|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

S&P Global: Tăng trưởng toàn cầu có thể giảm tới 1% vì thuế quan

17:12 | 04/06/2018
Chia sẻ
Hôm 4/6, chuyên gia kinh tế trưởng của S&P Global dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu có thể giảm khoảng 1%, nếu các đe dọa thuế quan leo thang thành một cuộc chiến tranh thương mại.

Nó có thể không phải một cuộc suy thoái toàn cầu, nhưng có thể tưởng tượng ra một kịch bản thay vì tăng trưởng toàn cầu ở cả ba khu vực, chúng ta chỉ có tăng trưởng ở hai nơi, với Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đồng loạt rút lui”, ông Paul Gruenwald, chuyên gia kinh tế trưởng tại công ty phân tích S&P Global cho biết.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tăng trưởng toàn cầu trong năm 2017 đạt 3,7% và được dự báo sẽ ở mức 3,8% vào năm nay và 3,9% năm 2019. Con số này gần với mức 4% đạt được trước khi diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính, và khiến thế giới mất gần một thập kỷ để đạt được mốc đó.

Cả OECD và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã phát hành dự báo cho thấy niềm tin với tăng trưởng toàn cầu, trong khi nhấn mạnh một cuộc chiến thương mại là một rủi ro suy giảm lớn đối với triển vọng nhìn chung vẫn tích cực của họ.

Theo CNBC, S&P không phải tổ chức duy nhất đưa ra con số này. Theo tính toán của Ngân hàng Trung ương châu Âu, tăng trưởng toàn cầu có thể giảm tới 1% trong năm đầu tiên, sau khi những thay đổi thuế quan và thương mại hàng hóa trên thế giới có thể giảm tới 3%.

sp global tang truong toan cau co the giam toi 1 vi thue quan
Thuế quan của Mỹ đang dấy lên mối lo ngại về một cuộc chiến thương mại toàn cầu.

Căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng gia tăng kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế quan lên 150 tỷ USD giá trị hàng hóa của Trung Quốc, vì những hoạt động thương mại không công bằng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và khoảng cách thâm hụt thương mại của Mỹ. Trung Quốc ngay sau đó phản ứng bằng việc đe dọa nâng thuế đối với 50 tỷ USD giá trị hàng hóa từ Mỹ, và hai quốc gia hiện đang trong quá tình đàm phán nhưng vẫn chưa đạt được kết quả lớn nào.

Các cuộc đàm phán liên quan đến việc thu hẹp thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ, đạt mức cao kỷ lục 375,2 tỷ USD trong năm 2017, thông qua việc tăng thu mua hàng hóa của Mỹ, đặc biệt trong ngành năng lượng và nông nghiệp.

Tuy nhiên, bất kỳ tiến triển nào đều rơi vào rủi ro trong thứ Ba (29/5) tuần trước, khi Nhà Trắng lần nữa đe dọa áp thuế 25% đối với 50 tỷ USD giá trị sản phẩm công nghệ cao của Trung Quốc, vì cho rằng Trung Quốc đánh cắp công nghệ của các doanh nghiệp nước ngoài.

Cuối tuần vừa rồi, Trung Quốc cảnh báo bất cứ thỏa thuận nào đạt được trong những buổi đàm phán đó sẽ không có hiệu lực và các biện pháp trả đũa sẽ được triển khai, nếu chính quyền Washington thực hiện các mức thuế quan này.

Thị trường vẫn "bình tĩnh"

Thị trường không phản ứng quá mạnh đối với các thông tin, khi thị trường châu Á trong phiên giao dịch thứ Hai (4/6) tăng và đang chạm đỉnh 2,5 năm sau khi chốt phiên giao dịch ngày thứ Sáu (1/6) ở mức cao nhờ báo cáo bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ cho kết quả tốt.

Một số nhà quan sát của Phố Wall nhận định có lẽ thị trường đã quen dần với phong cách đàm phán thất thường của ông Trump.

Mặc dù triển vọng của S&P vẫn lạc quan và được hỗ trợ nhờ các yếu tố cơ bản của thị trường mạnh mẽ, rủi ro có vẻ ngày càng trở nên rõ ràng hơn trước. Đe dọa về một cuộc chiến thương mại gia tăng, điều sẽ thấy các quốc gia khác ngoài Mỹ và Trung Quốc tăng rào cản đối với thương mại toàn cầu, có thể đảo ngược đà tăng được cho là nhân tố chính cho sự lạc quan.

Xem thêm

Lyly Cao