Đại dịch ập đến: Doanh nghiệp Việt định vung tiền mua cổ phiếu quĩ, công ty Mỹ co cụm phòng thủ

Trong bối cảnh hoạt động kinh tế chao đảo vì COVID-19, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam liên tiếp đưa ra thông báo mua lại cổ phiếu quĩ. Ngược lại, giới doanh nghiệp Mỹ lại quyết định bảo vệ dòng tiền quí giá bằng cách hoãn các chương trình cổ tức và mua lại cổ phiếu đã được lên kế hoạch trước đó.

Đại dịch ập đến: Doanh nghiệp Việt định vung tiền mua cổ phiếu quĩ, công ty Mỹ co cụm phòng thủ - Ảnh 1.

Đường phố Hà Nội vắng vẻ, hàng quán đóng cửa trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội phòng dịch COVID-19. Ảnh: Song Ngọc.

Doanh nghiệp Việt ồ ạt đăng kí mua vào lúc giá rẻ

Giữa diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, thị trường chứng khoán ở Việt Nam cũng như Mỹ đều đang trải qua giai đoạn cực kì khó khăn.

Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, VN-Index đóng cửa ở sát ngưỡng 700 điểm. Tính từ đầu năm, chỉ số này đã mất 27,4%. Còn tại Mỹ, đóng cửa phiên giao dịch 3/4, các chỉ số chứng khoán lớn như Dow Jones và S&P 500 cũng giảm lần lượt 28% và 23% so với đầu năm.

Chính phủ các nước đều khuyến khích người dân thực hiện giãn cách xã hội, ở yên trong nhà nhiều nhất có thể, các doanh nghiệp và cửa hàng không thiết yếu đều phải đóng cửa, hoạt động kinh tế nhìn chung bị đình trệ.

Cùng trong bối cảnh thị trường chứng khoán suy giảm và kinh doanh khó khăn đó, các doanh nghiệp ở Việt Nam và Mỹ lại đưa ra quyết định hoàn toàn trái ngược nhau đối với giao dịch cổ phiếu quĩ.

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt Nam liên tiếp đưa ra thông báo mua lại cổ phiếu quĩ, với những cái tên như GTNFoods đăng kí mua 9 triệu cổ phiếu quĩ; Tập đoàn PAN đăng kí mua 21,6 triệu cổ phiếu; PVI đăng kí mua 11,6 triệu đơn vị, Vicostone muốn mua 4,8 triệu cp, ...

Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank cũng muốn xin ý kiến cổ đông về việc mua cổ phiếu quĩ năm 2020.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) thì đã mua xong 10 triệu cổ phiếu quĩ, trị giá khoảng 220 tỉ đồng.

Sau đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã phải ban hành Chỉ thị số 02 yêu cầu các tổ chức tín dụng dừng chia cổ tức tiền mặt, tập trung nguồn lực giảm lãi suất cho vay nhằm khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19 gây ra.

Công ty Mỹ tích trữ củi lửa phòng ngày giông bão

Ngược lại, khi dịch bệnh lan nhanh tại Mỹ, giới doanh nghiệp nước này đã quyết định hoãn những kế hoạch mua cổ phiếu quĩ hay cổ tức tiền mặt được lập ra trước đó, bảo vệ dòng tiền quí giá.

Ngày 16/3 vừa qua, 8 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ bao gồm JP Morgan Chase, Bank of America, Citigroup, Wells Fargo, Goldman Sachs, Morgan Stanley, Bank of New York Mellon và State Street tuyên bố đã thống nhất với nhau dừng hoạt động mua lại cổ phiếu quĩ trong quí II.

Đại diện các ngân hàng này cho biết quyết định trên được đưa ra nhằm tập trung nguồn lực hỗ trợ khách hàng trước tác động kinh tế từ đại dịch COVID-19.

Rất nhiều công ty Mỹ bao gồm những cái tên nổi tiếng như Chevron, Intel, AT&T, Nordstrom, McDonald's và Target cũng đã tạm dừng mua cổ phiếu quĩ do lo ngại về ảnh hưởng của COVID-19 đến doanh thu và lợi nhuận trong tương lai.

Delta Air Lines, Boeing và Darden thì thông báo dừng kế hoạch trả cổ tức để giữ lại nguồn tiền mặt cho thời gian khó khăn phía trước.

Tại nhiều nước trong đó có Mỹ, hình ảnh các công ty vung tiền để mua lại cổ phiếu của chính mình luôn dấy lên các cuộc tranh cãi gay gắt. Nhiều người chỉ trích hành động này là không thể chấp nhận được trước tình cảnh đại dịch COVID-19 gây ra làn sóng sa thải hàng loạt và làm tăng thêm rủi ro phá sản.

