Zero COVID đang giết chết lợi thế sản xuất của Trung Quốc

Các doanh nghiệp sản xuất đang mất dần lý do để trụ lại với Trung Quốc khi mà chính sách Zero COVID vẫn tiếp diễn và những trung tâm sản xuất khác đang nổi lên.

Công nhân rời khỏi nhà máy Foxconn tại Trịnh Châu để tránh bị cách ly. (Ảnh: AP).

Theo Bloomberg, tại tỉnh Hồ Nam, công nhân đi bộ thành hàng dài trên đường cao tốc, cầm theo những túi đồ đựng đầy hành lý. Những người công nhân này đang chạy khỏi nhà máy sản xuất iPhone của Foxconn ở Trịnh Châu do lo sợ nhiễm COVID và phải cách ly.

Để tuân thủ theo chính sách chống dịch khắt khe của Trung Quốc, Foxconn đã cấm công nhân ăn uống ở canteen trung tâm. Một vài công nhân chỉ được cung cấp bữa ăn đơn giản như bánh mỳ hay mì tôm.

Vào hôm 30/10, số ca nhiễm trên toàn Trung Quốc đã tăng cao nhất trong vòng 80 ngày. Nhiều công nhân đã lo sợ về nguy cơ bị kẹt lại trong nhà máy với điều kiện thiếu thốn. Một cuộc chạy trốn dường như là lựa chọn tốt nhất. 

Reuters cho biết sản lượng của nhà máy Foxconn này có thể sẽ giảm tới 30% vào tháng 11. Foxconn tuyên bố “đảm bảo sức khỏe và an toàn của những đồng nghiệp làm việc trong dây chuyền sản xuất, tuân thủ theo quy định phòng dịch và sản xuất an toàn”. Doanh nghiệp này từ chối bình luận về tình trạng giảm năng suất đã được báo cáo.

Trong hơn hai năm, Trung Quốc hầu như tránh được những ảnh hưởng về y tế từ đại dịch COVID. Những đợt phong tỏa ban đầu nhằm ngăn sự lây lan đã mở đường cho những giải pháp sáng tạo để giữ trái tim công nghiệp của Trung Quốc tiếp tục đập. Những hệ thống khép kín dường như là một lựa chọn có thể chấp nhận được, dù có phần hà khắc.

Các doanh nghiệp, từ những cái tên nội địa như Huawei, BYD, Contemporary Amperex Technology (CATL) đến những thương hiệu quốc tế như Tesla hay General Motors đều được hưởng lợi khi công nhân ngủ tại nhà máy, ăn mì tôm để đảm bảo hoạt động sản xuất được tiếp tục.

Sau đó, phần còn lại của thế giới, nhờ vào những vắc xin rẻ và hiệu quả, cũng như suy nghĩ rằng cuộc sống phải tiếp tục, đã quyết định rằng sự bình thường phải trở lại. Chủ tịch Tập Cận Bình lại nhìn nhận theo một hướng khác, gọi cách tiếp cận của Trung Quốc là “cuộc chiến nhân dân để ngăn chặn sự lây lan của virus”. 

Quá muộn để ngăn chặn hậu quả

Các công nhân cổ xanh chạy khỏi nhà máy là biểu hiện cho thấy màn cá cược nguy hiểm mà ông Tập đang tham gia. Và kể cả khi Zero COVID được ngừng ngay lập tức, thì đã quá muộn để ngăn chặn hậu quả.

Đại Trung Quốc (bao gồm Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Macau, Đài Loan) không phải khu vực quan trọng nhất với Apple.

Các doanh nghiệp toàn cầu như Foxconn hay Apple vốn đã nhận thức được sự cần thiết phải giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc trước cả khi đại dịch bùng phát.

Trong thập kỷ qua, Apple đã có một sự tập trung không lành mạnh với Trung Quốc trên cả hai mặt trận. Trung Quốc vừa cung cấp sự tăng trưởng doanh thu phi thường, vừa là nguồn cung ứng gần như mọi sản phẩm của Apple.

Chủ nghĩa dân tộc lên ngôi và các đối thủ cạnh tranh ngày càng lớn mạnh đồng nghĩa với việc Apple không thể có được doanh số như kỳ vọng tại Trung Quốc.

Khu vực Đại Trung Quốc từng đóng góp 25,1% cho doanh thu của Apple vào năm 2015. Đến năm ngoái, con số này giảm xuống còn 18,8%. Sự đóng góp cho tăng trưởng gia tăng của Apple trong thập kỷ qua từ Bắc Kinh chỉ đứng thứ ba, sau châu Âu và Mỹ.

Khu vực Đại Trung Quốc đóng góp khoảng 1/5 doanh thu của Apple trong những năm qua.

Vai trò của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất cũng đang giảm dần. Ấn Độ, Brazil, Việt Nam, Indonesia và Cộng hòa Séc đang dần nổi lên trong danh sách nhà cung ứng của Apple.

Trung Quốc hiện vẫn và sẽ là trung tâm công nghiệp của Foxconn, cũng như Apple. Tuy vậy, Foxconn cũng đang tìm cách chuyển nguồn lực sang nơi khác.

Trong 30 năm, lý do chính để gắn bó với Trung Quốc là nguồn lao động dồi dào, mức lương thấp và môi trường ổn định. Hai lợi thế đầu tiên đã mất đi vào thập kỷ trước khi người dân Trung Quốc cho rằng làm việc trong nhà máy không phải là một lựa chọn hấp dẫn. Mức lương đã tăng tương xứng với nền kinh tế đang chuyển từ sản xuất sơ cấp và thứ cấp sang các ngành công nghiệp như phần mềm và dịch vụ.

Ít nhất, sự ổn định vẫn còn tồn tại và giữ cho toàn bộ hệ sinh thái sản xuất gắn chặt với Trung Quốc. Các quy tắc và luật lệ đều được phổ biến và dễ tuân thủ, cơ sở hạ tầng, bao gồm điện, nước và logistics đều đáng tin cậy, trong khi công nhân hiếm khi đình công hay biểu tình.

Năm vừa qua đã thử thách tất cả những niềm tin trên. Đợt hạn hán kỷ lục đã dẫn đến mất điện, các biện pháp phòng dịch đã chặn đứng vận tải trong nước và quốc tế, còn công nhân trở nên căng thẳng do các đợt phong tỏa kéo dài.

Tất nhiên, vị thế là trung tâm sản xuất toàn cầu của Trung Quốc sẽ không nhanh chóng mất đi. COVID-19 sẽ không phải là nguyên nhân khiến Bắc Kinh không còn là công xưởng của thế giới.

Tuy vậy, cách xử lý phòng dịch của Trung Quốc đã loại bỏ mọi nghi ngờ về sự cần thiết phải chuyển dịch sản xuất ra nước ngoài. Và khi công suất tăng lên ở nước ngoài, sức ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với các nhà cung cấp và khách hàng sẽ mất đi.

Bloomberg tin rằng trong một thập kỷ nữa, iPhone vẫn sẽ được sản xuất tại Trung Quốc. Tuy vậy, thương hiệu hàng đầu thế giới và các công ty phục vụ nó sẽ không còn lũ lượt kéo đến một quốc gia như Trung Quốc, vốn đã không còn có thể mang lại những lợi ích như xưa.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/zero-covid-dang-giet-chet-loi-the-san-xuat-cua-trung-quoc-2022111153235744.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/