Chống rửa tiền qua BĐS: Khó khả thi, cùng với việc siết tín dụng sẽ gây khó thêm cho thị trường

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Tổng giám đốc Đại Phúc Land, thói quen của người Việt Nam từ xưa đến nay vẫn là dùng tiền mặt. Do đó, để thay đổi được thói quen này cần phải có giải pháp. Đây chính là mấu chốt.

Nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực BĐS cao

Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi Sở xây dựng các tỉnh, thành phố về việc thực hiện công tác phòng chống rửa tiền trong hoạt động kinh doanh bất động sản (BĐS).

Theo đó, các Sở phải yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quản lý BĐS, môi giới BĐS, sàn giao dịch BĐS thực hiện các quy định về nhận biết, cập nhật thông tin khách hàng, rà soát các giao dịch nhằm phòng, chống rửa tiền và phòng, chống tài trợ khủng bố.

Các Sở xây dựng phải yêu cầu các sàn, môi giới lập và gửi báo cáo các giao dịch đáng ngờ hoặc giao dịch tiền mặt có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên về Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) và Cục Phòng chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước).

Văn bản cũng nêu rõ, môi giới, sàn BĐS có thể liên hệ với Cục Phòng chống rửa tiền để có thông tin và hướng dẫn về các danh sách đen, cảnh báo hoặc những cá nhân có ảnh hưởng chính trị để tránh các rủi ro trong giao dịch.

Trước đó, tháng 5/2019, Nhân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã có báo cáo tóm tắt kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố tại Việt Nam giai đoạn 2012 – 2017.

Theo đó, báo cáo xác định rủi ro rửa tiền quốc gia là trung bình cao, rủi ro về tài trợ khủng bố quốc gia là thấp. Nguy cơ rửa tiền được đánh giá ở mức cao trong các lĩnh vực ngân hàng và BĐS.

Cụ thể, với BĐS, các giao dịch mua bán, chuyển nhượng BĐS có thể thực hiện bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản và không thông qua sàn giao dịch BĐS nên rất khó cho các cơ quan chức năng kiểm tra, xác định nguồn gốc của tiền.

Ngoài ra, đối với các vụ đại án về tham ô thời gian qua cũng như vụ đánh bạc nghìn tỉ đồng đang bị điều tra về rửa tiền, trong số các tài sản thu được từ các vụ án đều liên quan đến các tài sản là các BĐS.

Để rửa tiền, các đối tượng phạm tội thường nhờ người thân trong gia đình mua, chuyển nhượng, cho tặng BĐS.

Văn hóa giao dịch bằng tiền mặt không dễ bỏ

Liên quan đến quy định của Bộ Xây dựng, có một số ý kiến cho rằng các giao dịch BĐS thường lớn hơn con số 300 triệu đồng rất nhiều, hơn nữa văn hoá giao dịch ở Việt Nam chủ yếu vẫn sử dùng tiền mặt. Do đó, việc báo cáo các giao dịch BĐS bằng tiền mặt từ 300 triệu đồng trở lên là việc khó khả thi.

Trao đổi với PV về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BĐS Đại Phúc Land cho biết: "Với quy định này, nếu mọi người tình nguyện làm và thấy được lợi ích của việc làm này thì sẽ khả thi hơn. Thói quen của người Việt Nam từ xưa đến nay vẫn là dùng tiền mặt. Do đó, để thay đổi được thói quen này cần phải có giải pháp. Đây chính là mấu chốt".

Bà Hương CEO Đại Phúc Land

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BĐS Đại Phúc Land. (Ảnh: Thu Hà)

Bà Hương cho biết thêm, hiện nay, thường rất ít người có tâm lý khai báo bởi nó liên quan đến quyền riêng tư. Do đó, quy định này cần phải xem xét lại một cách kỹ lưỡng để tránh tác động đến thị trường.

Bởi hiện nay đã có những quy định trong việc siết tín dụng đối với BĐS, nếu thêm quy định này nữa thì thị trường bất động sản sẽ khó khăn hơn. Hơn nữa, các giao dịch BĐS đều đã quy định và đều theo luật, đều có hợp đồng và đóng thuế… Điều này đã rất minh bạch.

"Hiện tại, thói quen giao dịch bằng tiền mặt không dễ bỏ. Các giao dịch BĐS cũng mang những đặc thù khác truyền thống, đối tượng tham gia giao dịch nếu là giới trẻ thì dễ thay đổi nhưng với những người lớn tuổi thì thường không quen với việc phải qua ngân hàng", bà Hương nhận định.

CEO Đại Phúc Land cũng cho rằng, quy định này có những hạn chế phụ thuộc vào đối tượng người sử dụng. Do đó cần phải nhìn theo góc độ số đông và góc độ về dài hạn, khi áp dụng vào thực tế cần phải phân tích những mặt được và không được.

