Fitch Ratings hạ triển vọng tín nhiệm của hai 'ông lớn' VietinBank, Vietcombank và ba ngân hàng ACB, MB, ANZ Việt Nam

Đối với ba ngân hàng gồm VietinBank, Vietcombank và ANZ Việt Nam, Fitch Ratings hạ triển vọng từ "tích cực" xuống "ổn định"; hai ngân hàng ACB và MB hạ triển vọng từ "ổn định" xuống "tiêu cực".

Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings vừa thực hiện điều chỉnh triển vọng về xếp hạng tín nhiệm của 5 ngân hàng tại Việt Nam. 

Cụ thể, triển vọng nhà phát hành nợ dài hạn (IDR) của ba ngân hàng gồm VietinBank, Vietcombank và ANZ Việt Nam hạ từ "tích cực" xuống "ổn định". Đồng thời, hạ triển vọng hai ngân hàng thương mại cổ phần khác là ACB và MB từ "ổn định" xuống "tiêu cực".

Mức xếp hạng Nhà phát hành nợ dài hạn bằng ngoại tệ (IDR) ở mức "BB-" cho VietinBank, Vietcombank và ANZ Việt Nam và mức B+ cho IDR của ACB, MB.

Việc hạ triển vọng xuất phát từ mức tăng trưởng thấp mặc dù tích cực khi Việt Nam phải đối mặt với đại dịch COVID-19 và khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trong thời gian tới.

IDR của cả 5 ngân hàng được xác định như trên vì Fitch mong đợi sự phục hồi kinh tế vững chắc vào năm 2021 dù những tác động xấu từ đại dịch sẽ vẫn còn kéo dài đối với các ngân hàng.

Fitch Ratings hạ triển vọng tín nhiệm của hai 'ông lớn' VietinBank, Vietcombank và ba ngân hàng ACB, MB, ANZ Việt Nam - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Theo báo cáo của Fitch, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 3,82% trong quí I/2020 mặc dù quí IV/2019 ở mức 7%. Fitch dự báo tăng trưởng cả năm sẽ ở mức 3,3%, đây sẽ là tốc độ chậm nhất kể từ năm đầu tiên cải cách đổi mới 1987.

Cú sốc kinh tế từ dịch bệnh sẽ khiến thất nghiệp gia tăng và có thể nhanh chóng trở thành một lượng lớn lao động phi chính thức. Chủ các doanh nghiệp siêu nhỏ cũng sẽ rơi vào tình trạng tài chính khó khăn tài chính.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tuyên bố cắt giảm lãi suất điều hành và chỉ đạo các ngân hàng thương mại hỗ trợ cho người vay bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đồng thời nới lỏng các qui định về phân loại và trích lập dự phòng. Theo đó, ngành ngân hàng trở thành một trung gian quan trọng trong việc cứu trợ tài chính và có thể sẽ chịu phần lớn gánh nặng chính sách.

Fitch cũng hạ điểm môi trường hoạt động của Việt Nam từ "BB-'" xuống "B +" nhưng vẫn giữ triển vọng "ổn định" khi cho rằng sự chậm lại của các hoạt động kinh tế chỉ trong ngắn hạn và sẽ có sự phục hồi đáng kể vào năm 2021 với dự báo tăng trưởng ở mức 7,3%.

Fitch cho rằng sự thiếu hụt động lực kinh tế mà các ngân hàng Việt phải đối mặt trong những năm gần đây sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng tài sản và thu nhập lãi. Bên cạnh đó, khẩu vị rủi ro, vốn hóa và điểm số quản trị sụt giảm có thể gây áp lực cho các ngân hàng trong việc thực hiện những khoản cho vay hỗ trợ.

Triển vọng chất lượng tài sản cũng bị hạ xuống "tiêu cực'"từ mức "ổn định" trước đó cho tất cả các ngân hàng Việt.Triển vọng tiêu cực này đã xem xét đến yếu tố tăng trưởng tín dụng nhanh chóng của các ngân hàng trong những năm gần đây, đặc biệt là cho vay tiêu dùng và cho vay không có tài sản bảo đảm.

Fitch nhận định lợi nhuận của các ngân hàng sẽ chịu áp lực đáng kể bởi nhu cầu tín dụng giảm và lãi suất cho vay thấp hơn sau khi NHNN hạ lãi suất, yêu cầu các ngân hàng chung tay hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong khi lãi suất tiền gửi lại không giảm nhanh và có độ trễ.

Tăng trưởng tín dụng chậm hơn và thu nhập từ phí thấp khiến các ngân hàng có thu nhập lõi thấp hơn để chi trả cho các chi phí tín dụng. Vì vậy, Fitch đã hạ triển vọng về lợi nhuận của các ngân hàng xuống mức "tiêu cực".

Bộ đệm vốn mỏng cũng là một yếu tố kém tích cực mà Fitch đã từng cảnh báo khi một số ngân hàng vẫn đang cố gắng đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của Basel II. Triển vọng về cơ cấu vốn của hầu hết các ngân hàng được Fitch xếp hạng ổn định với kì vọng các ngân hàng sẽ có đủ lợi nhuận để hỗ trợ tăng trưởng bảng cân đối kế toán.

Ngoại trừ VietinBank có triển vọng vốn hóa được Fitch đánh giá là "tiêu cực" khi chất lượng tài sản yếu hơn so với các ngân hàng nội khác.

Lợi nhuận giữ lại thấp hơn do căng thẳng tín dụng hoặc tăng trưởng tài sản có rủi ro cao hơn từ các khoản cho vay theo chính sách của Chính phủ cũng sẽ gây áp lực lên tỉ lệ vốn, khiến tổ chức này điều chỉnh giảm triển vọng cho các ngân hàng trong tương lai.

Đánh giá của Fitch liên quan về thanh khoản của các ngân hàng không có sự thay đổi trước tác động của COVID-19 khi dự báo tăng trưởng tín dụng chậm hơn và thanh khoản nhận được sự hỗ trợ lớn từ phía NHNN. Fitch cho rằng NHNN sẽ tiếp tục cung cấp thanh khoản cho hệ thống theo chỉ đạo của Chính phủ.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/fitch-ratings-ha-trien-vong-tin-nhiem-cua-hai-ong-lon-vietinbank-vietcombank-va-ba-ngan-hang-acb-mb-anz-viet-nam-20200417171721919.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/