanta Computer và Compal Electronics lần lượt sản xuất máy chủ và thiết bị đeo tay.

Bị ràng buộc với iPhone và chiến tranh thương mại, Pegatron đang tính đường lui

Trong khi đó, tương tự Foxconn, Pegatron vẫn bị ràng buộc với iPhone. Lợi nhuận ròng của hãng này đã giảm 24% so với một năm trước.

Mặc dù Pegatron đang phát triển loạt sản phẩm mới, điều này có thể vẫn chưa đủ. Theo nhân viên tại một hãng sản xuất hợp đồng Đài Loan khác, "Các sản phẩm mang lại lợi ích cho toàn ngành công nghiệp, như máy tính để bàn và điện thoại thông minh, có thể sẽ không đem về lợi nhuận trong tương lai gần".

Do đó, Pegatron phải dựa vào một số công ty con như Casetek Holdings (chuyên sản xuất vỏ điện thoại thông minh và thiết bị điện tử) để chống đỡ. Pegatron nhiều khả năng sẽ hỗ trợ khâu phát triển sản phẩm mới bằng cách tăng cường kinh doanh linh kiện điện tử, vốn mang lại nhiều lợi nhuận hơn so với sản xuất theo hợp đồng.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng đang đè nặng lên nhà sản xuất hợp đồng lớn thứ hai thế giới bởi đa phần cơ sở sản xuất đều tập trung tại đại lục.

Khi thuế nhập khẩu bắt đầu gây áp lực, Pegatron, cùng nhiều công ty có trụ sở tại Trung Quốc khác, phải di chuyển hoạt động sản xuất sang Đông Nam Á và Đài Loan.

Phát biểu tại buổi giới thiệu sản phẩm hồi tháng 5, Chủ tịch Tung đề cập rằng công ty đang phải đối mặt với những thay đổi bất ngờ.

Kể từ khi căng thẳng thương mại leo thang vào năm ngoái, Pegatron đã chuẩn bị cho việc sản xuất các thiết bị viễn thông như bộ định tuyến ở Ấn Độ và Indonesia.

Gần đây nhất, tin tức rộ lên rằng hãng đang lên kế hoạch đầu tư 14,9 tỉ Đài tệ vào các cơ sở sản xuất mới bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, bao gồm việc xây dựng dây chuyền sản xuất ở phía bắc Đài Loan.

Việt Nam nằm trong những điểm đến tiềm năng của hãng sản xuất hợp đồng lớn thứ hai thế giới

Ông Tung từng đề cập trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei vào năm 2018 rằng ngoài giá lao động và đất đai rẻ, một thị trường địa phương có tiềm năng tăng trưởng mạnh cũng là yếu tố quan trọng khi cân nhắc chuyển khâu sản xuất.

Pegatron đang xem xét các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam bởi ba nước này đều phù hợp với tiêu chí trên.

Tuy nhiên, các sản phẩm thuộc diện cân nhắc vẫn còn giới hạn ở thiết bị viễn thông. Những mặt hàng tiêu dùng như điện thoại thông minh đòi hỏi chuỗi cung ứng phức tạp hơn, khiến việc chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc gặp khó khăn.

Do qui mô lớn của Pegatron, một khi hãng thực sự dịch chuyển hoạt động sản xuất sang các thị trường mới, nhà cung cấp phụ tùng trên khắp thế giới chắc chắn sẽ cảm thấy sự thay đổi.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/kho-vi-chien-tranh-thuong-mai-ong-lon-nganh-san-xuat-thiet-bi-dien-tu-pegatron-tinh-duong-giam-phu-thuoc-vao-apple-20190624232752954.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/