Washington lo ngay ngáy vì doanh nghiệp Trung Quốc mua đất nông nghiệp gần căn cứ quân sự Mỹ

Tập đoàn Fufeng, nhà sản xuất thực phẩm Trung Quốc, mua hơn 120 ha đất nông nghiệp gần gần căn cứ Không quân Mỹ. Căn cứ này là nơi có công nghệ máy bay không người lái nhạy cảm, vậy nên các nhà lập pháp Mỹ lo lắng về khả năng Bắc Kinh tiến hành hoạt động gián điệp.

Thoạt nhìn, vùng đất cằn cỗi phía bắc thành phố Grand Forks, bang North Dakota dường như là địa điểm chẳng liên quan gì đến hoạt động gián điệp quốc tế. Hiện tại, khu đất nông nghiệp rộng hơn 120 ha ở Dakota gần như trống không, chỉ có bụi bặm và cỏ hoang. 

Nhưng khi ba người dân North Dakota sở hữu các lô đất ở đây bán chúng với giá hàng triệu USD hồi đầu năm nay, các giao dịch này ngay lập tức gióng lên tín hiệu cảnh báo ở tận thủ đô Washington.

Căn cứ Không quân Grand Forks

Người mua các lô đất nông nghiệp là Tập đoàn Fufeng, một doanh nghiệp Trung Quốc đặt trụ sở tại Sơn Đông. Khu đất họ mua ở North Dakota chỉ cách 20 phút đi xe là tới Căn cứ Không quân Grand Forks – nơi chứa đựng một số công nghệ máy bay không người lái quân sự nhạy cảm nhất nước Mỹ.

Căn cứ Grand Forks cũng là nhà của một trung tâm mạng lưới không gian mới. Theo mô tả của một thượng nghị sĩ North Dakota, cơ sở này đảm đương “hoạt động chính của mọi thông tin liên lạc quân sự của Mỹ trên toàn cầu”.

Đất nông nghiệp ở phía nam North Dakota gần Bismarck vào 2/9/2016. (Ảnh: AFP).

Một số chuyên gia an ninh cảnh báo rằng dự án xây dựng nhà máy xay ngô trị giá khoảng 700 triệu USD của Fufeng phải bị ngăn chặn, vì nó có thể mang lại cho tình báo Trung Quốc quyền tiếp cận chưa từng có vào cơ sở Grand Forks. 

Theo tờ CNBC, đây là kiểu đối đầu chỉ có ở Mỹ - cuộc so găng giữa quyền kinh tế và quyền sở hữu của một cộng đồng với cảnh báo an ninh quốc gia từ những quan chức cấp cao tại thủ đô. 

Tranh cãi về dự án của Trung Quốc đã làm xáo trộn cộng đồng nhỏ ở North Dakota, với các phiên điều trần đầy cảm xúc tại hội đồng thành phố, các chính trị gia địa phương mâu thuẫn với nhau, và các nhóm dân cư chuẩn bị để ngăn chặn dự án.

Ông Craig Spicer là chủ sở hữu công ty xe tải cạnh miếng đất giờ đã thuộc về người Trung Quốc. Ông không giấu giếm sự ngờ vực của mình về ý định của công ty mới đến: “Tôi thấy lo cho các con, các cháu”.

Thương vụ 2,6 triệu USD

Ông Gary Bridgeford là một trong ba người đã bán đất nông nghiệp ở North Dakota cho công ty Trung Quốc với giá 2,6 triệu USD. Ông cho biết các hàng xóm đang rất tức giận và cài cắm biển hiệu phản đối dự án trong sân nhà ông.

Ông chia sẻ: “Tôi đã bị hăm dọa, bị chửi bới thậm tệ vì bán đất của mình”. Ông tin rằng các lo ngại về an ninh quốc gia đã bị thổi phồng quá mức, vì khu đất vẫn “cách căn cứ quân sự khoảng 19 km, chứ không phải sát vách”.

Ông Brandon Bochenski, Thị trưởng Grand Forks, là một trong những người ủng hộ dự án. Ông cho biết nhà máy được đề xuất sẽ tạo ra hơn 200 việc làm trực tiếp và nhiều cơ hội khác cho ngành logistics, vận tải và các dịch vụ hỗ trợ khác.

Phản ứng của Không quân Mỹ

Không quân Mỹ chưa công bố lập trường chính thức về dự án Trung Quốc tại North Dakota. Nhưng bên trong lực lượng Không quân, Thiếu tá Jeremy Fox đã viết và lưu truyền lưu ý về dự án Fufeng từ hồi tháng 4.

