Bên trong khu công nghiệp duy nhất thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc tại Việt Nam

Nhiệm vụ đầu tiên của ban điều hành Khu Hợp tác Kinh tế và Thương mại Trung Quốc - Việt Nam là giới thiệu dự án hợp tác kinh tế quốc tế hàng đầu của Chính phủ Trung Quốc, Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Bên trong khu công nghiệp duy nhất thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc tại Việt Nam - Ảnh 1.

Khoảng 16 trong 21 doanh nghiệp từ Trung Quốc chuyển sang VCEP từ khi chiến tranh thương mại bắt đầu. Ảnh: Cissy Zhou.

Khu công nghiệp duy nhất thuộc sở hữu Nhà nước Trung Quốc tại Việt Nam

Đến giữa năm 2018, hoạt động kinh doanh tại khu công nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước Trung Quốc duy nhất tại Việt Nam đã chững lại.

Cụ thể, khu công nghiệp tọa lạc tại trung tâm sản xuất phía đông bắc của Việt Nam, Hải Phòng và thuộc sở hữu hoàn toàn của chính quyền thành phố Thâm Quyến.

Thuế quan mà Tổng thống Donald Trump áp lên hàng hóa Trung Quốc vào năm ngoái đã thay đổi cục diện, theo South China Morning Post.

16 trong 21 doanh nghiệp từ đất nước tỉ dân chuyển đến Khu Hợp tác Kinh tế và Thương mại Trung Quốc - Việt Nam (VCEP) (Thâm Quyến - Hải Phòng). Rất nhiều trong số các doanh nghiệp ấy là nhà sản xuất thiết bị điện tử.

Giới thiệu dự án hợp tác kinh tế hàng đầu của Trung Quốc - Sáng kiến Vành đai và Con đường

Mặc dù bất kì tổ chức thương mại nào cũng sẽ vui mừng trước sự dịch chuyển ồ ạt của các nhà sản xuất Trung Quốc vào Việt Nam, nhiệm vụ đầu tiên của nhà điều hành khu công nghiệp là giới thiệu dự án hợp tác kinh tế quốc tế hàng đầu của Chính phủ Trung Quốc: Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Chi nhánh Thâm Quyến của Ủy ban Kiểm soát và Giám sát Tài sản Nhà nước Trung Quốc (SASAC) đảm nhận nhiệm vụ theo dõi toàn bộ doanh nghiệp thuộc sở hữu của thành phố.

"SASAC đã yêu cầu chúng tôi biến khu công nghiệp thành điểm giới thiệu cho Sáng kiến Vành đai và Con đường, nhờ đó các lãnh đạo cấp cao có thể ghé qua khu công nghiệp khi thực hiện viếng thăm cấp nhà nước đến Việt Nam", ông Chen Xu, Phó Tổng quản lí tại VCEP, nói với tờ South China Morning Post.

Không thể thu lợi nhuận, tại sao Trung Quốc vẫn theo đuổi dự án VCEP?

Khu công nghiệp là một phần trong câu chuyện lớn về chiến tranh thương mại. Đa phần mọi người tin rằng các doanh nghiệp Trung Quốc và quốc tế đang rời khỏi Trung Quốc để tránh thuế quan, thành lập trung tâm sản xuất giá rẻ tại Việt Nam và các nước khác ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, bức tranh lại đa dạng hơn thế.

Tại Hải Phòng, một bộ phận của Chính phủ Trung Quốc đang tích cực khuyến khích doanh nghiệp đến Việt Nam, rót vốn đầu tư 200 triệu USD với hi vọng tạo ra 30.000 việc làm vào thời điểm toàn bộ dự án gồm ba giai đoạn hoàn thành vào năm 2022.

Dự án VCEP đã bị đình chỉ vào năm 2014 và sau khi Việt Nam thu hồi đất, chính quyền thành phố Thâm Quyết quyết định tiếp quản toàn bộ dự án, theo Tổng quản lí VCEP Zhang Xiaotao.

"Vào thời điểm đó, chúng tôi xác định không thể kiếm lợi nhuận từ dự án. Vậy tại sao chúng tôi vẫn tiếp quản nó? Chúng tôi phải phục vụ Sáng kiến Vành đai và Con đường, vì đó là chiến lược quốc gia", ông Zhang nói.

Ông nói thêm rằng VCEP từ bỏ một phần lợi nhuận sau khi bán đất trong khu công nghiệp với giá thấp hơn và cơ sở sản xuất tốt hơn các khu công nghiệp lân cận. 

