Chính thức rung chuông trên sàn Nasdaq, Grab đang kinh doanh ra sao?

Grab báo cáo các khoản lỗ lớn cho ít nhất 3 năm gần đây trong tổng lịch sử 9 năm hoạt động.

Chính thức IPO tại Mỹ, Grab đứng trước bài kiểm tra lớn nhất lịch sử - Ảnh 1.

Grab trở thành công ty công nghệ lớn tiếp theo của Đông Nam Á niêm yết sàn Mỹ. (Ảnh: Nikkei).

Grab chính thức niêm yết tại Mỹ

Grab chính thức chào sàn chứng khoán Mỹ tối 2/12 theo giờ Việt Nam, đánh dấu một cột mốc lớn, nhưng đồng thời là một bài kiểm tra lớn cho một trong những công ty công nghệ quan trọng nhất Đông Nam Á này, theo Nikkei.

Grab đi theo mô hình "siêu ứng dụng" cung cấp đa dạng các dịch vụ từ gọi xe, giao đồ ăn và thanh toán di động đến hàng triệu người dùng. Grab báo cáo các khoản lỗ lớn cho ít nhất 3 năm gần đây trong tổng lịch sử 9 năm hoạt động. Grab cũng đang phải đối mặt với cạnh tranh ngày càng gia tăng và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

"Chúng tôi thực sự tin rằng đây là thời điểm để Đông Nam Á toả sáng", ông Anthony Tan, CEO Grab, chia sẻ trong một thông báo vào hôm 2/12. "Chúng tôi hy vọng rằng việc bước chân vào thị trường đại chúng toàn cầu của chúng tôi sẽ giúp thu hút thêm sự chú ý đến những cơ hội thực sự lớn trong khu vực", ông nói thêm.

Việc niêm yết sàn Mỹ của Grab được thực hiện thông qua hoạt động sáp nhập với Altimeter Growth Corp., một công ty thâu tóm, sáp nhập chuyên dụng (SPAC) đã niêm yết trên sàn Nasdaq. Việc sáp nhập giữa Altimeter Growth Corp. và Grab đến nay đã hoàn thành, Nikkei nói.

Grab chính thức niêm yết trong sàn Mỹ trong bối cảnh thị trường đi xuống trước sự xuất hiện của biến thể omicron của COVID-19. Giá cổ phiếu của các công ty hoạt động cùng ngành với Grab như Uber và Lyft đều giảm 11% trong một tuần gần nhất. Cùng kỳ, ứng dụng giao đồ ăn DoorDash cũng có giá cổ phiếu giảm 3%.

Những diễn biến của cổ phiếu Grab trong ngày giao dịch đầu tiên sẽ được theo dõi chặt chẽ bởi nó thể hiện cách các nhà đầu tư nhìn nhận về triển vọng trong dài hạn của công ty này. Altimeter Growth Corp. kỳ vọng giá trị vốn hoá của Grab có thể đạt gần 40 tỷ USD. Con số này vẫn thấp hơn giá trị vốn hoá vào thời điểm ngày 2/12 của Uber và DoorDash (lần lượt là 73 tỷ USD và 61 tỷ USD).

Tình hình kinh doanh của Grab

Ông Anthony Tan và bà Tan Hooi Ling sáng lập Grab vào năm 2012. Là một startup trong một khu vực đang phát triển, Grab tập trung vào các yếu tố xã hội trong kinh doanh ngay từ đầu. Grab bắt đầu như một ứng dụng đặt xe taxi với mục tiêu nâng cao mức độ an toàn và minh bạch của hệ thống giao thông trong khu vực. Tại một số thị trường, taxi vẫn được xem là một phương tiện di chuyển nguy hiểm, đặc biệt là đối với phụ nữ.

Dịch vụ xe hai bánh và xe 4 bánh của Grab cũng tạo ra nhiều việc làm tại Đông Nam Á. Theo khảo sát của Grab hồi tháng 6, 46% tài xế của Grab thất nghiệp trước khi gia nhập nền tảng này. Trong khi đó, dịch vụ giao đồ ăn và dịch vụ tài chính thúc đẩy tăng trưởng cho các nhà bán hàng nhỏ và thúc đẩy toàn diện tài chính trong khu vực, nơi hàng triệu người chưa có tài khoản ngân hàng.

Đến thời điểm hiện tại, Grab nhận được đầu tư của nhiều nhà đầu tư toàn cầu lớn như SoftBank Group, Toyota Motor và Microsoft.

Tính đến tháng 3/2021, Grab có khoảng 22,1 triệu người dùng hoạt động hàng tháng. Gần 5 triệu tài xế và 2 triệu nhà bán hàng cũng đã đăng ký trên nền tảng này. Đến ngày 30/9, Grab có gần 8.300 nhân sự toàn thời gian.

Chính thức IPO tại Mỹ, Grab đứng trước bài kiểm tra lớn nhất lịch sử - Ảnh 2.

(Nguồn: Nikkei, Việt hoá: Thái Sơn).

Grab  xây dựng được mối quan hệ tốt với các nhà điều hành bằng cách hợp tác với các chính phủ địa phương, trong bối cảnh các lĩnh vực như giao thông hoặc tài chính thường có môi trường quản lý phức tạp và chặt chẽ.

Dù vậy, con đường IPO của Grab không thực sự yên ả. COVID-19 khiến mảng gọi xe của Grab tê liệt vào nhiều thời điểm. Năm 2020, Grab sa thải 5% tổng số lượng nhân sự. Hồi tháng 9, Grab hạ thấp dự báo kết quả kinh doanh trong năm nay.

Bên cạnh đó, Grab cũng lùi lịch IPO từ mục tiêu ban đầu là tháng 7 tới quý 4 năm nay khi các kiểm toán viên cần kiểm tra lại kết quả kinh doanh của Grab trong 3 năm qua kỹ càng hơn.

Cũng không thể không nhắc đến việc cạnh tranh tại Đông Nam Á ngày càng mạnh mẽ với Gojek sáp nhập cùng sàn TMĐT Tokopedia và Sea thúc đẩy mở rông sang lĩnh vực giao đồ ăn, dịch vụ tài chính.

Sau khi niêm yết, ban quản trị của Grab sẽ có 60% cổ phần biểu quyết mặc dù chỉ nắm 3% cổ phần. "Grab sẽ phải thuyết phục các nhà đầu tư hiện tại và nhà đầu tư tiềm năng rằng tất cả các quyền biểu quyết đều được tôn trọng", ông Lawrence Loh, giáo sư Đại học Kinh doanh Quốc gia Singapore, chia sẻ.

Trong tương lai, Grab cho biết sẽ tiếp tục tập trung vào thị trường Đông Nam Á. Ông Anthony Tan khẳng định việc IPO chỉ là "chuyện của ngày đầu tiên". Để tiếp tục khẳng định vị thế trong khu vực, ông Loh nhận định Grab không chỉ cần cải thiện dịch vụ mà còn cần cho thấy Grab mang đến lợi ích cho người dùng và xã hội.

"Trong dài hạn, khi Grab tích hợp sâu hơn vào thị trường với triết lý "hàng ngày – mọi ngày", Grab sẽ phải chứng minh trách nhiệm xã hội nhiều hơn", ông nhấn mạnh.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/chinh-thuc-rung-chuong-tren-san-nasdaq-grab-dang-kinh-doanh-ra-sao-20211202122754785.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/