|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Kim loại tăng giá nhờ tăng trưởng toàn cầu tích cực

08:00 | 31/10/2017
Chia sẻ
Kinh tế toàn cầu đang tăng tốc và đó là tín hiệu tích cực cho giá kim loại. Đó là thông điệp lạc quan trước thềm Tuần lễ Sàn Giao dịch Kim loại London (LME Week), cuộc họp thường niên của cộng đồng sản xuất và tiêu thụ kim loại tại London.
kim loai tang gia nho tang truong toan cau tich cuc
Ảnh minh họa. Nguồn: Matthew Lloyd/Bloomberg.

Lần đầu tiên trong nhiều năm, tâm lý lạc quan đang bao trùm các sàn giao dịch, xưởng luyện kim, công ty khai khoáng và các nhà môi giới nhờ đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của các thị trường tiêu thụ chính, cũng như tình trạng nguồn cung từ Trung Quốc sụt giảm và sự quan tâm của nhà đầu tư ngày càng tăng.

“Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang tốt hơn bao giờ hết kể từ cuộc khủng hoảng năm 2015, và có lẽ cả trước đó. Tôi đang rất lạc quan”, ông Saad Rahim, chuyên gia kinh tế tại Trafigura Group, cho biết.

Tâm lý lạc quan cho thấy mọi thứ đã thay đổi sau hai năm, khi thị trường hàng hóa sụp đổ khiến các công ty khai khoáng hàng đầu thế giới ngã gục. Tháng 9/2015, Glencore Plc buộc phải huy động thêm vốn khi giá cổ phiếu của hãng giảm mạnh, một động thái nhằm trấn an nhà đầu tư trước nguy cơ nợ nần chồng chất. Hiện tại, công ty khai khoáng khổng lồ này đã lấy lại thăng bằng, thu về lợi nhuận và mua lại các nguồn tài nguyên thiên nhiên trị giá hàng tỷ USD trên khắp thế giới.

Giá kim loại công nghiệp tăng mạnh từ giữa năm đến nay. Giá đồng đang tiến đến ngưỡng 7.000 USD/tấn, giá kẽm lên cao nhất thập kỷ và giá nhôm tăng vọt gần 30% chỉ trong năm nay. Trong bối cảnh đó, các quỹ đầu cơ vĩ mô, từng là thành phần giao dịch chính trên sàn LME, đang bắt đầu nhòm ngó đến thị trường kim loại.

Nhu cầu kim loại

“Nhà đầu tư bắt đầu quan tâm hơn đến thị trường kim loại từ cuối mùa hè”, ông Sid Tipples, giám đốc điều hành mảng kinh doanh kim loại tại JPMorgan Chase & Co, cho biết.

Lượng hàng hóa giao dịch trên sàn LME trong tháng 9 đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2015. Ông Matthew Chamberlain, giám đốc điều hành LME, cho rằng vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng.

“Trước khi chính thức gia nhập thị trường, các quỹ đầu tư phải tìm ra chiến lược tối ưu và chuẩn bị tư thế sẵn sàng, đó có vẻ là tâm lý chung trên thị trường”, ông Chamberlain cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

Lần đầu tiên trong nhiều năm, dự báo nhu cầu kim loại toàn cầu không chỉ xoay quanh Trung Quốc. Hoạt động sản xuất trong khu vực eurozone đang tăng nhanh nhất kể từ năm 2014. Trong tháng này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng của Mỹ, khu vực eurozone, Nhật Bản và Trung Quốc, đồng thời cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu hiện cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Tiêu thụ kim loại ở châu Âu đang rất khả quan nhờ nhu cầu của ngành xây dựng và ô tô tăng cao. Lần đầu tiên trong 4 năm qua, nhà sản xuất đồng lớn nhất thế giới Codelco đã tăng mức thu phí bảo hiểm khi giao hàng hóa kim loại đến châu Âu. Các nhà dự báo, trong đó có Bank of China International, cho biết giá kim loại công nghiệp sẽ tiếp tục tăng trong giai đoạn kinh tế toàn cầu tăng trưởng.

“Triển vọng kinh tế đang sáng sủa hơn bao giờ hết tại khắp các nền kinh tế lớn trên thế giới với tăng trưởng vững chắc của châu Âu, Mỹ và Trung Quốc”, ông Tipples cho biết.

Ngoài nhu cầu tăng, các lo ngại về nguồn cung cũng khiến giá cả tăng cao. Việc Glencore cắt giảm sản lượng đã giúp giá kẽm tăng vọt. Tương tự, chính sách siết chặt sản lượng của chính phủ Trung Quốc cũng đẩy giá nhôm lên cao.

Theo số liệu của hãng tư vấn CRU Group, giá ôxít nhôm, nguyên liệu chính để sản xuất nhôm, đã tăng vọt 56% kể từ tháng 8 giữa làn sóng mua vào ào ạt của các nhà luyện nhôm khi chính phủ cắt giảm sản lượng.

Phí xử lý quặng chì, chi phí mà các công ty khai khoáng phải trả cho nhà luyện kim để xử lý quặng thành kim loại, đang ở mức âm. Các lô quặng chì nguyên chất được giao dịch với mức phí xử lý 40 USD/tấn, tức nhà kinh doanh phải mua quặng chì với giá cao hơn giá trị thực của nó.

Trên sàn LME, tổng lượng hàng tồn kho đều giảm. Dự trữ kim loại ghi nhận trên hệ thống quản lý của sàn giao dịch đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008.

Tuy nhiên, ông Mark Hansen, giám đốc điều hành Concord Resources Ltd., cho rằng tăng trưởng toàn cầu không thể duy trì ở tốc độ cao mãi.

Ông cảnh báo rằng các công ty khai khoáng có thể phản ứng với tình trạng tăng giá gần đây bằng cách mở rộng sản xuất, đặc biệt là kẽm do giá giao dịch hiện cao hơn rất nhiều so với chi phí sản xuất.

“Hai năm trước, mọi thứ thật khủng khiếp với ngành khai khoáng. Nhưng giờ tất cả đã tốt hơn. Xu hướng tăng giá của kim loại có thể duy trì trong 6 – 12 tháng tới”, ông Hansen cho biết.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Trường Giang

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.