Tổng thống Donald Trump cũng cảnh báo rằng ông không thích việc ngân hàng sử dụng số tiền tiết kiệm được nhờ vào chính sách cắt giảm thuế cuối năm 2017 của ông để mua cổ phiếu quĩ.

Gần đây hơn, gói kích thích kinh tế 2.000 tỉ USD Quốc hội Mỹ thông qua ngày 27/3 cũng ràng buộc các công ty nhận được khoản vay hỗ trợ từ chính phủ phải đợi một năm sau khi hoàn trả đầy đủ mới được phép mua lại cổ phiếu.

Ông Stephen Dover - Giám đốc đầu tư cổ phiếu tại tập đoàn đầu tư Franklin Templeton, nói rằng đây là khoảng thời gian mang tính bước ngoặt cho hoạt động mua cổ phiếu quĩ - một chiến thuật được thực hiện trên toàn thế giới, nhưng lại có ảnh hưởng rõ nét nhất đối với chứng khoán Mỹ.

Theo Morgan Stanley, hoạt động mua lại cổ phiếu quĩ của doanh nghiệp Mỹ chiếm tới 70% số tiền mặt được hoàn trả cho cổ đông trong giai đoạn 12 tháng kết thúc vào tháng 6/2019.

Còn tại châu Âu, trong số 100 tỉ USD giới doanh nghiệp bỏ ra để hoàn trả cho cổ đông trong khoảng thời gian trên, mua lại cổ phiếu quĩ chiếm khoảng 30%.

Mua lại cổ phiếu tác động tới thị trường lớn đến đâu?

Ông Dover cho rằng danh hiệu tỉ suất sinh lời cao nhất thế giới của chỉ số S&P 500 có thể sẽ trở thành nạn nhân đầu tiên của xu hướng ngừng mua lại cổ phiếu quĩ của giới doanh nghiệp.

Ông Dover nói: "Có lẽ trong thời gian tới sẽ có thêm các luật lệ hoặc giới hạn đối với số tiền mà các công ty có thể dùng để mua cổ phiếu quĩ hay trả cổ tức, từ đó ảnh hưởng đến đà tăng của thị trường".

"Xu hướng này có thể khiến chứng khoán Mỹ trở thành sân chơi bình đẳng hơn với các thị trường nước ngoài, nơi hoạt động mua lại cổ phiếu quĩ không phổ biến như ở Mỹ".

Giao dịch cổ phiếu quĩ: Xu hướng trái ngược của chứng khoán Việt Nam và chứng khoán Mỹ - Ảnh 3.

Việt hóa: Giang.

Hiếm có chủ đề nào trên thị trường chứng khoán lại gây tranh cãi nhiều như hoạt động mua lại cổ phiếu quĩ. 

Tác động của việc mua lại cổ phiếu quĩ đối với tất cả mọi thứ, từ giá cổ phiếu, EPS cho đến các mối quan hệ trong xã hội được các nhà phân tích tranh luận sôi nổi, và rất khó để đưa ra câu trả lời chính xác.

Một số người cho rằng việc mua lại cổ phiếu quĩ đã mang lại cho các công ty lợi nhuận khổng lồ trong giai đoạn thị trường giá lên dài nhất trong lịch sử nước Mỹ từ năm 2009 cho đến ngày 11/3/2020.

Các lãnh đạo công ty chỉ đạo việc mua lại cổ phiếu quĩ cũng thu được lợi nhuận cao hơn so với việc dùng tiền đầu tư vào lĩnh vực khác, mang đến cho họ các khoản tiền thưởng lớn.

Tuy nhiên, những người phản đối cho rằng tác động của việc mua lại cổ phiếu quĩ đã bị phóng đại. Họ lập luận rằng dùng tiền mặt để mua lại cổ phiếu chỉ khiến tiền từ túi người này chảy sang túi người khác, và gần như không có khả năng tạo ra được giá trị gia tăng.

Ngoài ra, số lượng các cổ phiếu được mua lại quá nhỏ để có thể ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Mỹ, nơi mà tổng giá trị các cổ phiếu có thể giao dịch trong một năm lên đến 90.000 tỉ USD.

Goldman Sách ước tính trong năm 2019, giới doanh nghiệp Mỹ đã mua vào số lượng cổ phiếu với tổng giá trị khoảng 700 tỉ USD, biến các doanh nghiệp trở thành nhóm mua cổ phiếu ròng lớn nhất.

