Xe điện chiếm 10% tổng doanh số bán xe mới trên toàn cầu trong năm 2022

Mỹ, Trung Quốc và châu Âu vẫn là những thị trường xe điện lớn nhất thế giới. Trong khi đó, các nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới trong năm qua gồm Tesla, BYD, SAIC và Volkswagen.

Doanh số bán xe điện trên toàn cầu trong năm 2022 đã có lần đầu tiên đạt khoảng 10% thị phần, chủ yếu nhờ sức tăng trưởng mạnh ở Trung Quốc và Châu Âu, theo dữ liệu và ước tính mới được Wall Street Journal công bố.

Mặc dù xe điện vẫn chiếm một phần nhỏ trong doanh số bán xe ở Mỹ, nhưng thị phần của chúng trên tổng thị trường đang lớn dần ở châu Âu và Trung Quốc. Sự gia tăng doanh số bán xe điện tương phản với thị trường ô tô nói chung, vốn đang phải gánh chịu áp lực từ các vấn đề như áp lực lạm phát và gián đoạn sản xuất.

Theo nghiên cứu sơ bộ từ LMC Automotive và EV-Volumes.com, doanh số bán xe chạy hoàn toàn bằng điện trên toàn cầu đạt khoảng 7,8 triệu chiếc trong năm 2022, tăng 68% so với năm trước.

Doanh số bán xe chạy hoàn toàn bằng điện trên toàn cầu giai đoạn 2021 - 2023 (đơn vị: triệu xe). (Nguồn: WSJ).

Ralf Brandstätter, người đứng đầu bộ phận kinh doanh tại Trung Quốc của Volkswagen AG, nói rằng xe điện sẽ tiếp tục phát triển nhanh chóng và Trung Quốc có thể sớm đạt đến điểm mà doanh số bán xe xăng bắt đầu giảm vĩnh viễn khi xe điện chiếm thị phần lớn hơn.

“Năm ngoái, cứ 4 chiếc xe chúng tôi bán ra ở Trung Quốc, thì có một chiếc là xe điện. Tỷ lệ này trong năm 2023 dự kiến là 1/3. Chúng tôi vẫn chưa đạt đến điểm bùng nổ, nhưng chúng tôi hy vọng sẽ đạt được điều đó trong khoảng thời gian từ 2025 đến 2030”, ông Ralf Brandstätter nói.

Trong cả năm 2022, xe điện chiếm 11% tổng doanh số bán ô tô ở châu Âu và 19% ở Trung Quốc, theo LMC Automotive. Kết hợp với các loại xe plug-in hybrid, loại xe có thể cắm điện để sạc lại pin nhưng cũng có động cơ đốt trong nhỏ, thị phần xe điện được bán ở châu Âu đã tăng lên 20,3% vào năm ngoái, theo EV-Volume.com.

Mỹ đang tỏ ra tụt hậu so với Trung Quốc và châu Âu trong việc triển khai xe điện, nhưng năm ngoái các nhà sản xuất ô tô cũng đã bán được 807.180 xe chạy hoàn toàn bằng điện ở Mỹ. Tesla vẫn là nhà sản xuất xe điện thống trị thế giới, nhưng các nhà sản xuất ô tô khác cũng bắt đầu rút ngắn khoảng cách với hãng xe do tỷ phú Elon Musk điều hành.

Tại Đức, thị trường ô tô lớn nhất châu Âu, xe điện chiếm 25% tổng sản lượng xe mới bán ra vào năm ngoái, theo VDA, hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Đức. Vào tháng 12/2022, đã có nhiều xe điện được bán trong nước hơn so với ô tô chạy xăng.

Theo dữ liệu của LMC, doanh số bán ô tô mới nói chung đã giảm khoảng 1% xuống còn 80,6 triệu xe, với mức tăng trưởng gần 4% ở Trung Quốc, giúp bù đắp mức giảm 8% ở Mỹ và 7% ở châu Âu, vốn bị ảnh hưởng bởi sự suy yếu của nền kinh tế toàn cầu, chi phí năng lượng tăng vọt, gián đoạn chuỗi cung ứng và xung đột tại Ukraine.

Bayerische Motoren Werke AG (BMW), nhà sản xuất ô tô hạng sang của Đức, là một trong số nhiều nhà sản xuất năm ngoái chứng kiến doanh số bán các mẫu xe plug-in tăng ngay cả khi doanh số chung giảm. BMW đã báo cáo tổng doanh số bán xe mới giảm 5%, nhưng doanh số bán xe điện tăng hơn gấp đôi vào năm ngoái.

Volkswagen đã ghi nhận doanh số bán xe điện tăng trong năm 2022, dù doanh số bán ô tô nói chung giảm. (Ảnh: WSJ).

