Chính quyền ông Biden lúng túng khi Trung Quốc thất hứa thỏa thuận giai đoạn một

Thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Washington và Bắc Kinh đã chính thức hết hạn vào ngày 31/12/2021, nhưng Trung Quốc không thể hoàn thành các cam kết mua hàng với Mỹ. Điều này đang đặt chính quyền Tổng thống Biden vào thế tiến thoái lưỡng nan.

Trung Quốc thất hứa

Thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Washington và Bắc Kinh đã chính thức hết hạn vào ngày 31/12/2021, tuy nhiên Trung Quốc không thể hoàn thành cam kết mua ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ so với mức của năm 2017.

Dựa theo dữ liệu xuất khẩu của Mỹ, Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho biết, tính đến tháng 11, Trung Quốc đã mua được tổng cộng khoảng 199,2 tỷ USD, hụt hơi đáng kể so với mục tiêu 352,2 tỷ USD.

Chính quyền ông Biden lúng túng khi Trung Quốc thất hứa thỏa thuận giai đoạn một - Ảnh 1.

Xét riêng từng ngành hàng, Trung Quốc vẫn còn hụt 17% so với mục tiêu mua nông sản, 41% so với mục tiêu mua hàng chế tạo và 62% so với mục tiêu mua các sản phẩm năng lượng.

Song, do Trung Quốc tích cực thu mua nông sản, nông dân Mỹ - những người từng chịu thiệt hại nặng nề trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, mới có thể bán hàng với giá cao hơn. 

Các nhà sản xuất thịt bò, thịt heo và gia cầm của Mỹ cũng xuất khẩu lượng hàng kỷ lục sang đất nước tỷ dân trong năm 2020 hoặc 2021. Một số công ty xuất khẩu đậu nành cũng ghi nhận tín hiệu vui.

Chính quyền ông Biden lúng túng khi Trung Quốc thất hứa thỏa thuận giai đoạn một - Ảnh 1.

Nông sản là một trong các mặt hàng mà Trung Quốc mua nhiều nhất trong hai năm qua. (Ảnh minh họa: Bloomberg).

Tuy nhiên, chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình lại mua rất khiêm tốn các mặt hàng năng lượng như dầu thô và khí đốt tự nhiên. Thỏa thuận quy định Trung Quốc phải mua ít nhất 67,7 tỷ USD hàng hóa năng lượng nhưng tính đến tháng 11% thì con số chỉ mới dừng lại ở mức 24 tỷ USD.

Chia sẻ với Wall Street Journal, ông Adam Hodge - phát ngôn viên của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, cho biết Washington vẫn đang thảo luận cùng Bắc Kinh về hiệu quả của thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Ông Hodge nhấn mạnh: "Trung Quốc đã đưa ra các cam kết rõ ràng và họ phải tuân thủ những lời hứa đó".

Ngoài ra, vị phát ngôn viên còn cho biết chính quyền ông Biden cũng đang quan ngại về một số chính sách thương mại phi thị trường của Trung Quốc cũng như ảnh hưởng tiêu cực của chúng lên nền kinh tế Mỹ. Một số vấn đề không nằm trong thỏa thuận giai đoạn một.

Ở một cuộc họp báo vào tháng 11 năm ngoái, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết nhóm của bà đang trao đổi với người đồng cấp Trung Quốc về việc Bắc Kinh chưa hoàn thành các mục tiêu mua hàng.

Chính quyền ông Biden lúng túng khi Trung Quốc thất hứa thỏa thuận giai đoạn một - Ảnh 3.

Phát ngôn viên Liu Pengyu của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho hay, việc mua hàng hóa của Mỹ đã bị cản trở bởi cú sốc kinh tế mà đại dịch COVID-19 gây ra.

"Trung Quốc phải dốc sức để vượt qua một số ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, suy thoái kinh tế toàn cầu và gián đoạn chuỗi cung ứng để thực thi cam kết", ông Liu nhấn mạnh.

