Dường như Trung Quốc đang dẫn trước Mỹ trong cuộc đua phát triển vắc xin ngừa COVID-19

Ngày 12/4/1961, nhà du hành vũ trụ người Nga Yuri Gagarin đã trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ, đi trước Mỹ gần một tháng. Đối với lòng tự tôn của nước Mỹ, đây là một cú sốc. Nếu Trung Quốc trở thành nước đầu tiên sản xuất thành công vắc xin ngừa COVID-19, uy tín của Mỹ có thể bị giáng một đòn đau tương tự.

Tổng thống Donald Trump đang huy động mọi nguồn lực vào một nghiên cứu có tên Operation Warp Speed. Dự án tập hợp nhiều công ty dược, cơ quan chính phủ và quân đội Mỹ. Trung Quốc cũng đang chạy đua và có một khởi đầu thuận lợi ngay thời điểm hai nước đã đối chọi nhằm giành quyền thống trị ở hầu như tất cả mọi lĩnh vực, từ thương mại đến triển khai mạng 5G.

Thế giới có thể tìm ra vắc xin ngừa COVID-19 hay không là điều chưa chắc chắn. Chỉ trong vài tháng qua, đại dịch đã lây nhiễm hơn 4,4 triệu người và khiến hơn 300.000 người tử vong.

Mặc dù nhiều nhà lãnh đạo đang kêu gọi thế giới cùng hợp tác, lịch sử cho thấy lợi ích quốc gia sẽ chiếm ưu thế vì chính phủ đầu tiên sản xuất thành công vắc xin không chỉ có thể đạt lợi thế kinh tế mà còn củng cố sức mạnh công nghệ và ảnh hưởng quốc tế.

Nếu lần này Bắc Kinh đi trước Washington một bước, tác động của sự việc sẽ kịch tính không kém chuyến du hành vũ trụ của Yuri Gagarin gần 60 năm trước, Bloomberg nhận định.

Cuộc đua phát triển vắc xin ngừa COVID-19: Trung Quốc dường như đang dẫn trước Mỹ - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump tham quan Trung tâm Nghiên cứu Vắc xin thuộc Viện Y tế Quốc gia Mỹ hôm 3/3. Ảnh: AFP

Ông David Fidler - chuyên gia về an ninh mạng và y tế toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế (New York), nói: "Khi căng thẳng Mỹ - Trung leo thang, vấn đề địa chính trị có thể bóp méo mọi diễn biến mới. Nếu Bắc Kinh sản xuất thành công vắc xin trước, Mỹ sẽ lo lắng rằng Trung Quốc có thể vũ khí hóa vắc xin".

Cả Mỹ và Trung Quốc đều đã bớt đề cập về mối quan hệ cạnh tranh giữa hai nước, quan chức chính phủ Trung Quốc còn đặc biệt nhấn mạnh bản chất chung của mối đe dọa mà COVID-19 tạo ra.

Chưa loại vắc xin nào ra đời thành công đúng theo lịch trình đã định sẵn. Các nhà khoa học quen thuộc với quá trình nghiên cứu vắc xin COVID-19 nhận định, không có gì chắc chắn thế giới sẽ có một sản phẩm hoàn thiện, chứ chưa nói đến cuối năm nay. Khả năng thất bại là rất cao.

Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News gần đây, ông Trump nói Mỹ đang hợp tác với Anh và Australia trong các dự án nghiên cứu vắc xin ngừa COVID-19 và không quan trọng nước nào thành công trước.

"Tôi không thực sự quan tâm lắm", ông Trump nói. "Nếu nước khác chế thành công vắc xin, tôi sẽ ngả mũ trước họ. Chúng ta phải tạo ra một loại vắc xin hữu hiệu".

Tuần trước, Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Dân sinh Mỹ Alex Azar cho hay Mỹ hi vọng có thể bắt đầu tự sản xuất vắc xin, bất kể nước nào tạo ra đột phá khoa học này.

Tuy nhiên, trong vài tháng đầu, khi đại dịch mới bùng phát, thế giới đã chứng kiến một số dấu hiệu cho thấy sự cạnh tranh về mặt địa chính trị và các đồng minh thậm chí cũng có vẻ thiếu tin tưởng nhau.

Berlin đã cáo buộc Mỹ nẫng tay trên các lô thiết bị bảo hộ từ Trung Quốc đến Đức, song Washington phủ nhận. Trong khi đó, các nước châu Âu đang ban hành qui định mới để ngăn doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm các công ty dược phẩm trong nước.

Trung Quốc đã làm phật lòng các chính phủ phương Tây khi cung cấp viện trợ công khai cho một số nước được chọn và cho rằng thành công của Bắc Kinh trong việc kiểm soát đại dịch là bằng chứng cho thấy Trung Quốc sở hữu hệ thống chính trị ưu việt.

Theo Bloomberg, Mỹ đang thể hiện rằng họ rất nỗ lực để bảo vệ người dân Mỹ trước tiên. Ngày 12/5, Phó Tổng thống Mike Pence mô tả chương trình nghiên cứu vắc xin của Mỹ phục vụ mục đích "phát triển vắc xin cho người dân Mỹ".

Chính phủ liên bang đang đặt mục tiêu sản xuất 300 triệu liều, đủ tiêm ngừa cho gần như toàn nước Mỹ, vào tháng 1 năm sau.

Trung Quốc đang đi trước Mỹ một bước

Tiến trình nghiên cứu của Trung Quốc hiện đang vượt Mỹ. Tổng cộng 508 tình nguyện viên đã tham gia thử nghiệm giai đoạn hai của một loại vắc xin tiềm năng mà Viện Hàn lâm Khoa học Quân y Trung Quốc hợp tác cùng công ty CanSino Biologics phát triển. Hai bên sẽ công bố kết quả từ đợt thử nghiệm mới nhất trong tháng này.

Nga đang tiến hành ít nhất 4 dự án nghiên cứu vắc xin, bao gồm cả dự án tại Novosibirsk Vector - một phòng thí nghiệm từng phục vụ cho chương trình vũ khí sinh học của Liên Xô.

Ông Sergei Netesov - cựu giám đốc phòng thí nghiệm Novosibirsk Vector, nhấn mạnh Nga nghiên cứu vắc xin nhằm bảo vệ người dân trong nước để không phụ thuộc vào các đối thủ khác.

Các nước phương Tây khác cũng đang phát triển vắc xin. Anh khẳng định nếu dự án của Đại học Oxford thành công, người dân Anh sẽ được ưu tiên hàng đầu. Pháp và Đức cũng đi tiên phong theo hướng hợp tác chung. Ngày 4/5 hai nền kinh tế châu Âu đã cam kết chi 7,4 tỉ euro (tương đương 8 tỉ USD) tại một cuộc gây quĩ của nhóm G20.

Quĩ Bill & Melinda Gates Foundation thông báo họ sẽ xây dựng đủ cơ sở vật chất để sản xuất 7 loại vắc xin ngay cả khi quá trình nghiên cứu vẫn đang diễn ra. Đây là một nỗ lực chưa từng có tiền lệ nhằm đảm bảo vắc xin sẽ được phân bổ rộng rãi và nhanh chóng một khi các nhà khoa học điều chế thành công.

"Đại dịch COVID-19 là một thách thức toàn cầu và chúng ta chỉ có thể vượt qua khủng hoảng nếu hợp tác cùng nhau", Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu tại cuộc họp G20.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/duong-nhu-trung-quoc-dang-dan-truoc-my-trong-cuoc-dua-phat-trien-vac-xin-ngua-covid-19-20200517161444303.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/