Volkswagen, nhà sản xuất lớn nhất châu Âu tính theo doanh số, cho biết rằng tổng doanh số bán xe mới đã giảm 7% xuống còn 8,3 triệu xe vào năm ngoái, nhưng doanh số bán xe điện của hãng cũng đã tăng 26% lên 572.100 chiếc. Phần lớn doanh số bán xe điện của Volkswagen là ở châu Âu, nhưng mức tăng trưởng doanh số bán hàng mạnh nhất là ở Trung Quốc và Mỹ.

Các nhà sản xuất khác cũng báo cáo mức tăng trưởng mạnh mẽ tương tự về doanh số bán ô tô điện, trong khi doanh số bán xe xăng sụt giảm. Ford Motor Co., Mercedes-Benz Group AG và BMW đều cho biết doanh số bán xe điện của họ đã tăng hơn gấp đôi vào năm 2022, trong khi tổng doanh số bán xe của họ lại giảm.

Các nhà sản xuất ô tô châu Âu đã tập trung sản xuất và bán xe điện tại thị trường nội địa khi cố gắng đáp ứng các quy định về khí thải của Liên minh châu Âu. Năm ngoái, họ cũng đã bắt đầu mở rộng hơn hoạt động kinh doanh xe điện tại các thị trường lớn khác, đặc biệt là Trung Quốc và Mỹ.

Tại Trung Quốc, thị trường chiếm khoảng 2/3 doanh số bán ô tô chạy hoàn toàn bằng điện toàn cầu vào năm ngoái, các nhà sản xuất trong nước đang giành được chỗ đứng trước các nhà sản xuất ô tô của phương Tây và cũng đang bắt đầu mở rộng sang châu Âu và Mỹ.

Trên toàn thế giới, Tesla duy trì vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng các nhà sản xuất toàn cầu về doanh số bán xe chạy hoàn toàn bằng điện, tiếp theo là các nhà sản xuất Trung Quốc gồm BYD Co. và SAIC Motor Corp., và các thương hiệu thuộc tập đoàn Volkswagen, theo một nghiên cứu được công bố bởi Stefan Bratzel, giám đốc Trung tâm Quản lý Ô tô, một nhóm nghiên cứu ô tô ở Đức.

BYD của Trung Quốc đang vươn lên trên thị trường xe điện toàn cầu. (Ảnh: WSJ).

Tại Mỹ, Ford là nhà sản xuất xe điện lớn thứ hai tính theo doanh số, tiếp theo là Hyundai Motor Co. và chi nhánh Kia Corp. Trong khi đó, General Motors Co., Volkswagen và Nissan Motor Co. đã mất thị phần xe điện tại Mỹ vào năm ngoái.

Mặc dù xe điện đang có dấu hiệu trở thành xu hướng chủ đạo trên toàn cầu, nhưng các nhà phân tích cảnh báo rằng việc lặp lại hiệu suất xe điện mạnh mẽ của năm ngoái vào năm 2023 có thể khó khăn do những áp lực về sự đi xuống của nền kinh tế đang đè nặng lên người tiêu dùng. Giá điện tăng ở châu Âu cũng làm giảm sức hấp dẫn của xe điện so với xe xăng.

Đức đã chứng kiến ​​sự gia tăng số lượng mua xe điện vào tháng 12/2022, khi người tiêu dùng đổ xô tận dụng các ưu đãi của chính phủ trước khi chúng hết hạn trong năm 2023. Kể từ ngày 1/1, các khoản trợ cấp của chính phủ để mua một chiếc xe điện có giá niêm yết lên tới 40.000 euro, tương đương khoảng 43.000 USD, đã giảm xuống 4.500 euro từ 6.000 euro trước đó.

Top 4 nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới về doanh số trong năm 2022. (Nguồn: WSJ).

Trong vài năm qua, các nhà sản xuất ô tô, đặc biệt là ở châu Âu, đã phải vật lộn để tìm các thành phần quan trọng như chip để duy trì sản xuất theo kịp nhu cầu. Sự không phù hợp giữa nguồn cung và nhu cầu này là một trong những lý do khiến các nhà sản xuất ô tô vẫn công bố lợi nhuận cao trong năm ngoái mặc dù doanh số bán hàng nhìn chung giảm xuống.

Khi nền kinh tế suy yếu, chuỗi cung ứng gián đoạn và các khoản trợ cấp hết hạn, nhiều nhà sản xuất có thể gặp khó khăn hơn trong việc duy trì mức giá bán cao cho ô tô mới. Điều này có thể dẫn đến việc nhiều đơn vị phải giảm giá bán xe điện, qua đó ảnh hưởng tới lợi nhuận.

Peter Fuss, nhà phân tích ô tô của Ernst & Young cho biết: “Nhu cầu có thể sẽ yếu đi trong năm tới. Nền kinh tế suy yếu sẽ khiến người tiêu dùng và doanh nghiệp ngần ngại hơn trong việc mua xe điện”.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/xe-dien-chiem-10-tong-doanh-so-ban-xe-moi-tren-toan-cau-trong-nam-2022-20231181143256.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/