Các cam kết CPTPP của Australia về tiếp cận thị trường hàng hóa

Australia là một trong 10 quốc gia sử dụng nhiều nhất các biện pháp phòng vệ thương mại. Đối với hàng hóa Việt Nam, tính đến 31/12/2018, Australia tiến hành 7 vụ kiện, trong đó có 5 vụ kiện chống bán phá giá và 2 vụ kiện đúp cả chống bán phá giá và chống trợ cấp.

Cắt giảm thuế quan với hàng hóa của Việt Nam

Trong CPTPP, Australia cam kết một biểu thuế quan chung, áp dụng cho tất cả các thành viên CPTPP. Trong đó, Australia cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 93% số dòng thuế ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực.

Gần như toàn bộ các dòng thuế còn lại sẽ được xóa bỏ trong vòng 3 đến 4 năm và tập trung chủ yếu ở các sản phẩm đang có thuế suất là 5 - 10%, bao gồm: nhựa và cao sudệt may, quần áo và giày dépsắt thép, linh kiện ô tô và một số máy móc, đồ nội thất. 

Sản phẩm duy nhất mà Australia không xóa bỏ thuế là ô tô đã qua sử dụng. Đối với sản phẩm này, Australia chỉ xóa bỏ mức thuế 5% đánh trên giá trị hàng hóa nhưng không xóa bỏ khoản thuế cố định 12.000 AUD đánh trên một sản phẩm.

Sản phẩm

Cam kết của Australia cho Việt Nam trong CPTPP

Rau quả

Xóa bỏ thuế quan đối với tất cả các dòng thuế ngay sau khi CPTPP có hiệu lực, trừ duy nhất một sản phẩm (măng tre – mã HS 2005.91.01) sẽ duy trì mức thuế MFN hiện tại 5% đến năm thứ 4 kể từ khi CPTPP có hiệu lực (tức là đến năm 2021) sẽ xóa bỏ thuế.

Chè, cà phê

Xóa bỏ thuế quan ngay sau khi CPTPP có hiệu lực

Hạt điều, hạt tiêu

Xóa bỏ thuế quan ngay sau khi CPTPP có hiệu lực

Đường, sữa, mật ong

Xóa bỏ thuế quan ngay sau khi CPTPP có hiệu lực

Thủy sản

Xóa bỏ thuế quan ngay sau khi CPTPP có hiệu lực

Dệt may, giày dép

Xóa bỏ đa số các dòng thuế ngay sau khi CPTPP có hiệu lực.

Các dòng thuế còn lại xóa bỏ thuế quan theo lộ trình tối đa 4 năm.

Gỗ và sản phẩm gỗ

Xóa bỏ đa số các dòng thuế ngay sau khi CPTPP có hiệu lực.

Một số ít các dòng thuế còn lại xóa bỏ thuế quan theo lộ trình 3 hoặc 4 năm.

Cam kết cắt giảm thuế quan của Australia cho một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong CPTPP. (Nguồn: trungtamwto)

CPTPP đã có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 đối với 6 nước phê chuẩn ban đầu, trong đó có Australia và có hiệu lực từ ngày 14/1/2019 đối với Việt Nam. Do Australia và Việt Nam lựa chọn cắt giảm thuế ngay lập tức hai lần cho nhau ngay sau khi CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam. 

Do lộ trình xóa bỏ thuế quan của Australia tối đa là 4 năm, đến ngày 1/1/2021 Australia sẽ hoàn thành lộ trình xóa bỏ theo CPTPP, tức là xóa bỏ toàn bộ thuế quan cho hàng hóa từ các thành viên CPTPP (trừ ô tô đã qua sử dụng).

Thời gian

Lộ trình Australia cắt giảm thuế quan cho Việt Nam

Từ 14/1/2019

Cắt giảm thuế quan theo lộ trình năm 2

Từ 1/1/2020

Cắt giảm thuế quan theo lộ trình năm 3

Từ 1/1/2021

Cắt giảm thuế quan theo lộ trình năm 4

Các năm tiếp theo

Các lộ trình tuần tự tiếp theo

Lộ trình cắt giảm thuế của Australia cho Việt Nam theo CPTPP. (Nguồn: trungtamwto)

Việt Nam cam kết như thế nào về thuế xuất khẩu?

Trong WTO, Việt Nam đã cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu ngoại trừ một số sản phẩm mà Việt Nam bảo lưu quyền tiếp tục áp thuế xuất khẩu. Những sản phẩm bảo lưu chủ yếu là những sản phẩm khai thác từ tài nguyên thiên nhiên như khoáng sản và nhiên liệu nhằm hạn chế xuất khẩu các sản phẩm này để giữ lại cho sản xuất trong nước. 

