WSJ: Phương Tây sẽ cố chốt trần giá dầu Nga trong hôm nay, dự kiến ở mức 60 USD/thùng

Theo nguồn tin của Wall Street Journal, Mỹ và các đồng minh đang cố gắng chốt mức trần giá đối với dầu thô của Nga trong hôm nay (ngày 23/11). Con số dự kiến vào khoảng 60 USD/thùng.

 

Thoả thuận áp trần giá đối với dầu thô của Nga dự kiến sẽ có hiệu lực từ đầu tháng 12. (Ảnh minh hoạ: Shutterstock)

Nguồn tin thân cận của Wall Street Journal cho biết, Mỹ và các đồng minh phương Tây đang tìm cách chốt mức giới hạn giá đối với dầu thô của Nga, sớm nhất là trong hôm nay (ngày 23/11). Các quan chức dự kiến đặt trần giá ở mức 60 USD/thùng.

Theo các nguồn tin, mức trần giá có thể lên tới 70 USD/thùng. Thoả thuận mà phương Tây đang đàm phán là một nỗ lực khác nhằm trừng phạt Nga sau khi quân đội nước này tấn công Ukraine hồi đầu năm.

Đại sứ từ 27 quốc gia thành viên EU dự kiến sẽ gặp mặt trong ngày 23/11 để thống nhất mức trần giá. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao cảnh báo rằng quá trình đàm phán của EU khó có thể diễn ra nhanh chóng. G7 đặt mục tiêu sẽ thông qua mức trần giá ngay sau EU.

Theo Wall Street Journal, các nước G7 và Australia dự định sẽ bắt đầu thực thi trần giá vào ngày 5/12, sau khi giới chức 8 nước này phải vật lộn trong suốt mùa thu để soạn thảo chi tiết thoả thuận.

Mục tiêu của kế hoạch, vốn được Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen rất ủng hộ, là kiềm chế doanh thu từ xuất khẩu năng lượng của Nga, đồng thời tránh cho giá dầu thế giới tăng vọt.

Theo kế hoạch hiện tại, G7, EU và Australia sẽ cấm cung cấp dịch vụ hàng hải cho các chuyến tàu chở dầu của Nga, trừ khi dầu được bán dưới mức trần giá.

Các nước phương Tây đang hy vọng có thể tận dụng quyền kiểm soát của họ đối với phần lớn dịch vụ bảo hiểm, tài chính và vận chuyển hàng hải quốc tế để lập ra các điều khoản kiểm soát hoạt động buôn bán dầu bằng đường biển của Nga.

Sau khi phương Tây đề xuất và thảo luận về phương án trên nhiều tháng qua, lựa chọn mức giá thực tế là quyết định quan trọng cuối cùng mà họ cần phải thực hiện để hoàn thành kế hoạch.

Các cuộc thảo luận xoay quanh trần giá vẫn chưa dứt tranh cãi, vì một số quốc gia - bao gồm Ba Lan và Lithuania - kêu gọi đặt mức giá thấp hơn nhiều so với giá sản xuất. Các quan chức Ba Lan cho rằng giá sản xuất chỉ vào khoảng 20 USD/thùng.

“Nếu các bạn đề xuất trần giá ở mức 60 USD hoặc 65 USD/thùng, con số đó có vẻ hợp lý theo quan điểm của các đồng minh của chúng tôi.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Ukraine, chúng tôi muốn thấy mức trần thấp nhất có thể, ngang bằng chi phí sản xuất”, ông Oleg Ustenko - cố vấn kinh tế của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, nhấn mạnh.

Mỹ muốn đặt trần giá ở mức cao vừa phải để khuyến khích Nga tiếp tục bán dầu ra thị trường toàn cầu. Giới chức chính quyền Tổng thống Joe Biden đã xem xét giá dầu của Nga trước chiến sự, trung bình khoảng 65 USD/thùng và coi đây là một mức tham khảo.

Ghi nhận tại thời điểm 7h50 ngày 23/11 (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent đang giao dịch quanh mức 88,36 USD/thùng. Dữ liệu của Refinitiv cho thấy trong những ngày gần đây, dầu thô của Nga đang giao dịch thấp hơn dầu Brent khoảng 26 USD/thùng.

 

Mỹ đã tìm cách nới lỏng các quy định xoay quanh mức trần giá, đồng thời kêu gọi EU điều chỉnh kế hoạch cấm các tàu vi phạm tiếp nhận các dịch vụ của khối như môi giới hay bảo hiểm.

Chính quyền Washington lo ngại rằng kế hoạch của EU sẽ khiến các chủ tàu không muốn vận chuyển dầu của Nga, gây tổn hại cho thị trường toàn cầu.

Theo một thoả hiệp mà các quan chức Mỹ và các nước thành viên EU đạt được, lệnh cấm đối với tàu thuyền vi phạm thoả thuận trần giá hiện kéo dài 90 ngày.

Hy Lạp, Malta và Đảo Síp (Cyprus) - các nước có ngành công nghiệp hàng hải phát triển - cần ký thoả hiệp trên để EU xúc tiến mức trần giá.

Hôm 22/11, Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành hướng dẫn về việc tuân thủ giới hạn giá. Cơ quan này nhấn mạnh rằng các công ty sẽ chỉ bị phạt nếu cố ý cung cấp dịch vụ cho các lô dầu Nga vi phạm mức trần giá.

Hướng dẫn cũng nêu rõ rằng trần giá có thể thay đổi theo thời gian. Một quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết các nước phương Tây sẽ theo dõi điều kiện thị trường để điều chỉnh trần giá, có thể theo quý hoặc nửa năm.

Ngoài ra, phương Tây cũng đang có kế hoạch thiết lập hai mức giới hạn giá khác nhau đối với các sản phẩm xăng dầu của Nga vào ngày 5/2/2023.

Các quan chức Nga đã nhiều lần tuyên bố họ sẽ không bán dầu nếu bị áp giá trần, dù chính quyền ông Biden coi những lời đe doạ đó là một trò bịp.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, bà Yeleln cho biết Mỹ có thể rút thêm dầu từ kho dự trữ chiến lược nếu Nga cắt nguồn cung và làm tăng giá năng lượng trên toàn cầu.

“Chúng tôi tin rằng cơ chế giá trần sẽ mang lại hiệu quả và Mỹ vẫn có thể sử dụng kho dự trữ chiến lược để ứng phó tình hình”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ nhấn mạnh.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/wsj-phuong-tay-se-co-chot-tran-gia-dau-nga-trong-hom-nay-du-kien-o-muc-60-usdthung-202211238550986.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/