Để hàng dệt may đạt quy tắc xuất xứ, tận dụng lợi thế của EVFTA

Quy định thực hiện chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), mặc dù sợi được nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng nếu vải được sản xuất tại Việt Nam thì vẫn đảm bảo quy tắc xuất xứ để xuất khẩu hàng may mặc sang EU và hưởng lợi từ EVFTA.

Doanh nghiệp vẫn còn 2 năm để hưởng quy tắc xuất xứ GSP

Trao đổi với người viết bên lề hội thảo "Nhận diện cơ hội kinh doanh trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sớm được thông qua" hôm 10/7, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCharm), cho biết quy tắc xuất xứ của EVFTA có một chút khác biệt so với quy định thực hiện chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của Liên minh châu Âu.  

Trong khi đó, có một số trường hợp quy tắc xuất xứ của GSP có lợi hơn so với EVFTA.

ảnh_Viber_2019-07-10_17-13-34

Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam tại hội thảo "Nhận diện cơ hội kinh doanh trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sớm được thông qua", do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Bộ Công thương, Phái đoàn châu Âu tại Việt Nam (EU Delegation), Eurocham, Trung tâm WTO và các đối tác tổ chức hôm 10/7 tại Hà Nội. (Ảnh: Đức Quỳnh).

Cụ thể, trong GSP có quy tắc cộng gộp và quy tắc "hai công đoạn" (Double transformation). Theo đó, mặc dù sợi được nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng nếu vải được sản xuất tại Việt Nam thì vẫn đảm bảo quy tắc xuất xứ để xuất khẩu hàng may mặc sang EU.

Một trường hợp khác là nếu Việt Nam nhập khẩu vải từ các thị trường đã kí hiệp định thương mại tự do với EU như Hàn Quốc thì cũng đảm bảo quy tắc xuất xứ.

Ông Minh nói thêm, điều khoản của GSP ghi rõ rằng trong 2 năm vòng năm kể từ EVFTA có hiệu lực thì vẫn có thể áp dụng quy tắc xuất xứ của GSP.

"Như vậy, doanh nghiệp có 2 năm để sử dụng quy tắc xuất xứ của GSP", Phó Chủ tịch EuroCharm cho biết.

Qua đó, ông Minh cho rằng đây cũng chính là cơ hội để ngành dệt may định hình lại vị trí của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu.

"Chúng ta không nhất thiết phải sản xuất được sợi mà có thể chỉ làm ở công đoạn vải và gia công may mặc. 

Hoặc ngay cả khi doanh nghiệp Việt Nam không làm được vải thì xem xét có nên để doanh nghiệp FDI đầu tư để làm công đoạn này không? Bởi nếu các doanh nghiệp FDI làm được vải thì việc gia công của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn được hưởng lợi", ông Minh cho biết.

Theo ông Phi Ngọc Trịnh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Dệt may Hồ Gươm (Hồ Gươm Group), nguyên tắc xuất xứ trong EVFTA "thoáng" hơn CPTPP là xuất xứ từ vải và được phép cộng dồn cả vải của các nước đã từng ký hiệp định tự do với EU như Hàn Quốc. 

Tuy nhiên ngay lập tức ngành dệt may cũng chưa được hưởng lợi nhiều. Vì đa phần vải và các phụ liệu khác Việt Nam đang phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan và ASEAN, là những thị trường mà chưa ký được hiệp định tự do với EU. 

"Chúng ta vẫn phải chờ ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may đang phát triển", ông Minh nói.

Rủi ro trung chuyển hàng hóa

Ông Trịnh cho biết trước đây, hàng dệt may của Việt Nam chưa thể cạnh tranh được với các nước xung quanh mặc dù tay nghề kỹ năng công nhân được đánh giá cao hơn các nước trong khu vực. 

Lí do chính là Việt Nam đang phải chịu mức thuế xuất bình quân 9.6 %. Điều này làm giảm sức cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam khi xuất vào EU.

Ảnh chụp Màn hình 2019-07-10 lúc 17

Lộ trình giảm thuế của mặt hàng dệt may sau khi EVFTA có hiệu lực. Nguồn: Trung tâm WTO (VCCI)

Theo số liệu từ Tổng Cục Hải quan, tổng kim ngạch hàng dệt may Việt Nam vào EU năm 2018 đạt gần 4,2 tỉ USD, chỉ chiếm khoảng 12% hàng xuất khẩu của ngành hàng này vào các thị trường.

Ông Trịnh nhận định khi được hưởng ưu đãi từ EVFTA, thuế nhập khẩu hàng dệt may vào EU trong 7 năm khi hiệp định có hiệu lực sẽ giảm tới 99,7% lượng hàng hóa nhập vào EU có thuế xuất về 0%. Tạo ra sức cạnh tranh lớn cho hàng dệt may Việt Nam khi xuất khẩu vào EU. 

Tuy nhiên ông Trịnh cũng chỉ ra khi hiệp định có hiệu lực hàng dệt may của Việt Nam được hưởng các ưu đãi về thuế quan rất lớn. 

Các mặt hàng thuế về 0% thay bằng 9,6% bình quân như hiện nay thì việc các nước không có hiệp định với EU, sẽ tranh thủ cơ hội này để chuyển hàng hóa sang Việt Nam để làm thủ tục xuất đi EU thay bằng xuất đi từ chính các nước đó. 

"Như vậy giá trị gia tăng chúng ta sẽ không được hưởng lợi như đúng tinh thần của hiệp định mang lại", ông Trịnh khẳng định.

Ngoài ra việc khan hiếm lao động cũng là thách thức không nhỏ đối với ngành dệt may.

"Khi các doanh nghiệp nước ngoài ồ ạt đổ vào thị trường Việt Nam sẽ tạo ra sự khan hiếm lao động và rất khó cho ngành dệt may tuyển được lao động mới nếu như không có thu nhập cao", lãnh đạo Hồ Gươm Group nhận định.

Doanh nghiệp cần phải làm gì?

Theo đại diện Hồ Gươm Group, để được hưởng các ưu đãi về thuế không còn cách nào khác Việt Nam phải phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.

Sản xuất vải sẽ là ngành cần được ưu tiên và được các doanh nghiệp đặc biệt trú trọng, cân nhắc khi đầu tư, để các sản phẩm may mặc của Việt Nam được hưởng ưu đãi về thuế.  

Các doanh nghiệp không đi chuyên sâu, sản xuất vải hoặc phụ liệu khác sẽ phải tìm cách tạo ra các liên doanh liên kết, chuỗi giá trị để đảm bảo đủ yếu tố cần thiết như hiệp định yêu cầu.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/de-hang-det-may-dat-quy-tac-xuat-xu-tan-dung-loi-the-cua-evfta-20190710172600598.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/