Ông Fox coi đây là mối đe dọa tới an ninh quốc gia và cáo buộc dự án giống với mô hình của các chiến dịch gián điệp cấp địa phương của Trung Quốc, sử dụng các dự án phát triển kinh tế thương mại để tiếp cận với cơ sở của Bộ Quốc phòng.

Ông Fox lập luận rằng dự án Fufeng nằm trên địa điểm mà tại đó thiết bị nhận thụ động có thể chặn thông tin liên lạc dựa trên không gian hoặc máy bay không người lái đến và rời khỏi căn cứ. Hoạt động thu thập dữ liệu kiểu này “sẽ gây ra rủi ro an ninh đắt giá, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các lợi thế chiến lược của Mỹ”.

Giám sát điện tử

Theo Thiếu tá Fox, Không quân Mỹ gần như không có khả năng phát hiện hoạt động giám sát điện tử đối với các tín hiệu vệ tinh và máy bay không người lái được thực hiện từ khu đất của Fufeng. Ông viết trong lưu ý: “Việc thu thập thụ động các tín hiệu này không thể bị phát hiện, vì người thực hiện chỉ cần chỉnh các loại anten thông thường đến đúng tần số thu”.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là ý kiến cá nhân của ông Fox. Người phát ngôn của Không quân Mỹ nhấn mạnh rằng ông Fox tự viết lưu ý theo quan điểm cá nhân.

Về phần mình, Fufeng lập luận rằng dự án của họ sẽ có ích cho người Mỹ, chứ không phải làm hại. Ông Eric Chutorash, Giám đốc Vận hành của Fufeng USA, công ty con của Tập đoàn Fufeng, bác bỏ mọi lo ngại rằng nhà máy có thể được sử dụng để do thám căn cứ Không quân Mỹ.

Nhưng ông Fox không phải quan chức duy nhất lo ngại về đất nông nghiệp ở Grand Forks. Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ-Trung trích dẫn những lo ngại của Thiếu tá Fox trong báo cáo ngày 26/5. Ủy ban viết rằng “vị trí của khu đất gần căn cứ đặc biệt thuận tiện cho việc giám sát các luồng không lưu ra vào căn cứ, ngoài ra còn phải kể đến các lo ngại an ninh khác”. 

Phản đối của Thượng viện

Thượng nghị sĩ Kevin Cramer của North Dakota phản đối dự án Fufeng bất chấp các lợi ích kinh tế bang của ông có thể nhận được. Ông cho biết mình nghi ngờ về ý đồ của chính phủ Trung Quốc. Trong một cuộc phỏng vấn, ông chia sẻ: “Tôi nghĩ chúng ta đã đánh giá quá thấp năng lực của Trung Quốc trong việc thu thập thông tin, dữ liệu và sử dụng chúng cho mục đích bất chính”.

Hai nghị sĩ cấp cao nhất của Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, dù thuộc hai đảng phái khác nhau, cũng đều chống lại dự án. Ông Mark Warner, Chủ tịch Ủy ban nói với CNBC: “Từ trước, Ủy ban Tình báo Thượng viện đã lớn tiếng báo động về mối đe dọa phản gián từ Trung Quốc. Chúng ta nên thực sự lo ngại về đầu tư của Trung Quốc tại những khu vực gần với các địa điểm nhạy cảm, ví dụ như căn cứ quân sự”.

Ông Marco Rubio, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng và là Phó Chủ tịch Ủy ban, có ý kiến tương tự: “Việc cho phép chính phủ Trung Quốc và các công ty chịu sự chi phối của họ mua đất gần cơ sở quân sự của Mỹ là hành động nguy hiểm, ngu ngốc và thiển cận". Ông Rubio đang đồng tài trợ một dự luật sẽ trao cho chính quyền Biden thẩm quyền để ngăn chặn giao dịch mua như vậy. Ông nhấn mạnh: “Đây là vấn đề mà chúng ta phải giải quyết”.

Nhà máy ngô của Fufeng là một dự án phức tạp, dự kiến phải đến mùa xuân năm sau thành phố Grand Forks mới bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng cho dự án. Thị trưởng Bochenski cho biết ông đang thúc đẩy dự án nhưng sẵn sàng chuyển hướng nếu có thêm thông tin mới. Ông chia sẻ: “Tôi muốn làm điều tốt nhất cho cộng đồng, cho đất nước của mình. Duy trì thế cân bằng lúc này là việc làm rất khó khăn”.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/washington-lo-ngay-ngay-vi-doanh-nghiep-trung-quoc-mua-dat-nong-nghiep-gan-can-cu-quan-su-my-202274133756708.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/