Tuy nhiên, trong CPTPP, Việt Nam đã phải cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu đối với phần lớn các sản phẩm còn bảo lưu theo WTO này, lộ trình xóa bỏ thuế là từ 5 - 15 năm. Việt Nam chỉ giữ lại quyền áp thuế xuất khẩu đối với 70 sản phẩm thuộc các nhóm khoáng sản, quặng, than và vàng

Như vậy, đối với các sản phẩm được dỡ bỏ thuế xuất khẩu theo CPTPP trong thời gian tới sẽ có cơ hội để tăng cường xuất khẩu sang các thị trường CPTPP trong đó có Australia.

Các biện pháp cấm/hạn chế nhập khẩu

CPTPP nhắc lại các nghĩa vụ trong WTO, theo đó các nước không được ban hành hoặc duy trì bất kì biện pháp cấm, hạn chế nhập khẩu nào ngoại trừ các trường hợp đã có cam kết và các ngoại lệ trong WTO. 

Bên cạnh các nghĩa vụ trong WTO, CPTPP còn yêu cầu các nước thành viên không được áp dụng các biện pháp có tính hạn chế nhập khẩu sau đây:

- Các yêu cầu về giá nhập khẩu, ngoại trừ các trường hợp thực hiện các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp

- Các biện pháp cấp phép nhập khẩu dựa trên tiêu chí về hoạt động

- Chỉ cho phép tham gia nhập khẩu hoặc cho phép nhập khẩu một loại hàng hóa nếu có quan hệ hợp đồng, hoặc quan hệ khác với một nhà phân phối nội địa

Đặc biệt, các cam kết liên quan tới các biện pháp hạn chế hoặc cấm nhập khẩu trong CPTPP sẽ được áp dụng cho cả hàng hóa tân trang (hàng hóa có một phần hoặc toàn bộ các bộ phận đã được tân trang lại nhưng có tuổi thọ và chức năng giống như một sản phẩm mới). 

Điều này có nghĩa là Australia sẽ không thể cấm hoặc hạn chế nhập khẩu các hàng hóa tân trang từ các nước thành viên CPTPP trong đó có Việt Nam.

Như vậy, các cam kết CPTPP đã mở rộng hơn WTO ở nhiều nội dung liên quan đến các biện pháp cấm hoặc hạn chế nhập khẩu. Các cam kết này sẽ đảm bảo cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Australia tránh gặp phải các biện pháp cấm/hạn chế nhập khẩu nêu trên áp dụng đối với các hàng hóa xuất khẩu mới và cả hàng tân trang.

Các cam kết về biện pháp phòng vệ thương mại trong CPTPP

Australia là một trong 10 quốc gia sử dụng nhiều nhất các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) trên thế giới. 

Tính tới thời điểm 31/12/2017, Australia đã khởi xướng 332 vụ kiến chống bán phá giá, 28 vụ kiện chống trợ cấp, và 4 vụ kiện tự vệ đối với hàng hóa nước ngoài. 

Riêng đối với hàng hóa Việt Nam, tính đến 31/12/2018, Australia tiến hành 7 vụ kiện, trong đó có 5 vụ kiện chống bán phá giá và 2 vụ kiện đúp cả chống bán phá giá và chống trợ cấp.

Đối với các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp, các cam kết trong CPTPP chủ yếu khẳng định lại các nguyên tắc của Hiệp định định về Chống bán phá giá và Hiệp định về Trợ cấp và các biện pháp đối kháng của WTO. 

Bên cạnh đó, CPTPP cũng có thêm một số cam kết mới về hợp tác, ghi nhận một số thông lệ tốt về minh bạch và quy trình điều tra, áp dụng các biện pháp này. 

Tuy nhiên, trong CPTPP không có cam kết nào đề cập hay ghi nhận qui chế kinh tế thị trường cho Việt Nam trong các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp mà các nước CPTPP tiến hành với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.

Riêng đối với các biện pháp tự vệ, CPTPP bổ sung thêm một qui trình tự vệ mới  bên cạnh qui trình tự vệ theo WTO. Cụ thể, theo CPTPP, các nước có thể duy trì hai nhóm biện pháp tự vệ, bao gồm tự vệ toàn cầu (tự vệ theo WTO như trước nay vẫn áp dụng) và tự vệ trong thời gian chuyển đổi (tự vệ riêng của CPTPP).

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/cac-cam-ket-cptpp-cua-australia-ve-tiep-can-thi-truong-hang-hoa-20200401205914269.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/