Chủ tịch Trịnh Văn Quyết: FLC cần nhiều vốn để thực hiện gần 300 dự án

Tháng 4/2021, để khuyến khích cổ đông tiếp tục đầu tư và rót thêm vốn vào tập đoàn, Chủ tịch Trịnh Văn Quyết khẳng định "nhà đầu tư cầm cổ phiếu FLC sẽ có ngày hái quả", tương tự như ông từng tuyên bố tại đại hội cổ đông tháng 6/2018.

Chủ tịch Trịnh Văn Quyết: FLC cần nhiều vốn để thực hiện gần 300 dự án - Ảnh 1.

Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết. (Ảnh: Song Ngọc)

Nhu cầu vốn nghìn tỷ của FLC

Năm 2019, FLC dự định phát hành 300 triệu cổ phiếu để huy động 3.000 tỷ đồng làm một số dự án bất động sản. Chủ tịch Trịnh Văn Quyết đã cam kết sẽ không phát hành nếu thị giá dưới 10.000 đồng/cp. Trong thực tế, kế hoạch chào bán đã được đại hội cổ đông và Ủy ban Chứng khoán thông qua nhưng vì cổ phiếu FLC dưới mệnh giá nên Tập đoàn FLC đã hủy kế hoạch.

"Không ai cấm FLC phát hành nhưng vì chúng tôi muốn giữ uy tín và cam kết nên không tăng vốn vào năm ngoái", ông Quyết chia sẻ tại đại hội cổ đông ngày 12/4/2021.

Sang năm nay, FLC lên phương án phát hành gần 500 triệu cổ phiếu để huy động khoảng 5.000 tỷ đồng, lớn hơn kế hoạch dang dở năm trước và cũng là mục tiêu huy động vốn khủng nhất trong lịch sử tập đoàn. Theo Chủ tịch Quyết, sở dĩ FLC tăng quy mô chào bán là vì cần nhiều vốn cho các dự án bất động sản.

"Năm nay FLC có xấp xỉ 300 dự án lớn nhỏ trên cả nước nên cần lượng vốn rất lớn, bao gồm vốn vay ngân hàng, vay trái phiếu, vốn từ các nhà đầu tư bất động sản thứ cấp, vốn từ các nhà thầu xây dựng", Chủ tịch Trịnh Văn Quyết nói và cho biết thêm rằng nhiều đơn vị thi công các công trình của FLC nhận thanh toán bằng các căn chung cư, biệt thự thay cho tiền mặt.

"Tôi hay nói với các nhà thầu điện, nhà thầu gỗ, đá, … của FLC rằng: 'Các ông làm cho tôi hàng nghìn phòng khách sạn, hàng nghìn căn nhà liền kề, biệt thự, chung cư. Nếu các ông không mua chính những căn nhà, căn phòng do mình xây nên thì chứng tỏ các ông làm đồ lởm à? Vậy là tất cả nhà thầu đều lấy sản phẩm của FLC. Vì thế mà FLC ít phụ thuộc vào vốn vay". Chủ tịch Tập đoàn FLC còn nói thêm rằng các nhà thầu nhận thanh toán bằng chính bất động sản mà mình xây dựng đều thu được lợi nhuận vài chục phần trăm.

Chủ tịch Trịnh Văn Quyết: FLC cần nhiều vốn để thực hiện gần 300 dự án - Ảnh 2.

Quần thể FLC Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: Song Ngọc).

Năm 2021, nhu cầu vốn lớn hơn mọi năm nên FLC cũng đẩy mạnh huy động hơn trước. Ngoài kế hoạch chào bán 500 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, FLC còn có dự định phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi

Tổng số vốn kỳ vọng thu về từ hai đợt huy động trên là gần 7.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ được rót vào các dự án như Khu đô thị Cao Xanh – Hà Khánh (Quảng Ninh); giai đoạn 2 quần thể FLC Quảng Bình; dự án nhà ở mật độ cao Hiệp Thành - Vĩnh Trạch; Khu đô thị mới Hồ Nước Ngọt, thành phố Sóc Trăng; Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái núi Mỏ Neo tại thành phố Hà Giang; Khu đô thị mới Vị Thanh, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang; …

Cổ phiếu FLC hoàn thành hai nhiệm vụ trên thị trường chứng khoán

Một trong những câu hỏi được cổ đông nêu ra tại đại hội thường niên ngày 12/4 là "Giá mục tiêu của cổ phiếu FLC là bao nhiêu?" Ban đầu, ông Quyết thận trọng đáp rằng: "Giá cổ phiếu là do cung cầu của thị trường quyết định".

