Yêu cầu cấp bách nhìn từ các nghi án 'đội lốt' hàng Việt

Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, do chưa có quy định về tiêu chí ghi nhãn nước sản xuất hàng hóa, khái niệm “hàng hóa Việt Nam” có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau.

Yêu cầu cấp bách nhìn từ các nghi án 'đội lốt' hàng Việt - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu xác minh thông tin Asanzo nhập hàng nước khác gắn nhãn Việt Nam.

Trong thời gian vừa qua, hiện tượng gian lận thương mại thông qua ghi nhãn xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Mới đây nhất là nghi án Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam.

Trước thông tin phản ánh trên báo chí, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính – Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh vụ việc Công ty cổ phần Điện tử Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam, làm rõ các vi phạm để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính và Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan chức năng (Hải quan, Quản lý thị trường…) rà soát lại việc thực hiện quản lý nhà nước và chức trách nhiệm vụ được giao trong vụ việc này, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Công Thương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 30/7/2019.

Trong trường hợp Asanzo, nhiều ý kiến đã cho rằng có dấu hiệu gian dối, đánh lừa người tiêu dùng. Bên cạnh đó, vụ việc này cũng cho thấy yêu cầu cấp bách trong việc hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan, đặc biệt là quy định về xuất xứ hàng hóa.

Trên thực tế, không phải đợi đến vụ Asanzo, các cơ quan chức năng và dư luận mới quan tâm đến vấn đề xuất xứ hàng hóa. Có trường hợp hàng hóa được sản xuất nhập khẩu từ nước ngoài hoặc đặt gia công tại nước ngoài nhưng lại gắn mác là hàng “Made in Viet Nam” để gian lận thương mại, đánh lừa người tiêu dùng. Hơn nữa, hàng hóa nước ngoài có xu hướng mượn xuất xứ Việt Nam để hưởng lợi “miễn phí” và bất hợp pháp từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam tham gia hoặc sử dụng xuất xứ hàng hóa làm phương tiện lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu.

Trước khi xảy ra nghi án Asanzo, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã từng đề cập thực tế là chúng ta chưa có quy định về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nên người tiêu dùng trong nước không có căn cứ để phân biệt thế nào là hàng “Made in Viet Nam” và họ đang sử dụng hàng “Made in Viet Nam” trên cơ sở tự nhận biết hoặc tin tưởng vào những nhãn hàng không được kiểm chứng.

Việc gian lận ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam không những gây hậu quả trực tiếp đến sản phẩm cụ thể, ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn có tác động không nhỏ đến ngành hàng trong nước, làm giảm uy tín và tính cạnh tranh của hàng sản xuất tại Việt Nam.

Hiện, Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hoá.

Theo dự thảo, trường hợp hàng hóa được lắp ráp, đóng gói, đóng chai thì trên nhãn hàng hóa phải ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân lắp ráp, đóng gói, đóng chai và ghi tên, địa chỉ của tổ chức cá nhân sản xuất ra hàng hóa trước khi lắp ráp, đóng gói, đóng chai.

Vẫn theo Cục Xuất nhập khẩu, hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam chưa có quy định điều chỉnh việc hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam. Các quy định hiện hành dù đang được hoàn thiện để phù hợp với thực tế sản xuất và kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam nhưng phạm vi điều chỉnh chủ yếu là nhãn hàng hóa, chỉ dẫn địa lý và thương hiệu.

Về cách ghi nhãn, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa. Nghị định dẫn trên quy định về cách ghi nhãn hàng hóa lưu thông tại Việt Nam và hàng hóa nhập khẩu nhưng chưa quy định tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam.

Về chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm, các quy định được đề cập tại Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định số 103/2006/NĐ-CP và các Thông tư liên quan. Theo quy định tại các văn bản nêu trên, một chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm nếu sản phẩm đó có nguồn gốc địa lý, danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu của vùng lãnh thổ tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó. Đây là quy định về bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với một sản phẩm cụ thể từ một vùng lãnh thổ xác định, không quy định ghi nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam nói chung.

Về thương hiệu hàng Việt Nam, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 984/QĐ-BCT ngày 06 tháng 3 năm 2012 kèm theo quy chế xây dựng và thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia. Quyết định số 984/QĐ-BCT nêu trên có tiêu chí để hàng hóa được gắn mác “Viet Nam Value” (Giá trị Việt Nam) nhằm quảng bá tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu hàng hóa của Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước.

Trên cơ sở cam kết quốc tế và Luật Quản lý ngoại thương, Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2018/NĐ-CP nêu trên với phạm vi điều chỉnh về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, xuất xứ hàng hóa nhập khẩu, không điều chỉnh về ghi nhãn xuất xứ hàng hóa.Với sự ra đời của Nghị định số 31/2018/NĐ-CP, Việt Nam đã có hành lang pháp lý về xuất xứ hàng hóa. Quy định hiện hành là căn cứ để xác định “hàng hóa có xuất xứ Việt Nam”, được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa của Việt Nam nhằm hưởng ưu đãi thuế quan hoặc phi thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường mà Việt Nam có cam kết quốc tế.

