Bộ Xây dựng: Thị trường BĐS quay lại mức hấp thụ tốt

Theo Bộ Xây dựng, thị trường BĐS quay lại mức hấp thụ tốt trong quý đầu năm nay khi lượng tồn kho nhà ở thấp.

Cả nước còn tồn kho 3.300 căn nhà, thị trường quay lại mức hấp thụ tốt

Trong báo cáo vừa công bố, Bộ Xây dựng dẫn số liệu thống kê từ Sở Xây dựng các địa phương có báo cáo cho thấy, trong quý đầu năm có 25.386 giao dịch BĐS thành công, bằng 86% so với quý IV năm ngoái và tập trung chủ yếu ở phân khúc bình dân, số lượng giao dịch BĐS nhà ở cao cấp giảm hơn so với quý trước.

Tính chung ở khu vực miền Bắc có 11.011 giao dịch thành công, miền Trung có 8.307 giao dịch thành công và miền Nam có 6.068 giao dịch thành công. Riêng Hà Nội có 5.571 giao dịch thành công và TP HCM có 3.449 giao dịch thành công.

Theo ước tính của Bộ Xây dựng, số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa giao dịch trong quý đầu năm khoảng 3.300 căn. Trên cơ sở này, Bộ Xây dựng nhận định khả năng hấp thụ của thị trường tốt hơn so với cùng kỳ năm 2020 và quý IV/2020.

Các thị trường có lượng BĐS được hấp thụ nhiều chủ yếu ở Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh,... Các tỉnh, thành phố, đô thị lớn (Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM, Quảng Ninh) và các địa phương đang có tốc độ đô thị hóa mạnh (Nghệ An, tỉnh Hưng Yên, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu) cơ bản giữ được sự ổn định, lượng nhà ở đưa ra thị trường chưa được hấp thụ ở mức thấp.

Bộ Xây dựng cũng cho biết thêm, trong khi tỷ lệ hấp thụ BĐS nhà ở dần được cải thiện thì lượng giao dịch và khả năng hấp thụ đối với BĐS du lịch, nghỉ dưỡng hạn chế, tỷ lệ giao dịch bình quân của phân khúc này trong quý I chỉ đạt khoảng 30%. Cá biệt một số dự án có pháp lý đầy đủ, đảm bảo tiến độ, cũng như thông tin minh bạch có tỷ lệ giao dịch cao hơn.

Bộ Xây dựng: Thị trường BĐS quay lại mức hấp thụ tốt - Ảnh 1.

Bộ Xây dựng nhận định khả năng hấp thụ của thị trường trong quý đầu năm 2021 tốt hơn so với cùng kỳ năm 2020 và quý IV/2020. (Ảnh minh họa: Hoàng Huy).

Các doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng sau dịch và chuẩn bị cho giai đoạn mới

Cùng mới mức hấp thụ tốt của toàn thị trường, thống kê của người viết tại 10 doanh nghiệp BĐS niêm yết cho thấy, phần lớn giá trị tồn kho của các doanh nghiệp này tính đến hết quý I không biến động nhiều so với thời điểm đầu năm. 

CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, Mã: NVL) dẫn đầu nhóm này với giá trị tồn kho khoảng 90.042 tỷ đồng, tăng nhẹ 4%. Phía doanh nghiệp thông tin, tồn kho này chủ yếu là chi phí tiền sử dụng đất, chi phí tư vấn thiết kế, chi phí xây dựng và các chi phí khác liên quan trực tiếp đến các BĐS để bán đang xây dựng. 

Trong quý đầu năm, Novaland đã bán được 20-25% trong số 10.000 sản phẩm mục tiêu trong năm nay. Doanh nghiệp đang đẩy mạnh tiến độ xây dựng và bán hàng tại các dự án nghỉ dưỡng (NovaWorld Ho Tram, NovaWorld Phan Thiet), đô thị vệ tinh (Aqua City),...

Bộ Xây dựng: Thị trường BĐS quay lại mức hấp thụ tốt - Ảnh 2.

Riêng CTCP Đầu tư Nam Long (Mã: NLG), giá trị tồn kho tính đến hết tháng 3 năm nay gần 13.522 tỷ đồng, gấp 2,2 lần hồi đầu năm và tăng mạnh nhất trong nhóm 10 doanh nghiệp nói trên.

Trong quý đầu năm, doanh nghiệp ghi nhận thêm 7.174 tỷ đồng tồn kho tại dự án Đồng Nai Waterfront (tên gọi mới là Izumi City) sau khi hoàn tất mua lại 30% vốn tại đơn vị phát triển dự án. 

Theo kế hoạch do Nam Long công bố, dự án này sẽ được triển khai trong năm nay. Hiện tại, dự án đang được thiết kế, chuẩn bị khởi công và đã bắt đầu tiến hành mở bán.

Đối với trường hợp của CTCP Tập đoàn Đất Xanh (Mã: DXG) và CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR), gánh nặng tồn kho kẹt ở một số dự án cũ từ nhiều năm nay. 

Trong đó, tồn kho lớn nhất của Đất Xanh đang nằm tại hai dự án Gem Riverside (1.559 tỷ đồng) và Opal Boulevard (1.175 tỷ đồng).

Bên cạnh hai dự án The EverRich 2 và 3 chiếm gần 4.481 tỷ đồng tồn kho, từ năm ngoái, Phát Đạt đã ghi nhận thêm hàng nghìn tỷ đồng tồn kho tại dự án Tropicana Bến Thành Long Hải. Hiện dự án này đang trong giai đoạn thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết theo quy định của pháp luật.

Trong khi chờ đợi giải quyết dứt điểm các dự án cũ, các doanh nghiệp vẫn tích cực bán hàng tại các dự án hiện hữu (Bình Dương, Đồng Nai, các tỉnh ven biển miền Trung), song song với việc triển khai kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo. 

Ba tháng đầu năm 2021, Đất Xanh lãi ròng 531 tỷ đồng, chủ yếu đến từ các dự án đã được mở bán thành công ở năm 2020. Đất Xanh sẽ tiếp tục mở bán dự án Cityview ở Bình Dương (1.600 căn hộ) và giai đoạn 2 của dự án Gem Sky World (Long Thành, Đồng Nai) trong năm nay.

Về phía Phát Đạt, hai năm trở lại đây doanh nghiệp ghi nhận lãi lớn từ các dự án đất nền ven biển miền Trung như Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội (Bình Định), Phát Đạt Bàu Cả (Quảng Ngãi),...

Dự báo nguồn cung các dự án BĐS trong năm 2021, Bộ Xây dựng cho rằngng sẽ có sự tăng trưởng nhờ sự tăng tốc của các doanh nghiệp lớn. Từ những tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh kế hoạch kinh doanh và hoạt động đầu tư.

Đơn cử như Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC) đã công bố chiến lược phát triển 25 trung tâm thương mại Vincom và Vincom Mega Mall trên toàn quốc tại 19 tỉnh thành gồm Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, Biên Hòa, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Việt Trì...

Hay như CTCP Địa ốc Phú Long cho biết sẽ ra mắt dự án chung cư cao cấp với hàng nghìn căn hộ tại huyện Nhà Bè trong năm nay và phát triển BĐS nghỉ dưỡng biển với dự án L'Alyana Senses World tại Phú Quốc.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/bo-xay-dung-thi-truong-bds-quay-lai-muc-hap-thu-tot-20210513171900557.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/