Doanh số ở nước ngoài của Uniqlo giảm mạnh nhất trong một thập kỉ

Tình hình chính trị tại châu Á đang hãm đà tăng trưởng của Fast Retailing nên mảng kinh doanh quốc tế của thương hiệu thời trang Uniqlo vừa trải qua đợt sụt giảm doanh số theo quí tệ nhất trong thập kỉ qua.

Fast Retailing, tập đoàn bán lẻ lớn nhất châu Á, từ lâu đã phụ thuộc vào việc mở rộng ở thị trường nước ngoài để tạo đà tăng trưởng trong bối cảnh thị trường Nhật Bản suy yếu.

Hiện tại, chiến lược của tập đoàn bán lẻ đang gặp trở ngại bởi phong trào biểu tình ở Hong Kong cũng như tranh chấp thương mại Nhật  - Hàn.

Chủ sở hữu thương hiệu Uniqlo: Doanh số bán hàng ở nước ngoài sụt giảm mạnh nhất trong một thập kỉ - Ảnh 1.

Hoạt động biểu tình kéo dài khiến tình hình kinh doanh của Uniqlo ở Hong Kong èo uột. Ảnh: Bloomberg

Hôm 9/1, Fast Retailing cho biết doanh số bán hàng quí I/2020 của thương hiệu thời trang nhanh Uniqlo ở thị trường quốc tế đã giảm 3,6% so với cùng kì năm trước, với nguyên nhân là doanh số sụt giảm đáng kể ở hai điểm nóng Hàn Quốc và Hong Kong.

Ngoại trừ mức giảm rất nhỏ (0,2%) trong năm 2017, kết quả vừa qua là mức giảm doanh số theo quí lớn nhất mà Uniqlo từng chứng kiến ở thị trường nước ngoài trong 10 năm qua, theo dữ liệu của Bloomberg.

Lợi nhuận hoạt động cho mảng kinh doanh quốc tế của Uniqlo cũng giảm 28%, tức mức giảm theo quí nghiêm trọng nhất kể từ năm 2016.

Uniqlo: Doanh số bán hàng ở nước ngoài sụt giảm mạnh nhất trong một thập kỉ - Ảnh 2.

Đồ họa: Bloomberg/Fast Retailing

Ngoài ra, Fast Retailing cũng gặp tình cảnh tương tự ở thị trường quê nhà. Do đó, chủ sở hữu thương hiệu Uniqlo đã hạ triển vọng lợi nhuận hoạt động cả năm xuống 11%. Động thái của Fast Retailing chỉ ra tình trạng bất ổn ở châu Á cũng như sự mất giá của đồng nhân dân tệ.

Phong trào biểu tình kéo dài ở Hong Kong đã đẩy nền kinh tế của đặc khu hành chính vào suy thoái và khiến doanh số bán lẻ giảm 24% trong tháng 11. Tình trạng bất ổn gây ảnh hưởng đến nhiều thương hiệu quốc tế như Levi Strauss, Tiffany &Co.

Uniqlo bị tẩy chay ở Hàn Quốc vì tranh chấp Nhật - Hàn

Mặc dù vấn đề Hong Kong có tác động lớn đến các nhà bán lẻ, thiệt hại mà Uniqlo gánh chịu từ tranh chấp thương mại Nhật - Hàn lại đặc biệt hơn. Fast Retailing là một trong những mục tiêu tẩy chay hàng đầu của người dân Hàn Quốc kể từ tháng 7 năm ngoái.

"Hoạt động kinh doanh ở Hàn Quốc tiếp tục suy yếu và ảnh hưởng ngày càng lớn lên doanh số bán hàng", Giám đốc Tài chính Takeshi Okazaki của gã khổng lồ ngành bán lẻ Nhật Bản chia sẻ.

"Hàn Quốc là một thị trường rất quan trọng với chúng tôi. Không rõ tình hình hiện tại sẽ kéo dài đến bao lâu", ông nói thêm.

Hàn Quốc là nước sở hữu số lượng cửa hàng Uniqlo ở thị trường quốc tế nhiều thứ hai chỉ sau Trung Quốc.

Các thị trường khác đều đang ổn định. Trung Quốc đại lục, động lực tăng trưởng chính của Fast Retailing trong quá khứ, cùng Đông Nam Á đều kinh doanh tốt.

Chủ tịch Tadashi Yanai đã tập trung mở rộng hệ thống cửa hàng Uniqlo ở nước ngoài vì dân số già hóa của Nhật Bản không tạo nhiều cơ hội để tăng trưởng nhanh. Năm ngoái, thương hiệu Uniqlo đã xuất hiện ở một số thị trường mới như Ấn Độ, Việt Nam và Italy.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/doanh-so-o-nuoc-ngoai-cua-uniqlo-giam-manh-nhat-trong-mot-thap-ki-2020010922275804.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/