"Chúng tôi vẫn bị ảnh hưởng bởi giá đất hiện tại. Ông chủ của chúng tôi hiểu tình hình và yêu cầu chúng tôi tránh thua lỗ bằng mọi giá. Thu lợi nhuận chắc chắn là ưu tiên hàng đầu của bất kì công ty nào. Tuy nhiên chúng tôi thì khác, VCEP không phải là một dự án thương mại thuần túy", ông thổ lộ.

Để duy trì danh tiếng tốt, VCEP chỉ chào đón doanh nghiệp có công nghệ cao

Hơn nữa, một giả định phổ biến là Trung Quốc xây dựng khu công nghiệp ở nước ngoài để tạo ra ngành công nghiệp cấp thấp, thâm dụng lao động và gây ô nhiễm cao nhằm nâng cấp khả năng sản xuất trong nước.

Mặc dù các nhà máy sản xuất cấp thấp của Trung Quốc tại Việt Nam thường xả thải và gây ô nhiễm môi trường, VCEP đang nỗ lực để tránh tình trạng ấy.

Do nhu cầu duy trì danh tiếng tốt, khu công nghiệp VCEP không chào đón doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như các nhà máy sản xuất giày dép bởi nó rất tệ cho hình ảnh của chúng tôi, ông Chen nói.

Thay vào đó, VCEP tập trung vào kĩ thuật công nghệ cao, loại hình công nghiệp mà Trung Quốc khao khát "nuôi dưỡng" trên chính đất nước của họ.

Với khoảng 1.500 người lao động, VCEP vẫn còn cách xa mục tiêu 30.000 công nhân, song số lượng nhà sản xuất Trung Quốc muốn xây dựng nhà máy tại khu công nghiệp hiện tại gấp 8 lần so với thời điểm chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bắt đầu vào tháng 7/2018.

Các doanh nghiệp mới đến phải mua đất từ VCEP và xây dựng cơ sở vật chất riêng bởi những tòa nhà họ thi công ban đầu đã được cho thuê hết.

TP-Link - ví dụ về lợi ích mà chiến tranh thương mại mang lại cho Việt Nam

TP-Link, nhà sản xuất sản phẩm mạng máy tính Trung Quốc (có trụ sở tại Thâm Quyến), đã thuê một nhà máy trong khu công nghiệp và sẽ bắt đầu thử nghiệm thiết bị vào tháng 7 tới.

Công ty này, vốn là nhà cung cấp thiết bị mạng Wifi tiêu dùng lớn nhất thế giới, đã mua thêm 140.000 m2 đất trong VCEP để mở rộng sản xuất.

Khi TP-Link mua đất vào cuối năm 2018, giá chỉ dao động trong phạm vi 75 - 80 USD/m2, ông Chen nói. Tuy nhiên, sau 6 tháng, giá đất đã tăng lên 90 USD/m2. Điều này cho thấy lợi ích do chiến tranh thương mại tạo ra tại Việt Nam đã gia tăng.

Theo dữ liệu từ Cục Đầu tư Nước ngoài, Việt Nam đã thu hút 16,74 tỉ USD đầu tư nước ngoài trong 5 tháng đầu năm 2019, tăng 69,1% so với một năm trước. Trong đó, 72% vốn đầu tư đến từ lĩnh vực sản xuất và chế biến.

Trung Quốc giúp Việt Nam với sự chân thành

"Dĩ nhiên, Chính phủ Trung Quốc không hài lòng về số lượng doanh nghiệp sản xuất chuyển đến Việt Nam ngày càng tăng, nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình luôn thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường. Chính quyền thành phố của chúng tôi không thể can thiệp", ông Chen nói.

Trong một bài viết trên tờ South China Monring Post, giảng viên của Học viện Ngoại giao Việt Nam, bà Lâm Thanh Hà, đã cảnh báo doanh nghiệp Trung Quốc chớ vội "nhảy" vào Việt Nam. Tuy nhiên, ông Zhang lại có quan điểm trái ngược với bà Hà.

"Chúng tôi không chuyển tất cả ngành công nghiệp cấp thấp sang Việt Nam bởi hành động này là vô trách nhiệm. Trung Quốc đang cố gắng giúp Việt Nam với sự chân thành, ngay cả khi chúng tôi không có lợi nhuận, chúng tôi vẫn muốn tiến hành dự án", ông Zhang nói.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ben-trong-khu-cong-nghiep-duy-nhat-thuoc-so-huu-cua-chinh-phu-trung-quoc-tai-viet-nam-20190603235238833.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/