Hiệp định EVFTA và Ngành Logistics Việt Nam

Hiệp định EVFTA mở ra các cơ hội kinh doanh và bảo hộ có ý nghĩa cho các nhà cung cấp dịch vụ và đầu tư EU trong lĩnh vực logistics vào thị trường đầy tiềm năng của Việt Nam.

Hiệp định EVFTA và Ngành Logistics Việt Nam - Ảnh 1.

Hiệp định EVFTA và Ngành Logistics Việt Nam. (Nguồn: tapchicongthuong.vn)

Hiệp định EVFTA và Ngành Logistics Việt Nam

Ngày 30/6/2019, Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và EU đã được kí kết.

Sáng 21/1/2020 (giờ Bỉ, buổi chiều theo giờ Việt Nam), INTA họp tại Brussels, Bỉ để bỏ phiếu khuyến nghị phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA).

Kết quả, INTA đã thông qua EVFTA với tỉ lệ phiếu 29/6/5 (29 phiếu thuận, 6 phiếu chống và 5 phiếu trắng).

EVFTA là Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và có qui mô lớn nhất mà Việt Nam từng đàm phán kí kết cho tới thời điểm hiện tại, EVFTA và EVIPA được kì vọng sẽ tạo ra những cơ hội phát triển đặc biệt có ý nghĩa cho nhiều ngành và cả nền kinh tế Việt Nam. 

Logistics là ngành dịch vụ mà Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển nhưng hiện trạng năng lực cạnh tranh trong nước còn tương đối hạn chế. 

Ngành này lâu nay vẫn được bảo hộ khá chặt chẽ thông qua các điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo cam kết mở cửa rất dè dặt trong WTO và các Hiệp định thương mại tự do liên quan. 

Trong hai Hiệp định EVFTA và EVIPA, các cam kết mở cửa thị trường logistics tập trung ở Hiệp định EVFTA, với mức mở cửa rộng hơn đáng kể ở một số phân ngành logistics của Việt Nam cho EU so với mức mở cửa trong WTO. 

Vì vậy, Hiệp định này được dự báo sẽ có tác động đáng kể đến tương lai của ngành logistics Việt Nam, theo cả hướng tích cực và tiêu cực. 

Từ góc độ mở cửa thị trường, EVFTA mở ra các cơ hội kinh doanh và bảo hộ có ý nghĩa cho các nhà cung cấp dịch vụ và đầu tư EU trong lĩnh vực logistics vào thị trường đầy tiềm năng của Việt Nam. 

Từ góc độ ngược lại, hai Hiệp định này cũng đặt các doanh nghiệp logistics Việt Nam trước một tương lai cạnh tranh gay gắt và phức tạp hơn từ các đối thủ EU vốn rất mạnh trong lĩnh vực này. 

Đây là thách thức trực diện nhưng đồng thời cũng có thể là sức ép hợp lí để ngành và doanh nghiệp logistics Việt Nam cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Từ góc độ hiệu quả, tăng cường cạnh tranh trên thị trường nhóm dịch vụ phục vụ sản xuất quan trọng như logistics lại hứa hẹn tạo cơ hội để các ngành sản xuất chế biến chế tạo của Việt Nam. Đặc biệt là trong các khu vực sản xuất xuất khẩu, có thể tiếp cận các dịch vụ logistics với chất lượng tốt hơn, chi phí hợp lí hơn, từ đó có thể giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh về giá cho các hàng hóa Việt Nam, nhất là hàng hóa xuất khẩu.

Các cơ hội từ EVFTA cho ngành logistics Việt Nam  

Ngành logistics đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để phát triển nhờ vào các cam kết EVFTA, trong đó có cả các cơ hội về nguồn cung cầu cho dịch vụ này Cũng như các điều kiện để dịch vụ này có thể thực hiện hiệu quả.

Cơ hội gia tăng qui mô thị trường, xuất phát từ nguồn cầu lớn đối với hoạt động logistics

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đi EU sẽ tăng khoảng 20% vào năm 2020, khoảng 42,7% vào năm 2025 và khoảng 44,37% vào năm 2030. 

Theo chiều ngược lại, mặc dù chưa có tính toán chi tiết, dự kiến tăng trưởng nhập khẩu từ EU vào Việt Nam sau EVFTA cũng sẽ gia tăng nhanh chóng, khi nhiều sản phẩm EU có thế mạnh sẽ được Việt Nam loại bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực (61% dòng thuế đối với máy móc thiết bị, 71% dòng thuế dược phẩm, 70% dòng thuế hóa chất,...). 

Hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai bên càng nhộn nhịp thì thị trường đối với dịch vụ logistics càng mở rộng, đặc biệt là dịch vụ logistics quốc tế.

Cơ hội tăng hiệu quả kinh doanh từ cải cách thủ tục hành chính 

Các cam kết về thể chế và hàng rào phi thuế quan trong EVFTA sẽ tạo ra sức ép lớn buộc Chính phủ Việt Nam phải cải cách trong nhiều lĩnh vực liên quan tới hoạt động logistics, đặc biệt là hải quan, kiểm tra chuyên ngành. 

Việc thực hiện các cam kết này sẽ giúp cải thiện đáng kể trong thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa - yếu tố có tác động trực tiếp tới hiệu quả của nhiều hoạt động logistics, kể cả vận tải và hỗ trợ vận tải.

Cơ hội giảm chi phí kinh doanh, giảm tình trạng thuê ngoài 

Các cam kết loại bỏ thuế quan của Việt Nam cho các phương tiện vận tải, các loại máy móc, thiết bị, công nghệ phục vụ hoạt động logistics từ EU là cơ hội để doanh nghiệp logistics có thể mua các sản phẩm phục vụ sản xuất với giá hợp lí. Trong khi đó, EU lại là nguồn cung chất lượng cao cho những sản phẩm này.

Vì vậy, EVFTA dự kiến sẽ giúp doanh nghiệp logistics tiết kiệm chi phí sản xuất, cải thiện năng lực Công nghệ, tăng cường năng lực tự thực hiện, giảm các dịch vụ thuê ngoài.

Cơ hội thu hút đầu tư từ EU

Tận dụng kinh nghiệm, kĩ năng quản trị nguồn vốn, mạng lưới sẵn có của đối tác khi liên doanh với đối tác EU.

Cơ hội tiếp cận thị trường dịch vụ logistics các nước thành viên EU 

Cơ hội tiếp cận thị trường dịch vụ logistics các nước thành viên EU, khi EU mở cửa nhiều dịch vụ nhóm logistics cho nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam.

Các thách thức từ EVFTA đối với ngành logistics Việt Nam

Cạnh tranh với các đối thủ từ EU có thể sẽ gay gắt hơn 

EU vốn rất mạnh về logistics, với các công ty đa quốc gia, các đội tàu lớn hiện đại, chiếm thị phần đáng kể trên thị trường logistics thế giới. 

Trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực logistics (LPI) năm 2018 của Ngân hàng Thế giới, Đức đứng ở vị trí đầu tiên, các nước EU chiếm 4 trong top 5 vị trí đầu bảng (Đức, Hà Lan, Thụy Điển, Bỉ ), chiếm 14 trong top 20 vị trí đầu bảng. 

Hiện nhiều các doanh nghiệp logistics mạnh của EU đã có hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, dù mức mở cửa của Việt Nam trong logistics theo WTO còn rất hạn chế. Sau EVFTA, với các cam kết mở cửa mạnh hơn, cạnh tranh từ các doanh nghiệp này với doanh nghiệp Việt Nam sẽ còn lớn hơn nữa. 

Tuy nhiên, cạnh tranh được dự báo sẽ chỉ gia tăng chủ yếu trong các lĩnh vực dịch vụ logistics mới mở cửa thêm, còn với các lĩnh vực đã mở theo WTO, cạnh tranh có thể gia tăng, tuy nhiên không đáng kể.

Khả năng tiếp cận thị trường logistics của EU hạn chế 

Về mặt lí thuyết, EU cũng mở cửa thị trường dịch vụ logistics cho các doanh nghiệp Việt Nam. Mặc dù vậy, trên thực tế, khả năng tiếp cận thị trường EU của doanh nghiệp logistics không lớn. 

Điều này không chỉ xuất phát từ việc thị trường EU đã có sẵn các đối thủ rất mạnh, khách hàng EU có đòi hỏi cao về chất lượng dịch vụ. 

Bản thân EU cũng có nhiều càng buộc pháp lí gián tiếp (Về nhập cảnh của khách kinh doanh, về các điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics,...)

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/hiep-dinh-evfta-va-nganh-logistics-viet-nam-2020012422383147.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/