Tuy nhiên, ông cũng không giấu giếm những nhận định hết sức lạc quan. "Nhà đầu tư thỏa sức mua và cũng thỏa sức bán cổ phiếu FLC, không bao giờ mất thanh khoản. Đây là điều đáng mừng, cho dù là cổ phiếu niêm yết ở ta hay ở Tây. Dù là cá nhân hay tổ chức, đầu tư ngắn hạn hay dài hạn, cũng đều mong muốn cổ phiếu có thanh khoản, tức là bán bao nhiêu cũng có người mua và mua bao nhiêu cũng có người bán".

Theo ông Quyết, ngoài nhiệm vụ duy trì thanh khoản cho nhà đầu tư thì cổ phiếu còn phải thực hiện được chức năng huy động vốn cho doanh nghiệp. "Nếu không làm được hai việc này thì tôi khuyên các doanh nghiệp đang niêm yết trên thị trường chứng khoán nên 'xuống sàn'. FLC làm được cả hai nhiệm vụ về huy động vốn và tạo thanh khoản".

Thực tế từ năm 2009 đến nay, FLC đã 10 lần nâng vốn điều lệ, tăng từ 18 tỷ đồng ban đầu lên 7.100 tỷ đồng như hiện nay. Lần tăng vốn nhiều nhất là 1.550 tỷ đồng vào năm 2015 thông qua chào bán cho cổ đông hiện hữu.

Nếu đợt chào bán sắp tới thành công 100%, FLC sẽ có vốn điều lệ hơn 12.000 tỷ đồng, tương đương 1,2 tỷ cổ phiếu.

"Quý vị cổ đông yên tâm sở hữu lâu dài cổ phần tại FLC để không bị lỡ nhịp. Thành quả của mình đã tích lũy nhiều năm, vì một phút xao lòng mà bán cổ phiếu FLC đi thì tôi thực sự chia buồn. Nhà đầu tư nào chung thủy với FLC thì luôn luôn có ngày hái quả", ông Trịnh Văn Quyết nói.

Phát biểu của ông Quyết tại đại hội ngày 12/4/2021 có nhiều nét giống với tuyên bố của chính ông tại đại hội ngày 12/6/2018. Gần ba năm trước, Chủ tịch Tập đoàn FLC cũng ca ngợi cổ phiếu FLC về tính thanh khoản vượt trội trên thị trường và cam kết "nhà đầu tư cầm cổ phiếu FLC rồi sẽ đến ngày hái quả".

Năm nay khác với các năm trước, ông Quyết đã tung ra chương trình tặng quà để khuyến khích nhà đầu tư mua và nắm giữ cổ phiếu FLC.

Cụ thể, người sở hữu từ 80.000 đơn vị FLC trở lên có cơ hội nhận voucher trị giá khoảng 3,5 triệu đồng.

Người sở hữu từ 100.000 đơn vị FLC trở lên được nhận phần quà khoảng 9,5 triệu đồng

Người sở hữu từ 200.000 đơn vị FLC trở lên được nhận phần quà khoảng 12 triệu đồng

Người sở hữu từ 300.000 đơn vị FLC trở lên được nhận phần quà khoảng 25 triệu đồng

Người sở hữu từ 400.000 đơn vị FLC trở lên được nhận phần quà tối đa 100 triệu đồng

Sở hữu cổ phiếu được tính tại thời điểm chốt danh sách cổ đông của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) ngày 30/5/2021. Các cổ đông cần giữ số lượng cổ phiếu tương ứng tại thời điểm sử dụng voucher, combo đã được gửi tặng.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/chu-tich-trinh-van-quyet-flc-can-nhieu-von-de-thuc-hien-gan-300-du-an-20210413001351805.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/