Washington nên phản ứng ra sao cho phải?

Chuyện Trung Quốc thất hứa đang tạo ra một tình thế khó xử cho chính quyền Tổng thống Joe Biden, trong bối cảnh Washington phải đưa ra phản ứng phù hợp trước việc Bắc Kinh thất hứa.

Theo Wall Street Journal, Nhà Trắng có thể khôi phục một số mức thuế quan từng được cắt giảm trong thỏa thuận giai đoạn một. Song, điều đó có thể gây phản tác dụng nếu Trung Quốc hạn chế mua hàng hóa của Mỹ hoặc gây khó khăn cho doanh nghiệp Mỹ đang kinh doanh tại thị trường tỷ dân.

Cụ thể, thỏa thuận thương mại giai đoạn một có quy định về một cơ chế giải quyết tranh chấp mà ông Biden có thể sử dụng để buộc Trung Quốc mua thêm hàng. Theo cơ chế này, Mỹ có thể áp thuế quan mới hoặc khôi phục một số thuế quan cũ đối với hàng hóa Trung Quốc.

Song, động thái tăng thuế quan sẽ làm gia tăng chi phí đối với các công ty Mỹ đang nhập khẩu một số hàng hóa Trung Quốc như quần áo và đồ điện tử. Các công ty này hiện đã phải trả thuế cao hơn và buộc phải sang tay một phần chi phí cho người tiêu dùng trong nước.

Chính quyền ông Biden lúng túng khi Trung Quốc thất hứa thỏa thuận giai đoạn một - Ảnh 2.

Ông Biden, khi đó còn là Phó Tổng thống Mỹ, nâng ly cùng Chủ tịch Tập Cận Bình tại một sự kiện năm 2015. (Ảnh: Reuters).

Cách Washington đáp trả Bắc Kinh đang được cộng đồng doanh nghiệp Mỹ theo dõi sát sao, vì khá nhiều công ty vẫn muốn duy trì quan hệ suôn sẻ với Trung Quốc để đảm bảo cơ hội tiếp cận thị trường tỷ dân.

Trong khi đó, một bộ phận doanh nghiệp khác, chẳng hạn như các nhà sản xuất trong nước, lại có quan điểm cứng rắn hơn. Họ kêu gọi chính quyền Tổng thống Biden phải xây dựng chuỗi cung ứng của riêng mình, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc.

Các nhà phân tích thương mại cho rằng khó có khả năng ông Biden leo thang căng thẳng với Trung Quốc, khi mà vị tổng thống Đảng Dân chủ còn đang phải tìm cách ghìm cương lạm phát và thúc đẩy các chương trình nghị sự quan trọng tại quê nhà. Ngoài ra, giới chuyên gia còn chỉ ra rằng Tổng thống Biden vẫn chưa vạch ra chiến lược rõ ràng để đối phó với Bắc Kinh.

Ông Scott Kennedy, cố vấn cấp cao tại Trung Quốc Nghiên cứu Quốc tế Chiến lược (CSIS), nhận xét: "Chính quyền ông Biden đang bị trói chân bởi sự thiếu rõ ràng của mình trong cách đánh giá vấn đề và các giải pháp tiềm năng cho mối quan hệ thương mại với Trung Quốc".

Một hướng đi khác mà Wall Street Journal vạch ra chính là Nhà Trắng có thể phớt lờ việc Trung Quốc không hoàn thành thỏa thuận, qua đó gửi tín hiệu đến Bắc Kinh rằng họ sẽ không phải đối mặt với bất kỳ hậu quả nào dù không hoàn thành cam kết.

Tuy nhiên, nếu lựa chọn hướng giải quyết thiếu lực như trên, rõ ràng chính quyền ông Biden đang hụt chân trong cuộc đối đầu với Bắc Kinh.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/chinh-quyen-ong-biden-lung-tung-khi-trung-quoc-that-hua-thoa-thuan-giai-doan-mot-20220104082559652.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/