HoREA kiến nghị giải cứu doanh nghiệp địa ốc lao đao vì dịch covid-19

Trong khi nhiều chủ đầu tư đang gặp khó khăn vì chưa được tiếp tục triển khai dự án thì thị trường bất động sản lại phải đối mặt với những ảnh hưởng tiêu cực từ dịch covid-19.

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và UBND TP HCM báo cáo tổng hợp các đề xuất của hiệp hội nhằm tháo gỡ các vướng mắc, hỗ trợ thị trường bất động sản (BĐS) phục hồi và phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu nhà ở của các tầng lớp nhân dân.

HoREA kiến nghị giải cứu doanh nghiệp địa ốc lao đao vì dịch covid-19 - Ảnh 1.

"Ảm đạm" là diễn biến chung của nhiều ngành kinh tế hiện nay, trong đó có bất động sản. (Ảnh: Dân trí)

Theo HoREA, TP Hồ Chí Minh có 158 dự án có liên quan đất công, thuộc diện rà soát do cơ sở pháp lí. Trong đó, thành phố đã cho phép 124 dự án được vận hành trở lại bình thường kể từ tháng 3/2019. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều dự án vẫn chưa thực sự được hoạt động bình thường. 

"Việc rà soát về pháp lí các dự án là rất cần thiết, để các chủ đầu tư chấn chỉnh lại hoạt động đầu tư, kinh doanh và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, không để thất thoát nguồn thu ngân sách Nhà nước. Nhưng quá trình rà soát, thanh tra cũng đã tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ đầu tư, người mua nhà, nhà đầu tư thứ cấp và cả môi trường kinh doanh", HoREA nhận định.

Do đó, Hiệp hội BĐS đề nghị UBND TP HCM phối hợp với các cơ quan trung ương sớm có kết luận đối với các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra, để các chủ đầu tư chấp hành, trước hết là thực hiện các nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước (nếu có).

HoREA cũng đề nghị cho phép chủ đầu tư được tiếp tục triển khai thực hiện dự án để giảm bớt khó khăn, giúp bổ sung nguồn cung sản phẩm cho thị trường BĐS, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp nhân dân.

Ngoài ra, thị trường BĐS cũng đang phải đối mặt với một khó khăn nữa đó là chịu ảnh hưởng từ dịch virus corona (covid-19). 

Theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM Lê Hoàng Châu, dịch Covid-19 đang tác động rất lớn đến nền kinh tế quốc tế và trong nước, làm tăng thêm khó khăn cho thị trường BĐS mà trước hết là BĐS nghỉ dưỡng.

Vì vậy, Hiệp hội đề nghị UBND TP đề xuất Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trước tác động của dịch bệnh về việc cho phép khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất vay, cơ cấu các khoản vay, giãn tiến độ nộp thuế... để giúp một số doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh đúng pháp luật nhưng đang gặp khó khăn.

Ngoài ra, để thị trường phục hồi và tăng trưởng theo hướng minh bạch, bền vững, HoREA cũng đưa ra 11 đề xuất nhằm tháo gỡ vướng mắc về qui trình thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của UBND TP HCM. 

Cụ thể, HoREA đề xuất qui trình hành chính đối với các dự án nhà ở thương mại có quĩ đất hỗn hợp do doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, có xen kẹt một số thửa đất do Nhà nước quản lí và phương án xử lí các phần đất này; các dự án thuộc diện rà soát, tạm dừng hoặc thu hồi; xử lí vướng mắc của DNNN cổ phần hóa; các vấn đề liên quan đến dự án nhà ở xã hội...

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tổng số giao dịch nhà đất thành công trong cả nước năm 2019 là 83.136 giao dịch, giảm 26,1% so với năm 2018. Trong đó, BĐS du lịch nghỉ dưỡng chỉ có 6.280 giao dịch, cũng giảm 20% so với năm 2018.

Còn theo HoREA, thời gian qua, hầu hết các doanh nghiệp BĐS đều bị sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận, thậm chí một số doanh nghiệp bị thua lỗ hoặc đứng trước nguy cơ phá sản. Trong đó, hàng trăm dự án đang ách tắc thủ tục.

Mới đây, Tập đoàn Novaland đã có đơn cầu cứu khẩn cấp đến Bộ Xây dựng xin cứu xét cho Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 được tiếp tục phát triển Dự án Khu dân cư 30.224 ha thuộc phường Bình Khánh, quận 2 đã dừng triển khai từ hai năm nay.

Novaland cho biết, dự án này hiện đã đủ điều kiện bán hàng và tập đoàn đã rót vào dự án hơn 6.000 tỉ đồng. Hiện doanh nghiệp đã kiệt sức và đang bị mất tính thanh khoản.

Novaland cũng dẫn ra những hệ lụy xấu nếu cổ phiếu NVL của Novaland mất tính thanh khoản như gây nợ xấu gần 5.000 tỉ đồng cho hệ thống ngân hàng, gần 250.000 khách hàng biểu tình đòi trả nhà,…

Đáng nói, Novaland chỉ một trong số không ít các doanh nghiệp địa ốc đang phải "vật lộn" với những khó khăn do không thể tiếp tục triển khai dự án.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/horea-kien-nghi-giai-cuu-doanh-nghiep-dia-oc-lao-dao-vi-dich-covid-19-20200214164933237.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/