Đến ly cà phê hòa tan cũng sẽ cảm nhận dư chấn từ Suez

Sự cố siêu tàu container Ever Given chôn chân ở một trong những tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới đã tác động từ những điều lớn lao như dòng chảy dầu thô và khí đốt đến những thứ nhỏ nhặt như ly cà phê của người tiêu dùng.

Đến ly cà phê hòa tan cũng sẽ cảm nhận dư chấn từ Suez - Ảnh 1.

Tàu lai dắt cố gắng kéo tàu Ever Given khỏi vị trí mắc cạn. (Ảnh: AP).

Siêu tàu chở hàng Ever Given trọng tải 220.000 tấn, dài 400 m với sức chứa 20.000 container, bị mắc cạn gần đầu phía nam của kênh đào Suez từ tối ngày 23/3. Hiện tại, công tác cứu hộ chưa đạt được nhiều tiến triển và giới chuyên gia cảnh báo phải mất nhiều ngày hoặc thậm chí nhiều tuần để giải thoát siêu tàu mắc cạn.

Ông Marko Kolanovic, chiến lược gia của JPMorgan cho hay: "Kênh đào Suez có thể sẽ bị tắc nghẽn trong một thời gian dài, dẫn đến sự gián đoạn lớn trong hoạt động thương mại toàn cầu, khiến cước phí vận tải biển nhảy vọt, giá hàng hóa tăng nhanh và lạm phát toàn cầu tiếp tục đi lên".

Cuộc khủng hoảng ở kênh đào Suez có thể sẽ sớm ập đến ly cà phê hòa tan của khách hàng trên khắp thế giới, Bloomberg cảnh báo. Không chỉ vô số lô hàng dầu thô và khí đốt bị mắc kẹt tại Suez mà rất nhiều thùng chứa cà phê robusta, nguyên liệu chính để chế biến cà phê hòa tan, cũng chôn chân tại kênh đào này.

Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất vì lục địa già nhập khẩu rất nhiều cà phê qua tuyến đường thủy huyết mạch, song tác động của sự cố mắc cạn sẽ lan rộng trên toàn cầu, khi mà tình trạng thiếu container trở nên trầm trọng có thể làm gián đoạn thị trường thực phẩm.

Nhà sáng lập Jan Luhmann của JL Coffee Consulting và từng là khách hàng lớn tại Jacobs Douwe Egberts (một trong những công ty rang xay cà phê lớn nhất thế giới) cho biết: "Thương nhân sẽ chật vật tìm cách lấp đầy nguồn cung cho các khách hàng tại châu Âu".

"Để giải quyết sự cố tại Suez có thể phải mất một vài ngày nếu công tác cứu hộ gặp may mắn, nhưng dù vậy, thiệt hại hiện giờ cũng đã chồng chất", ông Luhmann nhấn mạnh.

Khoảng 12% thương mại toàn cầu đi qua kênh đào Suez và tuyến đường thủy huyết mạch này nổi tiếng vì vai trò trong ngành năng lượng toàn cầu hơn so với các mặt hàng nông nghiệp như cà phê. Tuy nhiên, chỉ có hai quốc gia sản xuất cà phê lớn là Brazil và Bờ Biển Ngà không sử dụng Suez để tiếp cận lượng người tiêu dùng khổng lồ ở châu Âu.

Do thiếu containver vận chuyển, các nhà máy rang xay cà phê ở châu Âu đã gặp rất nhiều khó khăn để nhập khẩu cà phê từ Việt Nam - nước sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới.

Ngay khi tình trạng thiếu cung container bắt đầu khởi sắc thì sự cố tắc nghẽn tại kênh đào Suez lại tạo ra một vấn đề nan giải khác cho ngành cà phê. Toàn bộ hạt cà phê mà châu Âu nhập khẩu từ Đông Phi và châu Á đều đi qua Suez.

"Liệu các nhà máy rang xay ở châu Âu có thể trụ vững từ hai đến ba tuần hay không? Có lẽ là không. Theo tôi, tồn kho của các cơ sở rang xay trên khắp châu Âu đang hạn chế hơn so với thông thường", ông Raphaelle Hammerlin, trưởng bộ phận logistics của công ty giao dịch cà phê Thụy Sĩ Sucafina, cảnh báo.

Hơn nữa, vụ mắc cạn tại Suez sẽ tác động đến ngành thương mại toàn cầu, vì container sẽ bị mắc kẹt ở kênh đào này và từ đó làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt container vốn đã rất căng thẳng.

Thương nhân Hans Hendriksen, người có 40 năm kinh nghiệm buôn bán hạt ca cao và cà phê, cho biết container không chỉ bị kẹt trên những con tàu chôn chân ở kênh đào Suez mà khi giao thông ở tuyến đường huyết mạch được khơi thông, container cũng sẽ chỉ tập trung về các cảng như Antwerp và Rotterdam.

Ông Hendriksen cảnh báo: "Hoạt động logistics sẽ càng xáo trộn nếu sự cố mắc cạn của siêu tàu Ever Given càng kéo dài".

Khác với các nhà máy rang xay ở Mỹ, những công ty chế biến cà phê của châu Âu khó sử dụng nguồn cung cà phê robusta của Brazil do hương vị cà phê không phù hợp với thị hiếu.

Vì lẽ đó, một số nhà máy rang xay ở châu Âu gần đây đã chuyển sang mua hạt cà phê từ Đông Phi để bù đắp nguồn hàng thiếu hụt từ Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn cung cà phê từ Đông Phi cũng phải đi qua kênh đào Suez.

"Lượng hàng tồn kho ở châu Âu còn rất khiêm tốn. Tôi đoán thị trường cà phê giao ngay sẽ gián đoạn nghiêm trọng. Nguồn cung hạt cà phê của Việt Nam đang phục hồi, nhưng ích gì nếu không thể vận chuyển chúng đến châu Âu?"", ông Luhmann của JL Coffee Consulting chia sẻ.

Hai hãng vận tải biển A.P. Moller-Maersk và Hapag-Lloyd đang cân nhắc đi vòng qua châu Phi để tránh sự cố tắc nghẽn ở Suez, trong khi Torm - một hãng tàu chở dầu Đan Mạch, thông báo rằng khách hàng của họ đã hỏi về chi phí của các phương án thay thế.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/den-ly-ca-phe-hoa-tan-cung-se-cam-nhan-du-chan-tu-suez-20210328213946513.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/