'FLC sẵn sàng xây mới sân bay nếu được phép, mời Vietnam Airlines và Vietjet dùng chung’

Tại buổi Tọa đàm Xây dựng môi trường cạnh tranh của ngành hàng không chiều 16/5, một trong những vấn đề được quan tâm thảo luận là làm thế nào để tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng đang kìm hãm sự phát triển của toàn thị trường. Lãnh đạo Tập đoàn FLC và Bamboo Airways cho biết sẵn sàng đầu tư xây mới một cảng hàng không nếu được cấp phép để giảm tình trạng quá tải.

Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ giành phần ai?

Ông Phạm Ngọc Minh – Chủ tịch HĐQT Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết: Trong đầu tư hạ tầng thì làm nhà ga rất đơn giản, nhiều doanh nghiệp muốn làm. Còn để làm đường băng, đường lăn thì chính Nhà nước còn đang vướng về chính sách. 

FLC sẵn sàng xây mới sân bay nếu được phép, mời Vietnam Airlines và Vietjet dùng chung’ - Ảnh 1.

Ông Phạm Ngọc Minh - Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines.

"Nếu giao cho chúng tôi (Vietnam Airlines) làm sân bay mới như Long Thành thì chúng tôi nhận ngay nhưng nếu chỉ giao chúng tôi nâng cấp đường băng, đường lăn, sân đỗ để kết hợp với nhà ga T3 Tân Sơn Nhất thì quả thực rất khó khăn. Các khách mời ngồi đây hãy cùng bàn bạc để tìm cách vượt qua rào cản này: Giao ai làm công trình nâng cấp đường băng, đường lăn trong bài toán tổng thể?", ông Minh chia sẻ tại buổi Tọa đàm. 

Ông Lại Xuân Thanh – Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) cũng cho rằng: Khi xã hội hóa đầu tư hạ tầng hàng không, cần tránh tình trạng phần việc nào dễ sinh lời thì kêu gọi vốn tư nhân, còn phần việc nào khó "nhằn" mới kêu gọi doanh nghiệp Nhà nước tham gia, gây nên sự bất bình đẳng, đẩy doanh nghiệp Nhà nước vào thế khó.

FLC sẵn sàng xây mới sân bay nếu được phép, mời Vietnam Airlines và Vietjet dùng chung’ - Ảnh 2.

Ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch HĐQT ACV phát biểu tại Tọa đàm.

Ông nói thêm: "Không phải tư nhân xây sân bay nhanh hơn hay tốt hơn ACV, bởi chúng tôi có kinh nghiệm, có năng lực và không bao giờ chậm giải ngân. Tư nhân làm sân bay Vân Đồn mất 27 tháng. Nhà ga Cam Ranh công suất 4 triệu hành khách thi công trong 21 tháng. Giao chúng tôi xây nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất với công suất 20 triệu khách, theo kế hoạch sẽ chỉ mất 24 tháng", ông Thanh nhấn mạnh.

"Ở đây tôi muốn nói phải có sự bình đẳng của doanh nghiệp nhà nước so với doanh nghiệp tư nhân. Mảng dịch vụ tốt nhất thì không giao cho ACV. Ví dụ, tại một cảng hàng không thì kinh doanh tốt nhất là nhà ga, trong nhà ga thì nhà ga hành khách tốt nhất và trong nhà ga hành khách thì nhà ga hành khách quốc tế tốt nhất nhưng chúng tôi không được giao những hạng mục này mà chỉ được giao đường băng, đường lăn, sân đỗ …"

"Xã hội hoá là một chủ trương lớn và chúng tôi tán thành nhưng tôi cho rằng phải bình đẳng chứ không phải làm teo tóp doanh nghiệp Nhà nước đi" - ông Thanh chia sẻ.

