Các loại thuế nhập khẩu của Mỹ và thách thức đối với Việt Nam

Biểu thuế nhập khẩu HTS hiện hành của Mỹ được ban hành trong Luật Thương mại và Cạnh tranh Omnibus năm 1988 và có hiệu lực từ 1/1/1989. Hệ thống thuế quan của Mỹ được xây dựng trên cơ sở hệ thống thuế quan của Hội đồng Hợp tác Hải quan. Mức thuế nhập khẩu có thể thay đổi và được công bố hàng năm.

Biểu thuế nhập khẩu của Mỹ và thách thức đối với Việt Nam - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: medium)

Các loại thuế có trong biểu biểu thuế nhập khẩu 

Thuế theo trị giá

Hầu hết loại thuế quan của Mỹ được đánh theo tỉ lệ trên giá trị, tức là bằng một tỉ lệ phần trăm trị giá giao dịch của hàng hoá nhập khẩu. Ví dụ mức thuế tối huệ quốc năm 2004 đối với chè xanh có hương vị đóng gói không quá 3 kg/gói là 6,4%, theo ghi nhận từ Thương vụ Việt Nam tại Mỹ.

Thuế theo trọng lượng hoặc khối lượng

Một số hàng hoá, chủ yếu là nông sản và hàng sơ chế phải chịu thuế theo trọng lượng hoặc khối lượng. Loại thuế này chiếm khoảng 12% số dòng thuế trong biểu thuế HTS của Mỹ. 

Ví dụ, mức thuế MFN năm 2004 đối với cam là 1,9 cent/kg, đối với nho tươi trong khoảng 1,13 – 1,80 USD/m3 hoặc được miễn thuế tùy thời điểm nhập khẩu trong năm. 

Thuế gộp

Một số hàng hóa phải chịu gộp cả thuế theo giá trị và thuế theo số lượng. Hàng phải chịu thuế gộp thường là hàng nông sản. Ví dụ, thuế suất MFN đối với nấm mã HTS 0709.51.01 áp dụng cho năm 2004 là 8,8 cent/kg + 20%.

Thuế theo hạn ngạch

Ngoài ra, một số loại hàng hoá khác phải chịu thuế hạn ngạch. Hàng hoá nhập khẩu nằm trong phạm vi hạn ngạch cho phép được hưởng mức thuế thấp hơn, trong khi đó hàng nhập vượt quá hạn ngạch phải chịu mức thuế cao hơn nhiều và có hệ quả như cấm nhập khẩu. 

Mức thuế MFN năm 2002 áp dụng đối với số lượng trong hạn ngạch bình quân là 9%, trong khi đó mức thuế đối với số lượng vượt hạn ngạch trung bình là 53%. Thuế hạn ngạch hiện nay đang được áp dụng với thịt bò, các sản phẩm sữa, đường và các sản phẩm đường. 

Thuế theo thời vụ

Mức thuế đối với một số loại nông sản có thể thay đổi theo thời điểm nhập khẩu vào Mỹ trong năm. 

Ví dụ, mức thuế MFN năm 2004 đối với nho tươi nhập khẩu trong thời gian từ 15/2 đến hết ngày 31/3 là 1,13 USD/m3, trong thời gian từ 1/4 đến hết 30/6 là 1,80 USD/m3 và ngoài những thời gian trên được miễn thuế.

Thuế leo thang

Một đặc điểm nữa của hệ thống thuế nhập khẩu của Mỹ là áp dụng thuế suất leo thang, nghĩa là hàng càng chế biến sâu thì thuế suất nhập khẩu càng cao. 

Ví dụ, mức thuế MFN đối với cá tươi sống hoặc ở dạng phi lê đông lạnh là 0%, trong khi đó mức thuế đối với cá khô và xông khói là từ 4% đến 6%. Loại thuế này có tác dụng khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu và hàng sơ chế hơn là hàng thành phẩm.

Các mức thuế có trong biểu biểu thuế nhập khẩu

Mức thuế tối huệ quốc (MFN)

Hay còn gọi là mức thuế dành cho các nước có quan hệ thương mại bình thường (NTR), được áp dụng với những nước thành viên Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và những nước tuy chưa phải là thành viên WTO nhưng đã kí hiệp định thương mại song phương với Mỹ như Việt Nam. 

Mức thuế tối huệ quốc nằm trong phạm vi từ dưới 1% đến gần 40%, trong đó hầu hết các mặt hàng chịu mức thuế từ 2% đến 7%. Hàng dệt may và giày dép thường chịu mức thuế cao hơn. Mức thuế MFN theo giá trị nói chung bình quân khoảng 4%. 

Mức thuế phi tối huệ quốc (Non-MFN) 

Mức thuế được áp dụng đối với những nước chưa phải là thành viên WTO và chưa kí hiệp định thương mại song phương với Mỹ như Lào, Cuba, Bắc Triều Tiên. Thuế suất Non-MFN nằm trong khoảng từ 20% đến 110%, cao hơn nhiều lần so với thuế suất MFN. 

Mức thuế áp dụng với Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA)

Hàng hoá nhập khẩu từ Canada và Mexico được miễn thuế nhập khẩu hoặc được hưởng thuế suất ưu đãi thấp hơn mức thuế MFN. 

Ví dụ, mức thuế MFN năm 2004 áp dụng chung với dưa chuột chế biến là 9,6%, trong khi đó nếu nhập khẩu từ Canada hoặc Mexico thì được miễn thuế. 

Thách thức đối với Việt Nam

Tuy Hiệp định Thương mại Việt Nam - Mỹ đã và đang phát huy hiệu quả, song Việt Nam vẫn đang đứng trước một số bất lợi về thâm nhập thị trường. 

Trước khi Hiệp định thương mại Việt Nam - Mỹ có hiệu lực tháng 12/2001, hàng của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ phải chịu mức thuế phân biệt đối xử (Non-MFN), cao hơn nhiều lần so với mức thuế tối huệ quốc (MFN). 

Đến nay, mặc dù Việt Nam đã được hưởng mức thuế MFN, song một số mặt hàng của Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ vẫn phải chịu mức thuế cao hơn so với hàng cùng loại nhập từ một số nước và khu vực khác, do Mỹ có hiệp định thương mại tự do hoặc ưu đãi thương mại đơn phương với những nước và khu vực này. 

Giải pháp duy nhất hiện nay để khắc phục khó khăn này là cải tiến quản lí sản xuất để hạ giá thành sản phẩm.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/cac-loai-thue-nhap-khau-cua-my-va-thach-thuc-doi-voi-viet-nam-20200329001652481.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/