Bamboo Airways: Một nửa đội bay chưa cất cánh sau dịch, tính kế đẩy mạnh bay chở hàng

Thị trường hàng không Việt Nam trong tháng 5 đã hồi phục nhanh chóng nhưng vẫn còn kém rất xa thời điểm trước dịch COVID-19, nhiều tàu bay của các hãng vẫn đang phải nằm đất. Vì vậy, Bamboo Airways đã tăng cường các chuyến bay chở hàng để tối ưu sử dụng tài sản.

Bamboo Airways: Một nửa đội bay chưa cất cánh sau dịch, tính kế đẩy mạnh bay chở hàng - Ảnh 1.

Sự kiện "Hàng không Việt trỗi dậy và sự hồi phục nền kinh tế" được tổ chức chiều 30/5/2020 tại Quần thể FLC Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: Đức Quyền.

Từ cuối tháng 4 đến nay, trong bối cảnh dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, thị trường hàng không Việt Nam đã hồi phục nhanh chóng. Đặc biệt từ ngày 8/5, các hãng được gỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp giãn cách trên tàu bay, được mở bán 100% số ghế. Số chuyến bay trong giai đoạn 19/4-18/5 đã tăng tới 73% so với tháng liền trước.

Mặc dù vậy, nhu cầu đi du lịch và di chuyển bằng đường hàng không vẫn còn thấp, một phần vì tâm lí e ngại rủi ro dịch bệnh, một nguyên nhân khác là thu nhập người dân suy giảm.

Chia sẻ tại tọa đàm "Hàng không Việt trỗi dậy và sự hồi phục kinh tế" tổ chức chiều 30/5, ông Võ Huy Cường – Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết đội bay của các hãng hàng không trong nước vẫn còn phải nằm đất nhiều.

"Bamboo Airways và Vietjet Air còn khoảng 50% số tàu bay chưa được cất cánh, tỉ lệ của Vietnam Airlines còn lớn hơn", ông Cường nói.

Theo ông Cường, Cục Hàng không hiện nay không ngăn cản các hãng mở đường bay hoặc tăng chuyến bay, chỉ cần đáp ứng được các yêu cầu kĩ thuật, an toàn và không bị hạn chế về hạ tầng".

Nhiều tàu bay nằm đất sẽ chiếm không gian đường lăn, sân đỗ, slot cất hạ cánh cũng bị ảnh hưởng. "Khi nào máy bay cất cánh lên trời thì khi đó mới giải phóng được sân đỗ", Cục phó Cục Hàng không nói.

Ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC và hãng hàng không Bamboo Airways cũng cho biết hiện nay hãng bay của ông đã mở lại 90% số đường bay so với trước khi có dịch. Tuy nhiên số chuyến bay khai thác thì chỉ đạt khoảng 50% con số 150 chuyến/ngày trước dịch.

Mặc dù vậy, ông Quyết kì vọng Bamboo Airways sẽ phủ kín các đường bay nội địa vào tháng 6 hoặc tháng 7. Theo ông Quyết, Bamboo Airways ít bị ảnh hưởng hơn so với các hãng khác vì mạng bay quốc tế không lớn.

Hiện nay, hoạt động vận tải quốc tế vẫn chưa trở lại bình thường, các chuyến bay vẫn phải được xét duyệt và cấp phép theo từng trường hợp, số lượng rất hạn chế.

Bamboo Airways: Một nửa đội bay chưa cất cánh sau dịch, tính kế đẩy mạnh bay chở hàng - Ảnh 2.

Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC và hãng hàng không Bamboo Airways. Ảnh: Đức Quyền.

Trong quí I vừa qua, Bamboo Airways lỗ khoảng 1.500 tỉ đồng, Tập đoàn FLC lỗ sau thuế hợp nhất hơn 1.900 tỉ đồng. Khi được hỏi liệu Bamboo Airways có thể có lãi trong năm 2020 không, ông Quyết cho rằng còn quá sớm để khẳng định. 

"Hiện nay mới là giữa quí II, tôi cho rằng đỉnh điểm của khó khăn đã đi qua nhưng các chuyến bay có mang lại hiệu quả hay không thì phải đợi đến cuối năm mới trả lời được", ông Quyết nói.

Chủ tịch Bamboo Airways cũng khẳng định hãng hàng không này sẽ đưa cổ phiếu BAV lên sàn chứng khoán trong năm 2020. 

Sau khi dịch được kiểm soát, Bamboo Airways dự kiến mở lại đường bay tới Hàn Quốc và Đài Loan, sau đó mở đường bay đi Nhật và Séc. "Đường bay đi Séc có điều kiện rất thuận lợi, được chính phủ hai nước ủng hộ, Bamboo Airways đã hoàn thành mọi thủ tục, dự kiến bay chuyến đầu tiên vào tháng 4 nhưng phải hoãn lại vì COVID-19".

Chia sẻ thêm về định hướng trong thời gian tới, ông Đặng Tất Thắng – Tổng Giám đốc Bamboo Airways nói: "Trong bối cảnh lượng khách nội địa cũng như quốc tế còn hạn chế, việc khai thác các chuyến bay chở hàng hóa sẽ giúp giảm số tàu bay phải nằm đất, tối ưu nguồn lực sẵn có".

"Thời gian qua, nhu cầu chở các vật tư y tế xuất khẩu tới các nước khác tăng đột biến. Bamboo Airways đã xin phép Cục Hàng không để vận chuyển hàng hóa trên máy bay chở khách và Cục đã phê chuẩn".

Theo ông Thắng, Bamboo Airways đã khai thác các chuyến bay charter (thuê nguyên chuyến) tới CH Séc, Anh, Pháp và dự kiến trong thời gian tới đây là Italia và Đức.

Bamboo Airways: Một nửa đội bay chưa cất cánh sau dịch, tính kế đẩy mạnh bay chở hàng - Ảnh 3.

Ông Đặng Tất Thắng - Tổng Giám đốc Bamboo Airways, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC. Ảnh: Đức Quyền.

"Các hãng hàng không Việt Nam hiện nay chưa có ngách riêng về vận chuyển hàng hóa. Chúng tôi cho rằng hàng hóa sẽ là một lĩnh vực bùng nổ trong thời gian tới. Do ảnh hưởng của dịch, nhu cầu mua sắm và vận chuyển hàng hóa sẽ tăng lên. Bamboo Airways đang nghiên cứu để triển khai Bamboo Airways Cargo, có thể khai thác một số máy bay chuyên dụng cho chở hàng".

Trong mùa dịch vừa qua, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cũng đã sử dụng các tàu bay chở khách để vận chuyển hàng hóa. Các chuyến bay ban đầu sử dụng khoang hành lí của các tàu thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner và Airbus A350 với sản lượng đạt 20-25 tấn/chiều, tương đương hệ số sử dụng tải 95% - 100%.

Sau đó, Vietnam Airlines đã được Cục Hàng không cho phép vận chuyển hàng hóa trong khoang chở khách. Các kiện hàng được đặt lên ghế ngồi và chằng buộc chắc chắn trước khi cất cánh.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/bamboo-airways-mot-nua-doi-bay-chua-cat-canh-sau-dich-tinh-ke-day-manh-bay-cho-hang-2020053019334107.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/