Xe đầu kéo ở Mỹ và châu Âu khác nhau thế nào?

Xe đầu kéo của Mỹ dài hơn châu Âu do điều kiện việc làm, đường xá, quy định pháp luật và cả quy luật vật lý. Giữa hai loại xe còn có nhiều đặc điểm riêng biệt khác.

Xe đầu kéo của Mỹ và châu Âu rất khác nhau. Ở Mỹ, những chiếc xe đầu kéo sẽ có mũi dài, chiều dài cơ sở (wheelbase) lớn và động cơ đặt ở phía trước buồng lái. Tại châu Âu, xe đầu kéo không có mũi nhô ra, và động cơ đặt ngay dưới buồng lái.

Đồng thời, động cơ của xe đầu kéo ở châu Âu cũng mạnh mẽ hơn đáng kể so với xe đầu kéo của Mỹ. 

Vậy tại sao xe tải ở hai khu vực này lại khác nhau, và mỗi phiên bản sẽ có những ưu nhược điểm gì?

Xe đầu kéo châu Âu ngắn hơn xe đầu kéo Mỹ, và không có khoang nghỉ rộng rãi. (Ảnh: Truck Topia; Việt hóa: Minh Quang).

Một trong những lý do khiến xe đầu kéo ở Mỹ có buồng lái lớn hơn là do chủ xe tại Mỹ thường sở hữu cả chiếc xe. Những người tài xế gần như sẽ sống trong chiếc xe đầu kéo suốt hàng tháng trời khi đi đường dài.

Bởi vậy, buồng lái xe đầu kéo tại Mỹ thường lớn hơn xe của châu Âu, và có thêm nhiều tiện ích, chẳng hạn như tủ lạnh, lò vi sóng, tủ quần áo, giường và đôi khi là cả toilet để phục vụ tài xế sinh hoạt.

Nội thất bên trong một chiếc xe đầu kéo của Mỹ. (Ảnh: ARI Legacy Sleepers).

Đường của Mỹ lớn hơn

Những chiếc xe đầu kéo của Mỹ thường di chuyển trên hệ thống Xa lộ Liên bang, nơi có làn đường rộng và thẳng tắp. Bởi vậy, một chiếc xe có trục cơ sở dài vẫn có thể di chuyển dễ dàng, đồng thời, không gian rộng rãi giúp lái xe thoải mái hơn nhiều. Lái xe tại Mỹ được phép điều khiển phương tiện tới 12 giờ/ngày, trong khi tài xế châu Âu chỉ được phép lái xe không quá 9 giờ/ngày.

Xe đầu kéo ở châu Âu lại gọn nhẹ, giúp việc di chuyển trong môi trường đô thị dễ dàng hơn. Đường xá tại châu Âu nhìn chung cũng hẹp hơn so với Mỹ. Việc có mũi xe ngắn cũng giúp tài xế quan sát dễ hơn, giảm điểm mù và tăng độ an toàn. Trong khi đó, mũi xe kéo dài và cột chữ A lớn gây cản trở khả năng quan sát giao thông của tài xế Mỹ.

Quy định chặt chẽ

Quy định ở châu Âu cũng góp phần tạo ra những chiếc xe đầu kéo khác biệt so với Mỹ. Trước hết, một chiếc xe đầu kéo của châu Âu chỉ có thể dài tối đa là 18,75 mét (đã bao gồm hàng hóa ở phía sau).

Đầu kéo càng ngắn, xe châu Âu sẽ chở được càng nhiều hàng. (Ảnh: Truck Topia; Việt hóa: Minh Quang).

Vì vậy, những chiếc xe đầu kéo ở châu Âu phải càng ngắn càng tốt, để có thể kéo được nhiều hàng hơn. Xe đầu kéo tại Mỹ có thể dài tới 6 mét. Nếu sử dụng loại đầu kéo này ở châu Âu, tài xế sẽ chỉ chở thêm được hàng hóa dài tối đa khoảng 12 mét. 

Tại Mỹ, các quy định về giới hạn chiều dài cả xe đã bị hủy bỏ vào năm 1986. Trước kia, xe đầu kéo mũi ngắn cũng đã từng khá phổ biến tại Mỹ, nhưng khi không còn giới hạn về chiều dài, những mẫu xe rộng rãi, phù hợp để lái đường dài đã chiếm ưu thế.

Mẫu xe đầu kéo của ARI Legacy Sleepers được thiết kế với không gian sinh hoạt rộng rãi cho tài xế, phù hợpcho những chặng đường rất dài. (Ảnh: ARI Legacy Sleepers).

Tốc độ và khí động học

Một điểm khác biệt lớn giữa xe đầu kéo châu Âu và Mỹ là giới hạn tốc độ. Ở châu Âu, xe đầu kéo chỉ có thể đi dưới 90 km/h. Tuy vậy, ở phía bên kia Đại Tây Dương, xe đầu kéo có thể được phép đạt 129, hoặc thậm chí 137 km/h, trên những con đường thẳng tắp.

Tốc độ càng cao thì những chiếc xe có mũi nhọn và chiều dài cơ sở lớn lại càng có lợi thế về khí động học, do đó tiết kiệm nhiên liệu hơn. Những con đường của Mỹ thường dài và thẳng hơn so với châu Âu nên xe đầu kéo sẽ có nhiều thời gian duy trì tốc độ cao. 

Khác biệt về động cơ

Xe đầu kéo tại châu Âu thường có động cơ mạnh hơn đáng kể so với xe đầu kéo của Mỹ. Trong khi động cơ tại Mỹ chỉ sản sinh ra khoảng 500 mã lực và mô-men xoắn khoảng 2.000 N/m, động cơ của xe đầu kéo châu Âu có thể tạo ra tới 770 mã lực và mô-men xoắn 3.700 N/m. 

Theo quy định liên bang, khối lượng tối đa của xe đầu kéo tại Mỹ là 36 tấn. Một khối động cơ sản sinh khoảng 500 mã lực và mô-men xoắn 2.000 N/m có thể dễ dàng kéo khối lượng này. Bởi vậy, xe đầu kéo ở Mỹ không cần đến động cơ quá mạnh mẽ. Với những lô hàng có khối lượng lớn hơn, người Mỹ sẽ sử dụng tàu hỏa thay vì xe đầu kéo.

Trong khi đó, tại châu Âu, một số quốc gia cho phép tổng khối lượng xe đầu kéo lên tới 90 tấn. Đa số các nước đặt giới hạn này ở mức từ 40 đến 44 tấn, lớn hơn tương đối so với Mỹ. Do khối lượng hàng lớn, kết hợp với địa hình không bằng phẳng, xe đầu kéo tại châu Âu cần đến động cơ mạnh mẽ hơn. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/xe-dau-keo-o-my-va-chau-au-khac-nhau-the-nao-2023116810277.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/