Một nghiên cứu của AQR Capital Management năm 2017 kết luận rằng không có lí do nào để tin rằng việc mua lại cổ phiếu quĩ đã giúp thúc đẩy thị trường giá lên của Mỹ.

Các tác giả của bài nghiên cứu, bao gồm tỉ phú Cliff Asness - chủ tịch quĩ đầu cơ AQR Capital chỉ ra rằng có rất ít bằng chứng cho thấy việc mua cổ phiếu quĩ khiến cho các công ty đầu tư ít hơn vào hoạt động kinh doanh của bản thân. Ngoài ra, vì hoạt động mua cổ phiếu quĩ thường được tài trợ bằng nợ, nên chúng không tiêu tốn vốn của công ty.

Bài nghiên cứu trên trích dẫn bằng chứng học thuật cho thấy rằng trung bình, thông báo mua cổ phiếu quĩ chỉ giúp giá của cổ phiếu tăng thêm 1 hoặc 2%. Ngoài ra, giá cổ phiếu của công ty tăng một phần có thể do tuyên bố mua cổ phiếu quĩ thể hiện sự tin tưởng vào tương lai công ty của ban lãnh đạo.

Ông Ed Clissold, Giám đốc đầu tư tại Ned Davis Research nói rằng: "Có rất nhiều thứ ảnh hưởng đến cung và cầu của cổ phiếu, cũng như sức hấp dẫn của cổ phiếu đối với nhà đầu tư. Do đó, việc chỉ xem xét riêng việc mua lại cổ phiếu quĩ mà không tính đến tác động của các yếu tố khác sẽ khiến nhà đầu tư bỏ qua giá trị nội tại của cổ phiếu.

Theo chuyên gia đầu tư này, việc loại bỏ hoạt động mua lại cổ phiếu "sẽ tạo ra sự khác biệt rõ rệt. Điều này sẽ làm giảm cầu đối với cổ phiếu. Nhưng nếu các công ty đạt được tăng trưởng lợi nhuận tốt và có mức định giá hấp dẫn, thì cổ phiếu của chúng vẫn sẽ được săn đón".

Ông Maneesh Deshpande, Giám đốc đầu tư tại Barclays nhận xét các công ty hoàn trả nhiều tiền hơn cho cổ đông thông qua mua lại cổ phiếu quĩ thường có biến động giá cổ phiếu tương tự như thị trường chứng khoán, và một khi thị trường rơi vào hỗn loạn thì giá của chúng cũng lao dốc.

Ông Deshpande viết trong lưu ý gửi đến khách hàng: "Việc hoàn trả quá nhiều tiền mặt cho cổ đông khiến công ty trở nên rủi ro hơn. Do đó, các công ty mua lại quá nhiều cổ phiếu quĩ cũng không đẩy được giá cổ phiếu của mình lên cao hơn".

"Trong các cuộc khủng hoảng, giá cổ phiếu các công ty này còn sụt giảm mạnh hơn thị trường chứng khoán nói chung, và điều này vẫn đúng trong tình hình hiện nay".

Giao dịch cổ phiếu quĩ: Xu hướng trái ngược của chứng khoán Việt Nam và chứng khoán Mỹ - Ảnh 4.

Việt hóa: Giang.

Một số người cũng cho rằng việc mua lại cổ phiếu quĩ đã khiến cho EPS của công ty bị thổi phồng, do việc này làm giảm khối lượng cổ phiếu lưu hành. Ngoài ra, một số lãnh đạo công ty có thể lợi dụng đợt tăng giá ngắn hạn để bán ra cổ phiếu của mình.

Theo ông Vincent Deluard, Giám đốc đầu tư của INTL FCStone, ngay từ trước khi đại dịch COVID-19 nổ ra, xu hướng mua lại cổ phiếu quĩ tại Mỹ trong 4 năm trở lại đây đã giảm bớt. Năm 2018 là một ngoại lệ, vì các công ty được thúc đẩy nhờ cuộc đại tu chính sách thuế của Trump cuối năm 2017.

Ông Deluard chỉ ra rằng số lượng các giao dịch mua cổ phiếu quĩ được hoàn tất trong quí IV/2019 đã giảm 15% so với cùng kì. Lí do là mua cổ phiếu quĩ đã trở nên quá tốn kém.

"Mất cân đối nguồn vốn, định giá cao một cách nực cười và lợi nhuận không tăng trưởng là những lí do khiến cho nhiều công ty quyết định không mua lại cổ phiếu quĩ vào năm 2019".

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dai-dich-ap-den-doanh-nghiep-viet-dinh-vung-tien-mua-co-phieu-qui-cong-ty-my-co-cum-phong-thu-20200406102219308.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/