"Theo tôi, mặt được thì có thể sẽ kiểm soát được câu chuyện liên quan tới phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, mặt chưa được thì còn liên quan tới rất nhiều vấn đề", bà Hương nhấn mạnh.

Chia sẻ bên lề tọa đàm "Phát triển các khu đô thị: Thực trạng và xu hướng mới" diễn ra mới đây, ông Đỗ Cơ Thạch, Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp Hải Phát Land cho rằng, yêu cầu của Bộ Xây dựng hoàn toàn ổn, đặc biệt là đối với đơn vị phân phối.

Ông Thạch cho biết, đơn vị phân phối có chức năng trung gian, giúp cho chủ đầu tư kết nối với khách hàng trực tiếp và bằng các kênh thông tin đa chiều. Còn về giao dịch, đơn vị phân phối sẽ làm việc trực tiếp với chủ đầu tư, từ hợp đồng tới pháp lý…

Ngoài ra, thông thường tất cả những vụ đặt cọc, bên sàn phân phối chỉ nhận tối đa 100 triệu đồng, có khi chỉ nhận 50 triệu đồng. Một số chủ đầu tư có những khoản đặt cọc lên tới 500 triệu đồng thì đấy là đặt cọc của chủ đầu tư, đơn vị phân phối không nhận cọc quá 100 triệu đồng.

"Thật ra, ở Việt Nam, câu chuyện tại sao lại có tiền để mua BĐS thì hiện nay chưa bắt người mua phải chứng minh, việc các chủ đầu tư đăng ký vốn cũng không bắt buộc phải chứng minh bao nhiêu tiền. Cả kể trong việc đóng thuế, tiền có từ rất nhiều nguồn thu nhập khác nhau,...", ông Thạch nói.

Cũng chia sẻ bên lề tại buổi tọa đàm trên về vấn đề này, GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định: "Đây là một quy định tiến bộ".

Ông Võ phân tích, quy định không dùng tiền mặt trong giao dịch BĐS là một quy định tiến bộ, cũng là theo xu hướng chung hiện nay là giảm việc dùng tiền mặt, thay vào đó là dùng tiền thông qua các giao dịch điện tử.

Còn đối với BĐS thường là những giao dịch có giá trị lớn, nếu áp dụng quy định này thì chắc chắn sẽ có cơ hội giảm các nguồn tiền được hình thành trái pháp luật, hay nói cách khác là rửa tiền ảo.

"Khi đi theo tuyến từ ngân hàng qua các kênh điện tử để thanh toán thì bao giờ cũng được coi là đồng tiền công khai. Còn tiền mặt được cất ở trong kho thì được gọi là không công khai, nguồn gốc không rõ', ông Võ nhận định.

Liên quan đến vấn đề này, phát biểu tại Hội thảo "Đâu là vùng đất hứa trong đầu tư BĐS năm 2019" diễn ra tại TP HCM mới đây, Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho biết, NHNN đang siết lại tín dụng trong BĐS thông qua chính sách tín dụng và chính sách lãi suất.

Mới đây, lại có quy định sẽ siết chặt các giao dịch BĐS vì có nhiều giao dịch đi vào hướng là một công cụ rửa tiền.

"Cái chúng ta cần quan tâm hiện nay là làm sao để những giao dịch BĐS không đi vào lĩnh vực rửa tiền bởi vì rửa tiền là phạm pháp theo Luật phòng, chống rửa tiền của Việt Nam", ông Hiếu cho hay.

Để ngăn ngừa nguy cơ rửa tiền, trao đổi với báo chí, ông Hiếu cho rằng nên quy định các giao dịch BĐS đều phải thông qua ngân hàng để hạn chế tiền mặt, khi nguồn tiền đã qua ngân hàng thì ngân hàng có trách nhiệm phải báo cáo và xác minh.

Chế tài xử lý hành chính vi phạm về báo cáo giao dịch có giá trị lớn, giao dịch đáng ngờ, giao dịch chuyển tiền điện tử, báo cáo hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố đã được quy định cụ thể tại điều 44 Nghị định 96/2014/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực tiền tệ ngân hàng.

Theo đó, DN kinh doanh dịch vụ quản lý, môi giới BĐS, sàn giao dịch sẽ bị xử phạt từ 30-50 triệu đồng nếu không báo cáo các giao dịch có giá trị lớn; không báo cáo các giao dịch đáng ngờ.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/chong-rua-tien-qua-bds-kho-kha-thi-cung-voi-viec-siet-tin-dung-se-gay-kho-them-cho-thi-truong-20190719165654077.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/