Doanh nhân Trung Quốc ngại thành công, sợ đi vào vết xe đổ của Jack Ma

Cú ngã ngựa đột ngột của Jack Ma khiến doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc ớn lạnh. Tấm gương của Jack Ma cho thấy thành công quá lớn có thể kéo theo rủi ro khôn lường.

Sức ép Trung Quốc giáng vào Jack Ma khiến doanh nhân Trung Quốc e sợ thành công - Ảnh 1.

Tỷ phú Jack Ma. (Ảnh: Financial Times).

Jack Ma là một trong những doanh nhân thành công nhất Trung Quốc. Nhưng sau khi ông công khai chỉ trích giới lãnh đạo, cuộc IPO trị giá 35 tỷ USD của Ant Group buộc phải tạm ngưng. Tiếp đến, Bắc Kinh còn mở cuộc điều tra chống độc quyền với Alibaba. Jack Ma phải "ở ẩn" kể từ tháng 10 năm ngoái và tài sản của ông lao dốc.

Một nhà sáng lập startup ở tỉnh Chiết Giang - quê hương của Jack Ma - nói rằng ông không còn khao khát thành công lớn như Alibaba nữa vì sợ sẽ kéo theo sự chú ý từ chính phủ.  Người khác nói rằng ông đã ngừng phát biểu trước công chúng và dự định mở rộng hoạt động kinh doanh robot của mình ở nước ngoài.

Theo Bloomberg, một nhà đầu tư mạo hiểm đã hỗ trợ hàng chục startup cho biết câu chuyện của Jack Ma sẽ khiến các doanh nhân bớt bạo dạn đi, đặc biệt là những người cạnh tranh với các công ty nhà nước.

Các doanh nhân trên đều yêu cầu được giấu tên vì đây là một chủ đề nhạy cảm về mặt chính trị.

Bà Rebecca Fannin, nhà sáng lập nhóm nghiên cứu Silicon Dragon Ventures cho biết "Sự cố Jack Ma có thể là bước ngoặt" đối với lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc.

Phỏng vấn của Bloomberg với hàng chục nhà sáng lập và nhà đầu tư Trung Quốc cho thấy mối lo ngại rộng rãi về sự thiếu minh bạch và các hành động mạnh tay của chính phủ. Một số người tỏ ý sẽ giảm bớt tham vọng và nghĩ lại về việc tham gia các ngành có tầm quan trọng chiến lược.

Đối với Chủ tịch Tập Cận Bình, rủi ro của tình trạng trên là sự sợ hãi của lớp doanh nhân sẽ cản trở chiến dịch giảm sự phụ thuộc vào công nghệ Mỹ mà ông phát động.

Mô hình đổi mới từ trên xuống của Trung Quốc trái ngược với Mỹ, nơi mà các tiến bộ công nghệ được thúc đẩy bởi sự độc lập của những nhà sáng lập như Bill Gates, Elon Musk hay Jeff Bezos. Chưa từng có quốc gia nào xây dựng một ngành công nghệ đẳng cấp thế giới trong khi đè nén các doanh nhân nội địa.

Bà Lizhi Liu, Giáo sư Đại học Georgetown cho biết: "Việc đối đầu với chính phủ Trung Quốc là sự đánh đổi giữa đổi mới và quy định. Rất khó để xác định điểm cân bằng chính xác: Bao nhiêu quy định là đủ và làm thế nào để tránh việc quá nhiều quy định làm cản trở đổi mới và tăng trưởng?"

Trước khi Jack Ma bị "thất sủng", vị thế của ông tại Trung Quốc giống như Bill Gates, Elon Musk và Jeff Bezos cộng lại.

Màn ra mắt của Alibaba tại Sàn giao dịch chứng khoán New York năm 2014 là cuộc IPO lớn nhất thế giới lúc bất giờ, châm ngòi cho cơn sốt tìm các con gà đẻ trứng vàng trong giới đầu tư mạo hiểm ở Trung Quốc.

Những nhà đầu tư này đổ cả tấn tiền vào các startup, nâng giá trị của các giao dịch trong nước từ 5 tỷ USD vào năm 2013 lên 56 tỷ USD năm 2015, theo hãng nghiên cứu Preqin.

Sức ép Trung Quốc giáng vào Jack Ma khiến doanh nhân Trung Quốc e sợ thành công - Ảnh 2.

Cơn lũ tiền trên đã thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng của Trung Quốc, giúp nền kinh tế thứ hai thế giới trở thành đối thủ xứng tầm với Mỹ về ngôi vương công nghệ.

Đến 2018, Trung Quốc thu hút được lượng tiền đầu tư mạo hiểm bằng với Mỹ và sản sinh cùng một số lượng startup kỳ lân. Những công ty nổi lên từ làn sóng này như ByteDance hay Pinduoduo đã trở thành các đại gia lớn nhất trong giới công nghệ toàn cầu.

Nhưng hiện nay Jack Ma đã trở thành một bài học cảnh báo.

"Chơi với hổ"

Nhà sáng lập startup tại quê nhà Jack Ma nói rằng ông và các doanh nhân địa phương không còn thảo luận về Jack Ma trong nhóm WeChat của họ. Trước khi Jack Ma rơi vào tầm ngắm của Bắc Kinh, những doanh nhân này thường ca tụng ông bằng các danh hiệu như "Thầy giáo Ma".

Nhưng nhà sáng lập này đã đi đến kết luận rằng Jack Ma không phải trường hợp duy nhất. Do đó ông quyết định tránh xa các dịch vụ có thể khiến Bắc Kinh phật ý và dự định thuê thêm chuyên gia về quan hệ với chính phủ. Nhân viên bán hàng cũng được dặn không mô tả công ty là "lớn nhất" hay "tốt nhất" trong ngành để tránh chuốc lấy sự chú ý không mong muốn.

Ông nói: "Thực tế là chính phủ Trung Quốc không tin tưởng doanh nhân từ khu vực tư".

Một doanh nhân khác trong lĩnh vực phần mềm nói rằng ông đang cố lấy lòng chính phủ để bảo vệ công ty. Ông đã mời các quỹ đầu tư thuộc sở hữu nhà nước mua cổ phiếu và thậm chí là trở thành cổ đông lớn.

Vị doanh nhân giấu tên này nghĩ việc quan chức chính phủ kiểm soát các công ty như của ông là điều không thể tránh khỏi.

Nhà đầu tư mạo hiểm đánh giá rằng trong ngắn hạn, các cuộc điều tra chống độc quyền của Bắc Kinh có thể tác động tích cực lên các startup vì họ sẽ không phải lo bị nghiền nát bởi những gã khổng lồ như Alibaba hay Tencent. Nhưng trong dài hạn, can thiệp của chính phủ có thể làm tổn hại đến tăng trưởng và đổi mới.

Vị doanh nhân định dành nhiều thời gian để mở rộng ra nước ngoài nói với Bloomberg: "Sự cố Jack Ma cho thấy không có ai được an toàn. Người xưa có câu: 'Làm bạn với vua như chơi với hổ'. Không thể biết được khi nào con hổ sẽ quay ra cắn bạn".

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/doanh-nhan-trung-quoc-ngai-thanh-cong-so-di-vao-vet-xe-do-cua-jack-ma-20210317173357662.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/