Theo mục tiêu quản lý nhà nước đặc thù của các Bộ ngành, các văn bản nêu trên tập trung vào quy định về yêu cầu ghi nhãn hàng hóa, bảo hộ chỉ dẫn địa lý và xây dựng thương hiệu Việt Nam. Quy định hiện hành chưa có bộ tiêu chí để xác định như thế nào là hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam.

Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, do chưa có quy định về tiêu chí ghi nhãn nước sản xuất hàng hóa, khái niệm “hàng hóa Việt Nam” có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau: (a) hàng hóa có xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết hội nhập kinh tế quốc tế hoặc (b) hàng hóa có công đoạn sản xuất tại Việt Nam hoặc (c) hàng hóa có thương hiệu của Việt Nam. Các khái niệm này tuy khác nhau nhưng thường bị nhầm lẫn.

Trên thực tế, Thông tư 05/2018/TT-BCT đã quy định thế nào được coi là xuất xứ Việt Nam,  nhưng Thông tư này chỉ áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu ra khỏi Việt Nam.

Xuất phát từ thực tiễn trong nước và thế giới nêu trên, việc xây dựng quy định về hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam là cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý với mục tiêu phòng chống gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa và bảo vệ người tiêu dùng. Hiện, Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hoá. Dự thảo hướng dẫn chi tiết các quy định về: phân biệt bao bì thương phẩm; vị trí nhãn; ngôn ngữ; nội dung (xuất xứ, thành phần, thông số kỹ thuật, hạn sử dụng, chất gia dụng, định lượng hàng hoá), cách ghi các nội dung đó…

Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, trước mắt, việc ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nên được áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện, tự kê khai. Tuy nhiên, khi cá nhân, tổ chức thực hiện ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam, hàng hóa bắt buộc phải đáp ứng tiêu chí và phải chứng minh việc đáp ứng tiêu chí đó khi được yêu cầu. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức ghi công đoạn sản xuất tại Việt Nam thì phải chứng minh được việc hàng hóa trải qua công đoạn sản xuất, gia công có phát sinh giá trị tại Việt Nam.

Sau một khoảng thời gian thực hiện, khi quy định ghi nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam dần được hình thành trong nhận thức xã hội, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tổng kết, đánh giá và báo cáo Chính phủ để áp dụng bắt buộc ghi nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đối với một số mặt hàng cụ thể nhằm bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, bảo hộ ngành sản xuất và xây dựng thương hiệu như thực phẩm, dệt may, giày dép...

Nhìn chung, các nước tiên tiến đều có quy định về việc ghi nhãn nước sản xuất. Đối với mặt hàng cần bảo hộ hoặc đã xây dựng được thương hiệu mang tầm quốc tế, các nước quy định tiêu chí cho một số sản phẩm cụ thể. Ví dụ quy định của Thụy Sỹ đối với đồng hồ, quy định của Hoa Kỳ đối với ô tô, hàng dệt may và len, quy định của New Zealand đối với rượu vang... Nhiều nước cho phép áp dụng việc ghi nhãn trên cơ sở tự nguyện đối với hàng sản xuất và tiêu thụ trong nước. Một khi hàng hóa đã ghi nhãn nước sản xuất thì bắt buộc phải đáp ứng tiêu chí và điều kiện theo quy định.

Các nước đưa ra quy định cụ thể về ghi nhãn xuất xứ hàng hóa nhằm mục tiêu bảo hộ ngành hàng sản xuất tại nước đó nói chung và bảo hộ thương hiệu của sản phẩm cụ thể. Tiêu chí và điều kiện ghi nhãn xuất xứ có thể được quy định chung như "made in…, produced in…" hoặc chi tiết đến từng công đoạn sản xuất, gia công hoặc chứa giá trị gia tăng cụ thể như "designed by/in…, assembled in…, processed in…, packaged in…, imported by/for".

Về chế tài xử phạt, một số nước có chế tài xử phạt rất nặng đối với cá nhân, tổ chức cố tình ghi sai nhãn xuất xứ hàng hóa. Ví dụ, theo quy định của Ý, tổ chức, cá nhân gắn nhãn "Made in Italy" vào sản phẩm đồ da không đáp ứng tiêu chí "Made in Italy" có thể phải nộp phạt tới 100.000 Euro. Tại Canada, theo Luật Cạnh tranh, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm việc gây hiểu sai, hiểu nhầm về sản phẩm có thể bị phạt hành chính lên đến 15 triệu Đôla Canada, truy cứu trách nhiệm hình sự và/hoặc phạt tù từ 1 – 14 năm.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/yeu-cau-cap-bach-nhin-tu-cac-nghi-an-doi-lot-hang-viet-2019062511283609.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/