FLC cũng xung phong làm sân bay

Ông Đặng Tất Thắng – Phó Chủ tịch Thường trực hãng hàng không Bamboo Airways, đồng thời là Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC khẳng định: Nếu được phép tham gia đầu tư và có mặt bằng sạch, FLC và Bamboo Airways sẵn sàng giúp giải quyết điểm nghẽn hạ tầng hàng không thông qua việc đầu tư xây mới nhà ga, đường băng, đường lăn. Chúng tôi có thể đầu tư toàn bộ hết hạ tầng sân bay, giống như SunGroup làm tại Sân bay Vân Đồn.

FLC sẵn sàng xây mới sân bay nếu được phép, mời Vietnam Airlines và Vietjet dùng chung’ - Ảnh 3.

Ông Đặng Tất Thắng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, Phó Chủ tịch Thường trực hãng hàng không Bamboo Airways.

Việc một hãng hàng không đầu tư riêng một đường băng đã có tiền lệ quốc tế. Cụ thể, theo ông Thắng, hãng hàng không Virgin Airlines từng bỏ tiền xây dựng một đường băng riêng cho mình. Hay hãng hàng không giá rẻ Southwest Airlines cũng xây dựng một cảng hàng không hoàn toàn mới tại Texas (Mỹ), biến bang Texas trở thành một trong những trạm trung chuyển lớn nhất của Southwest Airlines hiện nay.

Ông Thắng nhận mạnh: "Nếu Hà Nội hay TP HCM giao đất cho FLC và Bamboo Airways, chúng tôi cam kết hoàn thành một cảng hàng không mới trong 2 năm, ngoài phục vụ Bamboo Airways chúng tôi cũng mời Vietnam Airlines và Vietjet bay đến. Vấn đề ở đây chỉ là thể chế".

Ông Đặng Tất Thắng

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, Phó Chủ tịch Bamboo Airways

  • Nếu được giao mặt bằng, FLC cam kết hoàn thành một cảng hàng không mới trong 2 năm, ngoài phục vụ Bamboo Airways chúng tôi cũng mời Vietnam Airlines và Vietjet bay đến.

Đây không phải là lần đầu tiên Tập đoàn FLC nêu ra đề xuất được giao đầu tư hạ tầng hàng không. Ngày 21/2 năm nay, FLC đã có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải và Văn phòng Chính phủ đề nghị được nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà ga T3 tại Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất.

Trong công văn của mình, Tập đoàn FLC cho biết hãng hàng không Bamboo Airways (do FLC sở hữu 100%) cất cánh bay thương mại từ ngày 16/1 và có kế hoạch nâng qui mô đội tàu bay từ 10 lên 40 chiếc trong năm nay, nhằm đáp ứng mục tiêu khai thác từ 37-40 đường bay trong nước và quốc tế.

Với đội tàu bay phát triển nhanh, Bamboo Airways đang có nhu cầu xây dựng một hãng hàng không tự chủ về nhà ga hành khách để quản lý, sử dụng và phục vụ hành khách một cách tốt nhất.

Do đó, "Tập đoàn FLC đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét chấp thuận chủ trương cho Tập đoàn FLC và hãng hàng không Bamboo Airways nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T3 tại Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất", công văn nêu rõ.

Cũng theo công văn này, nếu được chấp thuận chủ trương, Tập đoàn FLC sẽ tập trung toàn lực để thực hiện đầu tư xây dựng theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt, sớm đưa công trình vào khai thác sau 1 năm thi công.

Tuy vậy, tháng 4 vừa qua, cả Bộ Giao thông Vận tải và Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (đơn vị đại diện tỉ lệ 95,4% vốn Nhà nước tại ACV) đều thống nhất chọn ACV là đơn vị đầu tư xây dựng nhà ga T3 để bảo đảm nguyên tắc mỗi cảng hàng không chỉ có một người khai thác, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác hiệu quả, đồng bộ dây chuyền với các nhà ga T1, T2 hiện có. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/flc-san-sang-xay-moi-san-bay-neu-duoc-phep-moi-vietnam-airlines-va-vietjet-dung-chung-20190516231107781.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/